Năm 2023 tiếp tục ghi nhận nỗ lực của ngành Du lịch trong việc khôi phục các thị trường, tăng cường các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Huyện Bình Liêu với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc, đã tập trung phát triển đúng định hướng, khai thác tối đa tiềm năng.
Nỗ lực phục hồi, phát triển
Ước hết năm 2023, số lượt khách tham quan du lịch Bình Liêu đạt 150.000 lượt (lưu trú 40.000 lượt), đạt 150% chỉ tiêu tỉnh giao, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 149,1% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 60 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Để có được kết quả tích cực này, ngay từ đầu năm UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 427/KH-UBND về việc phát triển du lịch huyện năm 2023, tham mưu cho BTV Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về phát triển du lịch huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ động các giải pháp thực hiện Đề án phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội huyện đến năm 2030.
Bám sát kế hoạch, nghị quyết đề ra, huyện đẩy mạnh thu hút, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông, các tuyến điểm du lịch. Theo đó, huyện đẩy nhanh hoàn thành, đưa vào sử dụng Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Dự án Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Khe Vằn tại xã Húc Động. Đồng thời tập trung thu hút đầu tư từ vốn ngoài ngân sách nhà nước các lĩnh vực hạ tầng du lịch, cửa khẩu, đô thị, dự án Khu du lịch trải nghiệm rừng sở Bình Liêu…
Cùng với đó, huyện tổ chức các sự kiện kích cầu, thu hút khách du lịch năm 2023, gắn với khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương; nổi bật là Lễ hội đình Lục Nà, Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc, Hội Soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió, Tuần Văn hóa – Du lịch, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở. Qua đó tạo ra không gian văn hóa độc đáo, đặc sắc hấp dẫn du khách thông qua các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống; tái hiện các nghi lễ cưới, cầu may, thôi nôi; trình diễn trang phục dân tộc; biểu diễn các làn điệu dân ca hát then – đàn tính, hát soóng cọ, hát pả dung của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, như: Bay dù lượn; chèo sup trên sông; cắm trại trên núi; trải nghiệm văn hóa tại homestay của người bản địa…
Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức truyền thông. Đặc biệt, huyện phối hợp với đoàn công tác của Nhật Bản tổ chức khảo sát, xây dựng hoàn thiện tài liệu Dự án “Nâng cao năng lực của cộng đồng dân tộc thiểu số để tham gia hoạt động phát triển du lịch tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh”, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Đồng thời duy trì hoạt động Văn phòng Du lịch để triển khai các hoạt động kết nối với các công ty lữ hành khảo sát các tuyến điểm mới, hỗ trợ thông tin cho du khách đến Bình Liêu và qua các trang mạng xã hội.
Sẵn sàng bứt phá
Với định hướng khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, năm 2024 huyện tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn văn hóa, hệ thống các di tích, danh thắng, di tích phi vật thể trên địa bàn.
Đến nay, huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó vừa nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, vừa tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “Bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các sản phẩm du lịch thương hiệu của địa phương, như tham quan, trải nghiệm đường biên, cột mốc; trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên mùa lau, mùa lúa chín, mùa hoa sở vào dịp thu đông với hoạt động ngày hội.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, triển khai đảm bảo hiệu quả các sản phẩm du lịch mới, như: Chợ phiên Đồng Văn gắn với câu chuyện lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán; “Phiên chợ đêm” Bình Liêu; sản phẩm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; sản phẩm du lịch mạo hiểm… Đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chuyên nghiệp.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Đây là động lực để Bình Liêu tiếp tục nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, không ngừng lan tỏa, giới thiệu, quảng bá sâu rộng về hình ảnh vùng đất, con người huyện Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Qua đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh.