(Báo Quảng Ngãi)- 1. Điện thoại báo có tin nhắn. Vào giờ này, chỉ là của Hưng. Dung đoán vậy, dù mắt không nhìn màn hình và thầm nghĩ nội dung trong tin nhắn ấy cũng chỉ xoay quanh việc anh thuyết phục cô về phố. Mà Dung quyết định rồi, cô sẽ công tác ở ngôi trường này, ít ra cũng năm, mười năm nữa. Việc Hưng một, hai buộc cô về phố cũng chính đáng, nhưng Dung đã nghĩ kỹ, nếu ai cũng chọn phố, những nơi thuận lợi để sống, để làm việc thì ở vùng núi cao còn nhiều khó khăn này, những học trò đói ăn đã đành còn thêm đói chữ nữa thì tương lai sẽ ra sao? Hơn nữa, Dung đã nguyện với lòng, muốn trả ơn người đã giúp đỡ cô trong những tháng ngày khốn khó.
Người ấy đã mất, mất trong sự đau xót của nhiều người, những hoàn cảnh khó khăn cảm thấy hụt hẫng, trống vắng. Với Dung người ấy là “bà tiên”, xuất hiện kịp thời, mang niềm hy vọng đến với trẻ em thiếu may mắn, sống trong nhà tình thương. Khi lớn lên, những năm học đại học, Dung đã theo “bà tiên” ấy đi khắp nơi, đem niềm vui cho trẻ em nghèo. Dung lên đây dạy học sau khi tốt nghiệp vừa là cái duyên, vừa là mong muốn. Biết khó khăn nhưng Dung vẫn sẵn sàng, cố gắng hết sức để vượt qua. Nhưng rồi bị người yêu tác động, đôi lúc khiến lòng cô chao đảo. Nhiều đêm trằn trọc, thao thức bởi sự lựa chọn giữa đi và ở, giữa sự nghiệp và tình yêu, giữa được và mất khiến Dung không sao yên giấc, sáng ra mệt mỏi, hai mắt thâm quầng.
Bạn bè có đứa bảo Dung lãng mạn, ảo tưởng và chẳng thức thời. Phải sống cho bản thân trước đã. Đường quang không đi mà đâm sầm bụi rậm. Dung lắng nghe, chỉ cười. Đứa bạn thân chưa chịu buông tha. Về phố làm nhân viên văn phòng nhàn nhã, lại gần người yêu, nay mai cưới chồng mà không chịu, lại lên tuốt vùng cao dạy học. Không có mày thì có giáo viên khác, chứ thiếu đâu mà lo. Mỗi năm sinh viên sư phạm ra trường đầy ra đấy.
Lắm lúc nghĩ đến bạn bè cuối tuần tụ tập cà phê, chuyện trò, còn mình thì lủi thủi với căn phòng nhỏ, hồ sơ sổ sách, có hôm còn vào trong làng vận động học trò ra lớp vì nghỉ học, nhiều lần Dung cũng chạnh lòng. Nhưng rồi chỉ thoáng qua thôi. Những đôi mắt xoe tròn, những nụ cười vô tư, những câu nói ngô nghê của đám học trò nhỏ đã giúp cô thăng bằng trở lại, yêu đời hơn và chăm chút kỹ càng cho từng trang giáo án, cho từng tiết dạy.
2. Trên chiếc bàn nhỏ kê sát cửa sổ, bên cạnh chồng sách tham khảo, Dung đặt một chậu sen đá nhỏ. Chậu hoa này cô đem lên từ phố. Mấy hôm đầu, có lẽ chưa thích nghi với khí hậu, chậu hoa trở nên èo uột, mất sức sống. Dung lo lắng khi những chiếc lá dưới cùng bắt đầu ngả vàng rồi lụi dần. Cô sợ sen đá chết. Nếu điều xấu xảy ra, chắc cô buồn lắm. Nhưng rồi, chậu hoa trở mình, khỏe mạnh không ngờ. Dung đem đặt ở bậu cửa cho cây bắt được ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày Dung ngắm nhìn sen đá, săm soi từng chiếc lá xếp chồng, quay tròn như cùng nâng niu, bảo vệ cho nhau. Dung rất yêu loài hoa này, bởi nó mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp về tình yêu, bản lĩnh, sự kiên cường và vĩnh cửu. Mỗi khi ngắm hoa, cô thấy lòng mình nhẹ nhõm.
Bỗng Dung nở một nụ cười khi ý nghĩ nào đó lướt qua. Cô cầm lấy điện thoại, màn hình sáng lên sau cái chạm tay nhẹ. Tin nhắn của Hưng vẫn còn đó. Anh bảo ba mẹ anh vừa hỏi thăm chuyện tình của chúng ta. Em nên suy nghĩ cho thật kỹ, tuổi xuân có thời, không gian xa cách cũng là một trở ngại cho sự vun đắp tình yêu.
Dung đọc được phần nào suy nghĩ của Hưng. Anh ngầm thông báo rằng nếu cô còn cố chấp, không muốn về phố thì cái kết cục không mấy tốt đẹp sẽ đến. Dung trầm ngâm, suy nghĩ. Xấp bài kiểm tra giữa kỳ chấm chưa xong nằm ở góc bàn. Cây bút bi đỏ, hộp đựng son phấn… tất cả như đang nhìn cô, sẻ chia những rối rắm mà cô đang vướng phải.
