Chris và Sofia ấn tượng với Việt Nam sau chuyến du lịch đầu năm nhưng họ ước biết được một số điều sớm hơn để hành trình thêm trọn vẹn.
Hai vlogger du lịch người Mỹ tới Việt Nam du lịch và đã có nhiều trải nghiệm tại Hà Nội, Sa Pa, Ninh Bình và Đà Nẵng. Tuy nhiên, họ đã không chuẩn bị tốt một số khâu như làm thị thực hay sắp xếp quần áo. Vì thế, cặp du khách chia sẻ 10 điều du khách nước ngoài cần biết trước khi tới Việt Nam để có chuyến đi trọn vẹn hơn.
Làm thị thực sớm
Chris và Sofia nộp đơn xin thị thực điện tử từ khoảng hai tuần trước chuyến đi nhưng có vẻ họ đã nhầm lẫn trong một số bước như điền tên, tải ảnh nên không nhận được thị thực. Do gần tới ngày khởi hành, cả hai phải tìm tới đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ làm thị thực và trả mức phí cao hơn. Cặp du khách Mỹ khuyên nên làm thủ tục xin thị thực trước hai tuần để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ.
Chống nắng
Nếu có dự định ở lại Việt Nam một tới hai tháng, Sofia khuyên nên chuẩn bị một lọ kem chống nắng lớn từ trước. Tại Việt Nam, Sofia thấy kem chống nắng thường có thêm công dụng làm sáng da, mờ thâm. Tuy nhiên, Sofia ưu tiên loại kem chống nắng thuần túy bảo vệ da khỏi tia UV, lành tính nên chỉ sử dụng loại đem từ Mỹ qua của mình. Cô cũng nhận thấy khó tìm ra loại kem chống nắng tương tự ở nhiều nước châu Á.
Ngoài ra, nữ du khách khuyên nên chuẩn bị quần, áo dài tay để chống nắng, có thể cởi ra khi cần. Cô đã tới một cửa hàng để mua áo chống nắng, nhận xét sản phẩm “siêu nhẹ, mặc thoải mái và không cảm thấy bí”.
“Bạn cần chuẩn bị kỹ vì nắng ở đây có thể làm cháy da trong 15-20 phút nếu không có biện pháp bảo vệ”, cô nói.
Chuẩn bị quần áo
Khi vào các cửa hàng thời trang, Sofia thấy kích cỡ quần áo từ rất nhỏ, nhỏ đến trung. Những cửa hàng bán quần áo cỡ lớn cũng chỉ có XL, khó tìm cỡ XXL hay lớn hơn như ở Mỹ.
Với khách phương Tây như Sofia, việc tìm thấy chiếc quần jeans đúng cỡ rất khó khăn. Do đó, nữ du khách Mỹ khuyên nên chọn các thương hiệu từ phương Tây hoặc may đo thủ công để dễ dàng tìm đồ kích cỡ phù hợp.
Xe máy
Giao thông ở Việt Nam được Sofia nhận xét là “khá hỗn loạn” vì có nhiều xe máy. Tuy nhiên, cô đã thuê một chiếc xe máy và thấy đây là trải nghiệm thú vị.
Nữ du khách nói cần đảm bảo có bằng lái xe quốc tế để không gặp rắc rối khi lưu thông trên đường. Nếu muốn tìm một thành phố đẹp, không đông đúc để chạy xe, Đà Nẵng là lựa chọn lý tưởng.
Tiền tệ
Tiền ở Việt Nam có mệnh giá “nghìn đồng” nên khi chi tiêu cảm giác “rất nhiều”. Dù vậy, 1 USD bằng khoảng 30.000 đồng nên thực tế chi phí không quá cao. Do chưa quen mệnh giá, Sofia thỉnh thoảng đưa nhầm nhiều tiền hơn nhưng người bán hàng đã trả lại. Điều này khiến cô thêm ấn tượng về Việt Nam.
Món chay
Sofia bất ngờ về sự đa dạng thực phẩm chay, thuần chay ở Việt Nam, nhận xét đây là quốc gia “đa dạng lựa chọn đồ ăn chay bậc nhất”. Cô cũng thưởng thức nhiều loại thịt thay thế, nói đây là trải nghiệm tuyệt vời.
“Nếu biết sớm, tôi đã tới Việt Nam sớm hơn”, cô nói.
Cà phê
Sofia và bạn trai không phải mẫu người thích cà phê nhưng cách người Việt Nam biến tấu cà phê khiến cô “nghiện” loại đồ uống này. Hai loại cà phê để lại ấn tượng mạnh nhất với Sofia là cà phê cốt dừa và cà phê muối. Ngoài ra, mức giá loại đồ uống này cũng rất rẻ, khoảng 2 USD hoặc ít hơn cho một ly cỡ lớn.
“Quán cà phê có ở khắp nơi và bạn có thể làm việc thoải mái tại đây”, cô nói, cho biết uống cà phê mỗi ngày từ khi tới Việt Nam.
Thẻ SIM
Khi xuống sân bay, du khách có thể tìm thấy nhiều quầy bán thẻ SIM. Tuy nhiên, Sofia nhận ra có thể mua SIM bên ngoài sân bay với giá rẻ hơn. Sofia sử dụng eSIM (SIM điện tử) của Airalo để du lịch qua nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam, chi phí mua và sử dụng SIM vật lý rẻ hơn.
Ví dụ, giá gói cước Airalo cung cấp là gần 5 USD cho 1 GB sử dụng trong 7 ngày hoặc 7 USD cho 2 GB sử dụng trong 15 ngày. Trong khi đó, SIM vật lý ở Việt Nam có giá khoảng 20.000-50.000 đồng (1-2 USD) tùy nhà mạng, có thể mua gói cước 4G hoặc 5G theo nhu cầu. Nếu định du lịch Việt Nam dài ngày, Sofia khuyên nên làm theo cách này.
Xe ôm công nghệ
“Dịch vụ xe ôm công nghệ ở Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á”, Sofia nhận xét. Cô từng sử dụng dịch vụ này ở Thái Lan và thấy tốn thời gian. Trong khi đó, dịch vụ ở Việt Nam nhanh, tiện lợi, gồm gọi xe máy, ôtô tới giao đồ ăn. Nữ du khách khuyên nên tải ứng dụng ngay khi tới Việt Nam vì chắc chắn cần dùng nhiều.
Các nhóm Facebook
Trước kia, Sofia và bạn trai không dùng Facebook nhiều nhưng từ khi du lịch, đây là kênh hữu ích giúp họ tìm kiếm thông tin. Tại Việt Nam, Sofia nhận thấy có nhiều nhóm Facebook hoạt động theo từng chủ đề như nhóm chơi quần vợt, tập yoga hay bóng chuyền bãi biển, đi chơi đêm. Nữ du khách nhận thấy đây là những cộng đồng tốt, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Bản thân Sofia cũng tham gia một số nhóm và cùng những người bạn mới chơi tennis.
Ngoài ra, các nhóm cũng phân chia theo từng khu vực. Ví dụ khi ở Đà Nẵng, Sofia đã tham gia nhóm người nước ngoài tại Đà Nẵng để cập nhật các địa điểm vui chơi, thông tin trong thành phố.