Chưa đầy tháng nữa là kết thúc năm 2023, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 53,2% so với kế hoạch đã phân khai chi tiết, đạt 56,1% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm, tương đương mức bình quân cả nước và cùng kỳ năm 2022. Với tỷ lệ giải ngân như hiện tại, dự kiến đến hết năm, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ không đạt được như kế hoạch.
Đến 28/11/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt trên 7.750 tỷ đồng, đạt 53,2% so với kế hoạch đã phân khai. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt trên 550 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch; ngân sách tỉnh giải ngân đạt trên 2.570 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch; ngân sách huyện giải ngân đạt trên 4.620 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch.
Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương đạt yêu cầu, 2 nguồn vốn còn lại đều đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh. Đối với nhóm dự án, công trình hoàn thành, trong tổng số 29 dự án có tổng kế hoạch vốn năm 2023 gần 200 tỷ đồng (chiếm 3,2% kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh) thì đến nay mới giải ngân đạt trên 90 tỷ đồng, đạt 45,2% kế hoạch; đối với nhóm 43 dự án chuyển tiếp, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí trên 4.410 tỷ đồng (chiếm 71,3% tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh) thì đến nay mới giải ngân đạt 48,2% kế hoạch.
Đặc biệt ở nhóm dự án này, có đến 23/43 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân của tỉnh, hiện mới đạt 26% kế hoạch; đối với 10 dự án khởi công mới, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí trên 1.560 tỷ đồng, đến nay mới khởi công được 6/10 dự án, giải ngân đạt 22,1% kế hoạch, 4 dự án còn lại chưa khởi công, nổi bật như: Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô; cải tạo, nâng cấp và mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong giai đoạn I.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, với kết quả giải ngân như hiện tại và dự kiến trong khoảng thời gian tới, đến 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 91,2% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 96,2% so với kế hoạch vốn do HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ chỉ giải ngân đạt 84,7% kế hoạch vốn, do còn 13 dự án của 7 chủ đầu tư dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn sau điều chỉnh với tổng số vốn không giải ngân được trên 945 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện giải ngân đạt khoảng 96% kế hoạch.
Nguồn vốn chưa được giải ngân nằm chủ yếu ở những chủ đầu tư được giao nguồn vốn lớn, công trình trọng điểm, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Để hạn chế nguồn vốn còn tồn đọng của kế hoạch năm, hiện những chủ đầu tư này cũng như các địa phương trong toàn tỉnh đang chạy “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục khởi công các dự án đầu tư mới, bao gồm 3 dự án trọng điểm có kế hoạch ngân sách tỉnh lớn được bố trí từ đầu năm 2023, với nguồn vốn trên 2.330 tỷ đồng (Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều giai đoạn I – Tiểu dự án 2 phần xây dựng; cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; Trụ sở làm việc Công an tỉnh Quảng Ninh) và 4 trường học chất lượng cao được UBND tỉnh bổ sung kế hoạch vốn trên 305 tỷ đồng.
Cùng với đó, các chủ đầu tư, địa phương trong tỉnh cũng đang đôn đốc, chỉ đạo đơn vị nhà thầu xây dựng tranh thủ thời tiết thuận lợi, bố trí nhân lực, máy móc thiết bị tăng ca, tăng kíp thi công trên công trường. Các đơn vị nhà thầu lập kế hoạch thi công hằng ngày, báo cáo tiến độ, khối lượng thực hiện về chủ đầu tư kiểm tra, giám sát.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh là một trong những đơn vị được giao số vốn đầu tư lớn, hiện đang chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tăng cường số lượng người, thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ. Dự án này những tháng đầu năm 2023 do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vị trí đổ thải nên đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các hạng mục, thanh quyết toán vốn. Hiện tại, các vướng mắc đã được giải quyết dứt điểm, liên danh nhà thầu đã tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công 3 ca liên tục trong ngày để bù đắp khối lượng. Được biết, trong đầu tháng 12/2023, dự án sẽ tiến hành thảm nhựa mặt đường, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Ngoài đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương chủ động phân loại các hợp đồng có dư tạm ứng quá hạn (nếu có) để ưu tiên xử lý, thu hồi tạm ứng, trong đó xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể của các khoản tạm ứng quá hạn, kịp thời đề xuất phương án xử lý, tuyệt đối không để phát sinh số dư tạm ứng quá hạn.