(Báo Quảng Ngãi)- Di tích Đền Hùng với lễ Giỗ Tổ là biểu tượng của cội nguồn dân tộc, của tinh thần đại đoàn kết, gắn kết cộng đồng. Là người con đất Việt, ai cũng mong có dịp về nơi đất Tổ, thắp nén hương tưởng nhớ các vua Hùng.
Tôi đã có lần về với đất Tổ Hùng Vương. Từ sân bay Nội Bài, không vào nội thành Hà Nội mà theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, chúng tôi chạy xe một mạch 90km đến tỉnh Phú Thọ, vào TP.Việt Trì, nơi có Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Chín mươi chín con voi cùng góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”. Ngọn Nghĩa Lĩnh là nơi tọa lạc Đền Hùng. Đền Hùng được xếp hạng là Khu di tích đặc biệt Quốc gia năm 1962, công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012.
Hoạt động múa sạp phục vụ người dân và du khách về với Đền Hùng. Ảnh: PHƯƠNG THANH |
Bấy nhiêu đó đủ thấy tầm quan trọng của di sản, bao gồm di tích và lễ hội. Đó là chưa kể đây là nơi phát tích của các sự tích mang giá trị sâu sắc mà người Việt đều biết, đó là Sự tích Lạc Long Quân – Âu Cơ, sự tích bánh chưng, bánh dày, sự tích Tiên Dung – Chử Đồng Tử, sự tích Sơn Tinh -Thủy Tinh…
Di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175m với rừng nguyên sinh còn giữ vẹn nguyên giữa đất Phong Châu là kinh đô xưa của nước Việt, gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, dưới chân núi có đền Giếng. Phía tây nam với núi Sim có đền Lạc Long Quân, tại núi Vặn có đền Tổ mẫu Âu Cơ. Tại đền Thượng có lăng Hùng Vương, có cột đá cao 3m của An Dương Vương, đấng quân vương kế nghiệp các vua Hùng.
Đồng bào dân tộc Mường (Phú Thọ) trình diễn đâm đuống tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh: PHƯƠNG THANH |
Mùng mười tháng Ba là chánh lễ, nhưng từ những ngày trước ở Việt Trì và khu đền đã rộn ràng không khí lễ hội. Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh có quảng trường rộng rãi, đồng bào các dân tộc ở Phú Thọ về giao lưu văn hóa, trưng bày các sản vật, tổ chức biểu diễn nghệ thuật và các trò chơi… Đại biểu các tỉnh, thành phố và đồng bào khắp nơi trong nước tụ về Việt Trì, tham quan các di tích, đem lễ vật dâng cúng.
Ngày chánh lễ, các nghi lễ, diễn văn, lễ rước kiệu lần lượt diễn ra. Khi bước lên tới cổng “Cao sơn cảnh hành” (núi cao đường rộng), quay lại nhìn quảng trường thấy ngợp một biển người. Không có sự chen lấn, mọi người đến dâng hương chiêm bái Quốc Tổ. Người dẫn đường đưa chúng tôi xuống đền Giếng, tương truyền đây là nơi các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa của Hùng Vương thứ mười tám soi gương, vấn tóc, gội đầu. Đây cũng là nơi ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn làm nơi gặp gỡ, huấn thị cán bộ Đại đoàn quân Tiên Phong, để lại câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tại khuôn viên của đền dựng bức phù điêu tái hiện khoảnh khắc lịch sử này.
Khi chúng tôi rời đất Tổ, anh em ở tỉnh Phú Thọ trao cho món quà là những chiếc bánh chưng đã dâng cúng các vua Hùng. Ai cũng mừng khi được nhận bánh chưng ở đền Hùng và bảo bánh rất ngon. Có lẽ bánh ngon vì thấm đẫm hương vị thiêng liêng của nơi phát tích, của sự tích bánh chưng, bánh dày, của tình yêu Tổ quốc, hướng về cội nguồn.
Không phải con dân đất Việt ai cũng có điều kiện về nơi đất Tổ. Vậy nên, tại TP.Hồ Chí Minh có Đền tưởng niệm các vua Hùng, tại TP.Cần Thơ cũng trang trọng xây dựng đền Hùng Vương với kiến trúc hình trống đồng độc đáo, giúp đồng bào có nơi chiêm bái, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói hộ mọi người trong bản trường ca “Đất nước”: “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.
CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: