Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước.
Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận với một nền kinh tế có độ mở lớn với toàn cầu như Việt Nam.
Năm qua, hạt gạo Việt thực sự là “hạt ngọc” với một năm xuất khẩu bội thu hơn 4,8 tỷ USD. Tăng lượng, tăng giá trị đã mang lại niềm vui cho những người nông dân và cả ngành lúa gạo Việt Nam.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp trải qua một năm khó khăn, nhưng diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm.
Đồng thời, sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã bù đắp tích cực. Khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất, hơn 62% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
“Kiên cường” là từ được chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam.
“Bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8”, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, đánh giá.
Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát bình quân năm 2023. CPI tăng 3,25% so với năm 2022 thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Năm qua cũng là năm nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
“Thuế VAT giảm từ 10% xuống 8% hay thuế môi trường trong xăng dầu giảm 50%, tiền thuê đất giảm 30%, giảm 37 loại thuế, phí, lệ phí”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
2023 là năm kỷ lục về khối lượng thực hiện với 26 dự án khởi công và hoàn thành 20 dự án trọng điểm quốc gia. Đến thời điểm này, cả nước đã đưa vào khai thác gần 1.900 km đường cao tốc, hoàn thiện các tuyến kết nối, tạo ra không gian phát triển mới cho năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cùng với đầu tư công tích cực, 2023 cũng là năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay, ước đạt 23,18 tỷ USD, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư quốc tế với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
“Việc giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là một tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn, theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, nhận định.
Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) vừa công bố, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những nền tảng đã có, tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam có nhiều tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7%.
Những kết quả có được năm qua là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là nền tảng cho việc hoàn thành mục tiêu 2024 và giai đoạn 2021 – 2025.