(Báo Quảng Ngãi)- Bảo vệ môi trường (BVMT) di sản thiên nhiên, di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa, lịch sử giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài của biến đổi khí hậu; đồng thời cung cấp các lợi ích kinh tế qua việc gia tăng việc làm, thu nhập cho người dân.
Giá trị của di tích
Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có di sản thiên nhiên thế giới được công nhận, nhưng có 25 di sản là di tích danh lam thắng cảnh được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh và di tích được UBND tỉnh quyết định khoanh vùng bảo vệ. Đây là những di tích có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu; khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù. Nhiều di tích đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, cũng như quảng bá giá trị di sản, di tích.
Các di tích, danh lam thắng cảnh là nguồn tài nguyên thu hút khách du lịch, nên cần được chú trọng bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Du khách tham quan cổng Tò Vò (Lý Sơn). |
Như Di tích đình An Định, ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII và được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2018. Đình An Định có lối kiến trúc độc đáo, đa dạng nên ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Hay như chùa Thiên Ấn với hơn 300 năm lịch sử (được xây dựng năm 1694), là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (từ năm 1990), cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa, tâm linh không chỉ đối với người dân trong tỉnh, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, phật tử trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa trên địa bàn tỉnh có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa… Đây là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành dịch vụ vận tải và logistics. Trong 9 tháng năm 2024, Quảng Ngãi đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu lĩnh vực du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế – xã hội đã và đang đặt ra những thách thức trong công tác BVMT tự nhiên vùng di tích. Một số di tích bị hư hỏng, xuống cấp, ô nhiễm môi trường nhưng chưa được khắc phục, xử lý. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến cảnh quan, chất lượng môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, song song với công tác bảo tồn, thì BVMT di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành VH-TT&DL luôn chú trọng thực hiện.
Theo đánh giá của Sở TN&MT, công tác BVMT vùng di tích vẫn còn một số thách thức không nhỏ, phần do nhận thức cộng đồng còn hạn chế, phần vì một số cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, theo Luật BVMT năm 2020, việc BVMT di sản thiên nhiên, di tích là danh lam thắng cảnh thuộc trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, chứ không của riêng ngành TN&MT.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân chia sẻ, để bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách quản lý gắn với chế tài để bảo vệ, bảo tồn và BVMT khu vực di tích; tăng cường tuyên truyền, để cộng đồng người dân thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên, môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về BVMT gắn với bảo tồn di tích văn hóa – lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhằm tạo môi trường sạch, đẹp thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Bài, ảnh: THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202410/vi-su-phat-trien-ben-vung-34547e1/