“Toàn cầu hết nguy cơ suy thoái, lạm phát ra sao, có vụ nào như Silicon Valley Bank…?” là những câu hỏi giới kinh doanh cần chú ý năm nay.
Kinh tế toàn cầu khép lại năm 2023 với nhiều mặt tốt hơn mong đợi. Mỹ không những tránh được suy thoái mà còn tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức thấp và lạm phát đang giảm ở hầu hết nơi trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế 2024 vẫn còn chưa chắc chắn.
Lãi suất cao hơn đang tiếp tục ảnh hưởng, xung đột chính trị còn diễn ra ở nhiều nơi và thảm họa khí hậu ngày càng trở nên phổ biến hơn. “Tình hình kinh tế vĩ mô vào năm 2024 sẽ vẫn khó khăn và bất ổn”, theo Harvard Business Review. Sau đây là một số câu hỏi chính mà các lãnh đạo doanh nghiệp nên chú ý năm nay.
Toàn cầu hết nguy cơ suy thoái?
Tăng trưởng toàn cầu vượt mong đợi vào năm 2023. Bất chấp việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương khắp thế giới, khu vực tư nhân tỏ ra kiên cường. Các nhà kinh tế của J.P. Morgan kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được cuộc suy thoái trong ngắn hạn.
Bruce Kasman, Kinh tế trưởng toàn cầu J.P. Morgan, nói làn sóng lạc quan về “hạ cánh mềm” đang gia tăng, với xác suất kịch bản này là 40%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng có thể sẽ chấm dứt vào giữa năm 2025, với lạm phát khi ấy khoảng 3%.
“Chúng tôi tiếp tục tập trung nhiều nhất vào kịch bản lãi suất tăng cao cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Chúng tôi cho rằng có 60% khả năng xảy ra trường hợp này”, Kasman cho biết.
Với một số nền kinh tế lớn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo GDP Mỹ, eurozone và Trung Quốc 2024 tăng trưởng lần lượt 1,5%, 0,9% và 4,7. “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng thấp và lạm phát tăng cao, với sự suy giảm nhẹ trong năm tới, chủ yếu là do chính sách tiền tệ thắt chặt hai năm qua”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói.
Lạm phát đã được kiềm chế?
Tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đạt đỉnh hơn 9% và giảm dần còn 3,1% vào tháng 11, không xa mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang (Fed). J.P. Morgan dự báo lạm phát trên toàn cầu vào năm 2024 sẽ tiếp tục xu hướng giảm do áp lực năng lượng giảm dần và thị trường lao động yếu hơn.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng lạm phát đã giảm so với mức đỉnh năm 2022. “Chúng tôi kỳ vọng rằng nó sẽ quay trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương vào năm 2025 ở hầu hết nền kinh tế”, ông nói.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, giá thuê nhà – chiếm phần lớn trong chi tiêu hộ gia đình – đã tăng chậm đáng kể. Nhưng nhà phân tích kinh tế Matthew Klein không an tâm hoàn toàn. Theo ông, lạm phát tổng thể vẫn nhanh hơn một chút so với trước dịch vì tiền lương và chi tiêu (tính bằng USD) đều tăng tốc so với trước. “Nếu chi tiêu bán lẻ danh nghĩa cơ bản tăng 7% một năm thì lạm phát khó có thể giữ ở mức 2% một năm trong thời gian dài”, ông nói.
Fed kết thúc năm 2023 với tín hiệu lạc quan, bằng cách không chỉ giữ lãi suất ổn định mà còn báo hiệu khả năng cắt giảm vào năm 2024. Tuy nhiên, con đường đó vẫn có thể đi sai hướng, theo Giáo sư tài chính Mihir Desai tại Trường Kinh doanh Harvard. “Nếu không có suy thoái đáng kể, quá trình giảm lạm phát xuống 2% sẽ mất nhiều thời gian và ngoằn ngoèo hơn những gì chúng ta nghĩ”, ông dự báo.
Sức khỏe thị trường lao động vẫn tốt?
Một trong những tranh luận lớn 2 năm qua là liệu tỷ lệ thất nghiệp có cần phải tăng lên để hạ nhiệt lạm phát không. May mắn là nó không cần phải tăng nhiều. “Đây vẫn là một trong những thời điểm tốt nhất trong lịch sử Mỹ để tìm kiếm việc làm”, nhà phân tích kinh tế Matthew Klein đánh giá.
Theo Nasdaq, nhìn chung có những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang trở lại mức “bình thường” hơn, với hoạt động tuyển dụng, nghỉ việc và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trở lại mức trước dịch. Economist cho rằng triển vọng dài hạn cho người lao động ở Mỹ và châu Âu vẫn mạnh mẽ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức thấp lịch sử nhưng đã bắt đầu tăng lên. Các dữ liệu khảo sát cho thấy người lao động ngày càng kém tự tin và khó kiếm được việc làm hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng nhẹ.
Lãi suất cao còn gây bất ổn thị trường tài chính?
Vào tháng 3/2023, Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản Silicon Valley Bank sau khi lãi suất cao hơn khiến danh mục đầu tư trái phiếu của họ trở nên kém giá trị, đe dọa bảng cân đối kế toán và khiến khách hàng lo sợ. Signature Bank và First Republic cũng sụp đổ ngay sau đó.
Năm qua, lãi suất cao hơn tác động đến nền kinh tế, làm sứt mẻ bảng cân đối kế toán của các trái chủ và làm tăng chi phí đi vay. Vậy nó có tiếp tục đe dọa thị trường tài chính năm nay?
Giáo sư Desai cho rằng những tác động từ lãi suất cao hơn đang và sẽ vẫn xảy ra nhưng với tốc độ chậm. Do đó, sẽ không có sự sụp đổ đột ngột mà là cái chết mòn với hàng nghìn vết cắt. “Quá trình chậm lại đó sẽ ít gây gián đoạn hoặc dễ nhận biết ngay lập tức nhưng lâu dài hơn và khó tìm ra lối thoát hơn do không gian tài chính và tiền tệ dành cho các nhà hoạch định chính sách có hạn”, ông bình luận.
Tại Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng mạnh năm qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức đỉnh của thời khủng hoảng tài chính. “Nhiều doanh nghiệp chịu lãi vay thả nổi và áp lực với họ có thể tăng lên vào lúc nào đó”, Desi nói.
Các nền kinh tế phát triển khác như Australia, Canada, châu Âu và Anh thậm chí có nhiều khoản vay ngắn hạn hơn ở Mỹ. Giáo sư Desi chỉ ra rằng tăng trưởng mạnh ở những nước này thời gian qua vẫn giúp doanh nghiệp chịu được mặt bằng lãi suất cao hơn. “Mặc dù sẽ có những khó khăn phía trước với một số người, nhưng tác động kinh tế tổng thể có thể không lớn”, ông kết luận.