Chuyển đổi số đang dần đi vào từng nhà dân. Người dân nông thôn được hướng dẫn để ứng dụng giải pháp số nhằm tối ưu quy trình sản xuất, tham gia sàn thương mại điện tử… Nhờ đó mang lại sức sống mới ở những vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay chị Phùn Sám Múi (thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh vào mạng internet để liên lạc với người thân, đọc báo, giao dịch hành chính.
“Trước thì không biết dùng điện thoại đâu, cần gì là cứ phải đến tận nơi. Giờ có điện thoại thông minh rồi, khi nào nhớ mẹ và bạn bè là gọi video thấy mặt là vui. Tôi cũng đã biết đưa sản phẩm củ cải muối của gia đình đăng bán trên trang facebook và zalo, qua đó bán được cho nhiều người”, chị Múi chia sẻ.
Thời gian qua, huyện Đầm Hà đẩy mạnh chuyển đổi số tại các thôn. Huyện đang thí điểm xây dựng mô hình thôn thông minh, người dân được tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành xã hội số. Thôn Đầm Buôn được huyện lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình thôn thông minh. Đến nay thôn có 99% số hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại.
Từ cuối năm 2022 thôn Đầm Buôn đã lắp đặt hệ thống mạng wifi kết nối Internet tại Nhà văn hóa thôn. Sau một thời gian sử dụng đã cho thấy hiệu quả, lợi ích thiết thực, giúp cho thôn tổ chức tốt các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch và đảm bảo ANTT trong thôn.
Đến nay 100% các xã, thị trấn của huyện đã lắp đặt camera giao thông, hệ thống mạng wifi kết nối Internet tại các nhà văn hóa thôn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát triển các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số của huyện.
Những ngày giữa tháng 11/2023, ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), tất bật đóng từng túi quả cam cho vào thùng xốp để chuyển đi các tỉnh cho khách đặt hàng. Những đơn đặt hàng cam Vạn Yên không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía nam, từ những đơn hàng 5-10kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Ông Hậu là một trong số các hộ dân 4.0 thành công đưa sản phẩm cam Vạn Yên lên sàn thương mại điện tử.
“Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn từ chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như ocopquangninh, tiki, sendo, voso… Gia đình tôi đã bán được 15 tấn quả cam qua sàn”, anh Hậu chia sẻ.
Từ khi chuyển đổi số đến hộ gia đình, mong ước bán được quả cam có giá cao, không bị thương lái ép giá của những hộ trồng cam ở Vân Đồn đã dần trở thành hiện thực; đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển nông sản chủ lực của địa phương.
Lợi ích từ chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng trong tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.