Hiện sức mua của người dân giảm sút bất chấp bước vào mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm. Để cải thiện doanh số, các đơn vị đẩy mạnh chương trình khuyến mãi với hy vọng kích cầu tiêu dùng.
Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại
Bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, ông Dương Xuân Hà – Giám đốc Hợp tác xã chè Thắng Lợi (Tân Cương, Thái Nguyên) – liên tục tham gia những chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, tìm thêm các đối tác mới.
Chia sẻ với Lao Động, ông Hà thừa nhận, thời gian qua, việc kinh doanh các sản phẩm trà của mình rất khó khăn.
“Năm vừa qua chứng kiến sức mua của người dân bị hạn chế hơn nhiều. Chúng tôi tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý nhưng vẫn khó bán. Dịp Tết này dự kiến, sẽ bán thêm những sản phẩm mới nhưng thực tế vẫn chưa khả quan. Thỉnh thoảng có khách hỏi mua, mặc cả mà yêu cầu lại cao nên không có tí lãi nào” – ông Hà nói.
Để cải thiện doanh số trong những tháng tới, đơn vị này đẩy mạnh một số chương trình giảm giá cho khách mua, đồng thời tặng thêm sản phẩm để khách hàng trải nghiệm. Và việc tham dự những hội chợ, triển lãm trước đây là điều vốn ít làm thì nay ông Hùng phải chú trọng để mở rộng thêm thị trường mới.
Khác với ông Hà, nhận thấy kênh bán hàng truyền thống có phần ảm đạm, bà Nguyễn Hoàng Oanh – Giám đốc CTCP VI2SI – đã chuyển hướng sang thành lập sàn thương mại điện tử, tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu.
“Thời điểm cuối năm gần Tết, tôi cho rằng, người dân vẫn sẽ mua nhiều nhưng khó có thể “thả phanh” giống như trước đợt dịch COVID-19. Chúng tôi cũng chú trọng vào thị trường xuất khẩu như châu Âu do nhiều gia đình, chuỗi cửa hàng bán lẻ nội địa đang dần chậm hơn. Đồng thời cũng đứng ra làm trung gian để kết nối các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị ở thị trường mới” – bà Oanh nói.
Mong muốn kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, doanh nghiệp này đẩy mạnh các chương trình tặng quà, tặng voucher trải nghiệm các dịch vụ như chăm sóc sức khoẻ, spa miễn phí để giữ chân khách.
Tại các chuỗi siêu thị lớn như GO!, chương trình khuyến mãi sẽ được thực hiện liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12.2023. Trong đó sẽ chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu và hàng phục vụ ngày tết, giỏ quà tết với các mức giảm giá phù hợp cũng như chiết khấu sâu và nhiều hình thức khuyến mãi.
Kết nối cung cầu rộng khắp cả nước
Để kích cầu tiêu dùng trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ đây đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương vừa tổ chức lễ phát động Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương – cho hay, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chương trình khuyến mãi với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn. Hướng tới đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.
Với hiệu ứng kết nối cung – cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.