Nhiều du khách tới Lũng Cú chỉ để check-in cột cờ nhưng nơi đây còn nhiều trải nghiệm thú vị khác.
Lê Thu Hằng, ngoài 30 tuổi, đã đi hết 63 tỉnh thành Việt Nam và hơn 10 nước. Độc giả đến từ Hà Nội, vừa có gần một tháng ở Hà Giang, chia sẻ 5 trải nghiệm mà chị cho là đáng giá nhất tại nơi địa đầu Tổ quốc.
Chụp ảnh ở các điểm check-in nổi tiếng
Lũng Cú có hai nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc không thể không check-in, là cột cờ Lũng Cú và điểm cực Bắc.
Tháng 8/2018, UBND huyện Đồng Văn khánh thành “công trình cực bắc Tổ quốc” gồm lầu vọng cảnh và một số hạng mục phụ trợ, ở điểm cao nhìn xuống sông Nho Quế, thuộc khu vực Tò Mông, thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, cách cột cờ Lũng Cú 2,5 km theo đường chim bay. Việc này khiến nhiều người nhầm tưởng đó là cực Bắc.
Thực tế, điểm cực Bắc của Việt Nam là mỏm đá nhô ra bên bờ sông Nho Quế, thuộc địa giới thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú. Điểm cực Bắc cách cột cờ Lũng Cú 3,3 km đường chim bay, theo báo Hà Giang.
Xét về vị trí địa lý, lịch sử, cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc xứng đáng được gọi là chốn phong thủy đắc địa ở Hà Giang, những nơi du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng địa đầu đất nước.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một bộ ảnh ở làng văn hóa Lô Lô Chải dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1 km. Đi dạo trong bản, bạn sẽ được chiêm ngưỡng không gian kiến trúc cổ kính giữa những triền đá tai mèo.
Nếu còn thời gian, bạn leo núi vãng cảnh chùa Lũng Cú, tham quan khu vực được gọi là cổng trời, cách trung tâm xã 1,5 km. Nơi đây là đỉnh núi cao, tầm nhìn rộng. Bạn có thể chụp ảnh không gian rừng núi bao la. Thời điểm lý tưởng nhất là mùa lúa chín hoặc mùa hoa tam giác mạch (tháng 10, 11).
Đi chợ phiên Lũng Cú
Thứ sáu hằng tuần có chợ phiên gần khu vực cột cờ. Đây là nơi trao đổi hàng hóa của bà con Lô Lô và Mông. Chợ có nhiều đồ lạ, đặc biệt là các loại thảo dược, những sạp hàng vải vóc, quần áo nhiều màu sắc. Vải may quần áo được trang trí họa tiết thêu tay tỉ mỉ. Chợ bán nhiều đồ ăn như bánh gạo nướng, bánh khoai, bánh rán, bánh bao. Các món này tương tự dưới xuôi nhưng dẻo thơm hơn. Giá mỗi món ăn từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng.
Tham gia lễ hội, đám cưới của người Lô Lô
Người Lô Lô có nhiều lễ hội truyền thống: lễ cúng tổ tiên, mừng lúa mới, cúng thần rừng.
Cúng tổ tiên là nghi lễ cổ truyền quan trọng nhất, lớn nhất của đồng bào Lô Lô đen, được tổ chức hằng năm vào ngày 25/7 Âm lịch. Trong ngày này, người dân mời thầy cúng đến làm lễ để nhớ ơn tổ tiên. Họ mặc những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, tham gia thi thể thao, giao lưu văn nghệ với các điệu múa bài hát mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân rất thân thiện. Du khách có thể tham gia lễ hội, quay phim chụp ảnh mà gia chủ không phiền lòng.
Thăm nhà trình tường
Nhà trình tường của người Lô Lô là kiến trúc độc đáo ở Lũng Cú. Khuôn viên nhà trình tường sử dụng rất nhiều đá: đá lát sân, đá làm hàng rào, đá kê đồ đạc. Nhà trình tường ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Hiện bản Lô Lô Chải còn nhiều homestay vẫn giữ kiến trúc này. Khách du lịch có thể đến đây ở một đêm, thức dậy buổi sớm mai trong không gian mát mẻ, yên tĩnh, đầy tiếng chim hót.
Thưởng thức đặc sản Lũng Cú
Lũng Cú có nhiều món ăn độc đáo như đậu chúa, mèn mén, bánh đá. Đậu chúa là món nước đậu phụ cô đặc nấu với rau cải. Thành phẩm là bát canh có rau cải, đậu cô lại mềm ngọt như tào phớ. Món ăn mát, thơm và bổ dưỡng.
Mèn mén là món bột ngô được chế biến theo công thức riêng, là cơm hằng ngày của người Mông. Bạn hãy thử ăn món mèn mén với nước canh để thấy hương vị độc đáo. Món ăn này cũng giúp du khách thấy được sự vất vả của người dân địa phương khi phải sống trong điều kiện khô hạn, chỉ trồng được ngô.
Món thứ ba là bánh đá, làm từ bột nếp, nặn thành bánh và có thể xắt lát. Bánh dùng để rán, nấu canh, nấu lẩu. Để thưởng thức những món này, bạn có thể vào các quán ăn (phải báo trước), mua đồ bán rong hoặc vào chợ phiên.