Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến sự cạnh tranh môi trường đầu tư kinh doanh và Việt Nam cần có giải pháp kịp thời để giữ chân doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tham gia chặt chẽ vào hệ thống thuế quốc tế
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu – TTTC). Thuế TTTC là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 với sự tham gia của 141 nước.
Nghị quyết áp dụng thuế TTTC là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Nếu Việt Nam không áp dụng, những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế TTTC từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế TTTC (15%), trong đó có các nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Theo Tổng Cục thuế, sẽ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định này. Những doanh nghiệp tên tuổi như: Samsung, Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế TTTC.
Mặc dù ngân sách ước tính Việt Nam sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng, nhưng việc áp thuế TTTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp FDI trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tuy nhiên, theo luật sư Phan Hoài Nam, chính sách này thể hiện quyền đánh thuế của Việt Nam trong một sân chơi bình đẳng, tạo ra môi trường thuế ổn định hơn giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường sự cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Hiến kế” giữ chân các nhà đầu tư lớn
Từ năm 2024, khi áp dụng thuế TTTC, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi, nhưng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất: “Để giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, Chính phủ cần chủ động đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế TTTC được áp dụng, có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam”.
Chính phủ cần khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDLPL) năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế TTTC.
“Các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); đồng thời, phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tránh các hệ lụy cho ngân sách Nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ để bảo đảm các yêu cầu đặt ra”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.
“Không nên quá thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược bằng công cụ thuế. Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam có môi trường đầu tư tốt nhất, trong điều kiện tốt nhất, với thể chế chính trị ổn định, hệ sinh thái về nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí về logistics”, TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị.