Các khó khăn dự báo vẫn còn kéo dài sang năm 2024, doanh nghiệp (DN) đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Lúc này là thời điểm chuẩn bị các kịch bản và bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
3 kịch bản tăng trưởng
Năm 2024, Quốc hội quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương, điều này cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống chính trị về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.
2024 vẫn được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam và cả thế giới, bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 được dự báo kéo dài đến năm 2024. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Trong khi đó, lạm phát vẫn ở mức cao, thậm chí có thể cao hơn năm 2023, do đó việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ khó khăn và đòi hỏi sự linh hoạt hơn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024 trong đó ở kịch bản cơ sở (dễ xảy ra), GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%. Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB 5,5%; IMF 5,8%; ADB 6%).
Theo nhóm nghiên cứu, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TPHCM, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần; xuất hiện một số “đầu tàu” mới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa) nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.
Để có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, các chuyên gia khuyến nghị, đề xuất một số giải pháp trọng tâm cho năm 2024. Theo đó, giải pháp đầu tiên vẫn là tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.
Nhận diện thách thức
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, các động lực tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ giảm sâu và kéo dài như bây giờ dù một số ngành đã có khởi sắc. Thời điểm hiện tại, tình hình có cải thiện nhưng tốc độ và quy mô chưa ổn định, không đồng đều và cũng chưa thể bứt phá so với trước. Vì vậy cần nhìn thẳng vào thực tế, nhận diện thách thức và cơ hội.
Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, thực tế, các DN trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho DN là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các DN khó vay vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Điều này có thể lý giải là do DN đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả nợ hết các khoản đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn trước đó. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí… cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên đối với DN lĩnh vực này sẽ vô cùng khó khăn.
“Do vậy, DN cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp hội HANSIBA cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối DN với phía Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ để cùng hợp tác” – ông Vân nói.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cần quy hoạch tổng thể cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau. Cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Ví dụ, du lịch hợp lực với thương mại để phát triển. Đặc biệt cần cấu trúc lại để DN quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, cần tập trung vào tăng trưởng cho dù hiện nay nhấn mạnh vào đầu tư công vì đà giải ngân đang tốt. Thị trường nội địa đang suy yếu nên cần chính sách kích cầu để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Quan trọng là thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực DN nội địa, còn khu vực FDI chủ yếu đáp ứng cho thị trường nước ngoài.
Do đó, giải quyết thị trường nội địa cần hỗ trợ cho DN Việt Nam, đây là điểm tất yếu, nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ củng cố nền tảng kinh tế Việt Nam vững chắc hơn.