NSƯT Quốc Khánh, Đức Trung và Trần Lực là 3 nghệ sĩ có tên trong danh sách trao tặng NSND lần thứ 10.
NSƯT Đức Trung – “Ông nội quốc dân’
NSƯT Đức Trung nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những gương mặt gạo cội của Nhà hát này thời kỳ đầu.
Thành công trên sân khấu cũng như phim truyền hình, NSƯT Đức Trung luôn đóng vai chính diện. Ông nổi tiếng với vai diễn trong các phim: Tội và tình, Kẻ tử tù tuổi 17, 12A và 4H, Vệt sáng ngược, Phóng viên thử việc, Hướng dương ngược nắng… Ở phim Hướng dương ngược nắng với hình ảnh mái tóc bạc phơ, hiền hậu, NSƯT Đức Trung được khán giả ưu ái gọi là “ông nội quốc dân”.
Nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài đi diễn và dành thời gian cho việc dàn dựng kịch cùng công tác giảng dạy. Những học viên tham gia lớp đào tạo diễn xuất của ông tại Hãng Phim truyện Việt Nam, ai cũng ngưỡng mộ cách nói chuyện gần gũi, hóm hỉnh của NSƯT Đức Trung.
NSƯT Trần Lực – Tài tử điện ảnh Hà thành
Đạo diễn Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội, khởi nghiệp là một diễn viên nhưng anh lại nổi tiếng và được nhiều người yêu thích hơn khi trở thành đạo diễn điện ảnh. Nam đạo diễn tài hoa được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật. Gia đình anh có rất nhiều người làm nghệ thuật và là nghệ sĩ nổi tiếng tại Hà Nội. Bố Trần Lực là cố NSND Trần Bảng, mẹ là NSƯT chèo Trần Thị Xuân, ông nội là nhà văn Trần Tiêu (em trai nhà văn Khái Hưng).
Trước khi nổi tiếng, Trần Lực từng làm diễn viên trong đoàn Tổng cục Hậu cần nhưng đa phần là vai quần chúng. Năm 1983, anh tham gia học lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria.
Nhưng sau khi về nước, diễn viên Trần Lực lại chuyển sang điện ảnh và trở thành nam diễn viên nổi tiếng, ghi dấu ấn đẹp trong lòng các khán giả truyền hình qua những vai diễn trong các phim: Chuyện tình bên dòng sông, Hoa ban đỏ, Anh chỉ có mình em, Mẹ chồng tôi, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông…
Chưa dừng lại ở vai trò diễn viên, Trần Lực còn mở một hãng phim tư nhân lấy tên là Đông A và trở thành đạo diễn tài hoa mang lại thành công cho hàng loạt bộ phim như: Chuyện nhà Mộc, Cocktail cho tình yêu, Tivi về làng, Tết này ai đến xông nhà, Đầu bếp và đại gia…
Trần Lực còn thành lập sân khấu riêng mang tên Luc Team. Ra mắt từ cuối năm 2017, cho đến nay sân khấu tư nhân của anh đã dàn dựng và công diễn nhiều vở kịch như: Quẫn, Cơn ghen của lọ lem, Nữ ca sĩ hói đầu, Kiều và Bạch đàn liễu. Đây đều là những tác phẩm mang phong cách riêng, chứa đựng nhiều yếu tố sáng tạo.
NSƯT Quốc Khánh – ‘Ngọc hoàng’ của ‘Gặp nhau cuối năm’
NSƯT Quốc Khánh sinh năm 1962, từng là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu.
Không tính tới vai diễn Ngọc Hoàng xuất hiện 20 năm qua trên truyền hình trong Gặp nhau cuối năm, NSƯT Quốc Khánh “bỏ túi” gia tài hàng chục vai diễn truyền hình – điện ảnh.
Ở thời phim truyền hình mới phát triển, Quốc Khánh là một trong những nghệ sĩ quen mặt trên màn ảnh nhỏ. Anh làm nên thương hiệu đàn ông nhu nhược, bị đè nén trong một số bộ phim, nổi bật có Ghen (1998). Trong phim này, Quốc Khánh – Minh Hằng đóng vợ chồng.
Sở dĩ Quốc Khánh được giao nhiều vai dạng này là nhờ gương mặt có phần khắc khổ, nét diễn mộc mạc. Quốc Khánh không phải gồng lên, không cần cố gắng làm quá. Nét thâm trầm cả trong tác phẩm bi lẫn hài kịch tạo nên một màu sắc riêng.