Bà Nà ở Đà Nẵng có độ cao 1.487m so với mực nước biển. 100 năm trước người ta đi nghỉ dưỡng trên đỉnh núi này bằng cách nào?
Bà Nà giờ đã là một điểm du lịch nhộn nhịp khách thập phương. Chỉ cần chưa đầy 30 phút ngồi trên cáp treo, du khách đã có thể đi trên mây tìm tới điểm đến nổi danh toàn cầu này.
Theo sử liệu, từ cuộc thám sát đầu tiên năm 1901, mãi đến năm 1919 ngôi nhà gỗ đầu tiên trên đỉnh Bà Nà mới được hoàn thành.
Đây được xem là một dấu mốc của Bà Nà. Từ đây đã có nhà dân, đỉnh núi này không còn là địa điểm của riêng lực lượng kiểm lâm nữa.
Đến tháng 5-1923, công trình khách sạn hai tầng với 22 phòng do thương gia Đà Nẵng Emile Morin làm chủ mở cửa. Từ đó giấc mơ “ăn sáng Tourane, ăn trưa Bà Nà” của những người Pháp bắt đầu.
Bà Nà với độ cao lý tưởng và khí hậu trong lành trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của những người châu Âu vốn không chịu được cái nóng ở nước ta.
Nhưng 100 năm trước với địa thế núi non hiểm trở người ta đi lại và nghỉ mát như thế nào? Đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em.
Trong cuốn sách Những người bạn của cố đô Huế được xuất bản năm 1924, bác sĩ Sallet – người nhiều lần đến Bà Nà – mô tả tour Bà Nà phục vụ trong khoảng thời gian từ ngày 13-5 đến 15-7.
Tour này khởi hành bằng xe hơi từ khách sạn Morin ở trung tâm Đà Nẵng lúc 4h30 các ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy) trong tuần. Lịch trình đến chân núi khoảng 6h và tiếp tục hành trình lên đỉnh bằng ghế gánh khoảng 11h.
Ngược lại, khởi hành từ Bà Nà về Đà Nẵng vào những ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu) bằng ghế gánh từ 5h xuống chân núi lúc 10h.
Sau đó, khách đi xe hơi về Đà Nẵng vào giữa trưa. Kèm lịch trình là giá chỗ ngồi xe hơi, giá ký gửi hành lý, giá người giúp việc bản xứ, giá phu gánh ghế lên đỉnh núi…
Đặc biệt mỗi chuyến đi chỉ nhận 10 khách và phải thông báo trước ít nhất 48 tiếng với hành lý tối đa 30kg.