(Báo Quảng Ngãi)- Có lẽ ít có nơi nào miếu làng lại hiện diện nhiều như ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ở mỗi khu dân cư, người xưa đều lập nên một ngôi miếu làng để thờ tự Thành hoàng làng, Thần Nông… Băng qua tháng rộng, năm dài, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, những ngôi miếu cổ này vẫn luôn có chỗ đứng vững chãi trong đời sống tâm linh của người dân nơi này.
Những ngày tháng Chạp, bên cạnh dọn dẹp vườn tược, bàn thờ tổ tiên của gia đình mình, người dân thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê còn tề tựu về các miếu làng để lau dọn bàn thờ, hương án. Thôn Mỹ Lại có 4 xóm: Khê Ba, Khê Thanh, Khê Hiệp và Khê Thọ thì cả 4 xóm đều có miếu làng.
Là địa phương ven biển, đất chật, người đông, nhà cửa san sát, song, phần đất mà người làng dành riêng cho các miếu làng, lại chiếm diện tích lớn. Men theo con đường bê tông sạch đẹp, dẫn từ đầu thôn đến cuối thôn, chỉ chưa đầy 2km, những ngôi miếu cổ đã lần lượt hiện ra.
Cây bàng cổ thụ tại khuôn viên Miếu Bà, xóm Khê Nam, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê. |
Tại xóm Khê Thanh, miếu làng được người xưa lập nên để thờ Thành hoàng làng. Năm 2020, miếu làng được tu bổ lại với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng nên rất khang trang, bề thế. Trong không gian thờ phụng, người dân vẫn lưu giữ đến ngày nay chiếc chiêng cổ mà ngày xưa người làng vẫn thường dùng nó để báo hiệu, tập hợp dân làng.
Cách miếu thờ Thành hoàng làng xóm Khê Thanh khoảng 500m là miếu thờ Thành hoàng làng của người dân xóm Khê Hiệp. Trên phần đất diện tích hơn 1.000m2, miếu làng của người dân xóm Khê Hiệp không chỉ là nơi thờ phụng, mà còn là địa điểm để người dân nơi đây tổ chức gặp mặt, cố kết cộng đồng.
Hằng năm, người dân xóm Khê Hiệp chọn ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để tổ chức lễ cúng lớn nhất trong năm. Người dân nơi đây gọi tên cho lệ cúng này là “cúng lệ”. Theo ông Trịnh Văn Hân, một người dân của xóm Khê Hiệp, vào ngày này, dù bận rộn đến mấy, hầu hết người dân của xóm đều cố gắng tề tựu về miếu làng đông đủ. Toàn xóm có hơn 100 hộ gia đình, thì vào ngày cúng lệ làng có khoảng 200 – 300 người cùng kính cẩn tập trung về miếu làng.
Tọa lạc trên một gò đất rộng, bốn bề là đồng ruộng mênh mông, miếu thờ Thần Nông của người dân xóm Khê Thọ được người dân nơi đây tổ chức cúng hằng năm vào ngày 17 tháng 2 âm lịch.
“Ngày xưa, đến ngày 17 tháng 2 âm lịch, cả làng cùng góp tiền để tổ chức cúng chung tại miếu thờ Thần Nông. Rồi tầm tháng 3 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa, mỗi gia đình sẽ nấu cơm bằng gạo được xay ra từ lúa mới thu hoạch, bày biện thêm trái cây, gà luộc,… rồi mang ra cúng riêng tại đám ruộng nhà mình. Tập tục trên sau này được giản lược bớt. Chỉ còn lại lệ cúng chung tại miếu thờ Thần Nông”, bà Đặng Thị Trình (75 tuổi), ở xóm Khê Thọ, cho biết.
Ở xã Tịnh Khê, nếu như hầu hết mỗi xóm đều có một miếu làng, thì riêng xóm Khê Nam, thôn Trường Định có đến 2 miếu làng được người dân quanh năm hương khói và tổ chức cúng lớn vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Miếu thờ Thành hoàng làng xóm Khê Thanh, thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) được người dân tu bổ với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. |
“Xóm Khê Nam có 2 ngôi miếu cổ, cùng được người dân gọi là miếu Bà. Một miếu tọa lạc ở đầu xóm, một miếu tọa lạc ở giữa xóm. Không ai biết rõ những ngôi cổ miếu này có tự khi nào. Chỉ biết rằng, thế hệ sau cứ thế tiếp nối thế hệ trước, một lòng kính cẩn tổ chức cúng lệ lớn nhất năm tại miếu vào ngày giỗ Tổ. Lệ cúng vừa là để người dân bày tỏ lòng thành, vừa là dịp mọi người gặp gỡ, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết”, Trưởng thôn Trường Định Lưu Thị Lê Sen chia sẻ.
Toàn xã Tịnh Khê có 24 miếu làng. Mỗi miếu làng ở xã Tịnh Khê đều có đặc trưng, gắn với đất và người từng nơi. Cách thờ phụng và thực hiện nghi thức cúng tại mỗi nơi cũng khác. Chẳng hạn như tại thôn Tư Cung, vào ngày cúng lệ, người làm nhiệm vụ chủ bái tại miếu làng của mỗi xóm phải là người lớn tuổi, có uy tín của làng. Còn tại xóm Khê Thọ, thôn Mỹ Lại, người làm nhiệm vụ phải là người đã được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng xóm.
Tuy khác nhau về kiến trúc, nghi thức, song thời điểm người dân tổ chức cúng lệ lớn nhất trong năm tại các miếu làng thường thống nhất các ngày: 16 tháng Giêng, mùng 10 tháng 3 âm lịch, 16 tháng 3 âm lịch.
Vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, trước khi tổ chức cúng Thanh Minh (vào ngày 16 tháng Giêng), người dân từng xóm lại tập trung về miếu làng để dâng hương rồi cùng đi tảo mộ đầu xuân cho các mộ phần không người thân thích, hương khói trong làng.
Dẫu cuộc sống đổi thay từng ngày, từng giờ, song, tập tục đẹp này vẫn được cư dân nơi đây tiếp nối, giữ gìn và phát huy, thể hiện nghĩa cử nhân văn, nghĩa tình trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202501/vung-dat-cua-nhung-mieu-lang-1dd4900/