Dung đứng dậy, bước ra khoảng sân trước căn phòng. Trận mưa dai dẳng mấy ngày vừa qua khiến nền đất nhão nhoẹt và những bụi cỏ mọc dày, xanh ngút. Dường như mùa đông đã về. Những đám sương mờ và lạnh lẽo theo từng cơn gió tràn vào làng, chìm xuống thung sâu. Nắng cũng nhạt màu dần rồi tan loãng vào tàn cây hay hẻm núi xa. Mùa đông về trên từng tán cây trong sân trường, một sớm mai thức dậy, chợt ngỡ ngàng khi thấy cành cây trơ trụi, khẳng khiu, mặt đất đầy lá vàng.
Cảm giác khi mùa đông về lạ lắm. Dung khoác thêm áo khi đến lớp. Đêm về chiếc chăn bông dường như không đủ ấm, quờ tay về phía nào cũng trống lạnh. Dung nghe tim mình thổn thức, tủi hờn. Dòng ký ức êm đềm của một thời yêu đương cứ tìm về hành hạ cô. Dung đã nghe Hưng tha thiết gọi mình trong những cơn mơ đứt nối. Cô chạy theo anh, giữa gió bão, cơn lạnh táp vào da thịt, con đường trơn trượt khiến cô ngã khuỵu và bừng tỉnh…
3. Con suối cách trường mấy đoạn dốc cao và dài, một lối mòn đầy đá và cây dại. Con suối có tên Cà Toong. Học trò của Dung gắn bó với con suối này từ thuở lọt lòng. Ngày hè nóng bức con suối rộn rã tiếng cười. Đàn trâu lưng trần bóng nhẫy đưa lũ con nít qua chỗ nước sâu. Với Dung và thầy, cô giáo ở trường, con suối Cà Toong đã trở thành một phần kỷ niệm. Tảng đá to phơi mình nơi bờ suối, dưới gốc cây to là điểm gặp nhau, trò chuyện của nhóm giáo viên trong những đêm trăng. Thỉnh thoảng học trò đi tìm, mang cho thầy cô khi thì quả bắp, khi thì mớ rau, con cá.
Con suối Cà Toong lắng nghe và im lặng, chỉ rì rào mang theo những bí mật đầy nỗi niềm của tuổi thanh xuân. Hình như chỉ có dòng suối mới chịu đựng và hiểu được tâm sự của Dung, nhất là những muộn phiền, bất trắc trong tình yêu với Hưng. Nghĩ đến đây, Dung nhớ ra rằng cũng đã hơn một tuần rồi Hưng không đề cập đến việc Dung rời vùng cao về phố trong những tin nhắn. Dung thấy lạ nhưng không quan tâm lắm. Có lẽ anh đã dần quên cô, tìm vui bên cô gái khác. Cũng có thể anh đã hiểu được tình cảm của người mình yêu về vùng đất và con người nơi đây. Họ còn nhiều khó khăn và trẻ em thì rất cần con chữ. Biết đâu chừng, vì tình yêu mà anh bỏ phố lên đây công tác. Dung thoáng nghĩ và tự cười cho sự tưởng tượng của mình…
– Cô ơi, bạn Hinh hôm nay lại không đi học ạ!
Cô bé lớp trưởng có đôi má phúng phính, cặp mắt ngời sáng, ngồi đầu bàn cuối lớp, đi tìm cô giáo chủ nhiệm báo tin… Cô gật đầu, theo học trò về lớp. Những gương mặt thân quen cũng đang nhìn cô chờ đợi. Không hiểu sao, mỗi lần lên lớp, nhìn các em, lòng Dung lại xúc động. Những tiết dạy, cô đều đầu tư kỹ, bài giảng sâu sắc, cuốn hút với mong muốn cung cấp nhiều kiến thức cho học trò. Nhưng bên cạnh sự yêu nghề, lòng nhiệt thành thì Dung vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là việc đột ngột nghỉ học không lý do của các em. Cô phải cùng các thầy cô khác vượt dốc, băng rừng vào tận các làng xa xôi động viên. Người dân nơi đây còn nghèo, suy nghĩ nhiều người còn lạc hậu chính là rào cản lớn mà Dung phải thuyết phục để vượt qua.
4. Dung đi vào làng. Con dốc ngược, cheo leo. Đôi chân đã mỏi nhưng cô cố bước. Đi nhanh về còn kịp, chứ buổi chiều mùa này hay mưa, mà mưa thì lũ đổ xuống, nguy hiểm.
Căn nhà của Hinh xập xệ, trống trải nép bên vách núi, khu vườn nhỏ mọc đầy cỏ, có vài bụi chuối tàu xơ xác. Không có ai ở nhà thì phải. Ở góc sân đàn gà đang mải mê kiếm mồi. Thấy có người, chúng nháo nhác, chạy đi.
Dung ngồi trên khúc cây mục, nhìn xung quanh, cảm thương cho hoàn cảnh học trò. Hinh từ ngoài ngõ đi vào, lưng cõng bó củi to, mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt. Nhìn thấy cô giáo, cậu bé lúng lúng. Dung chạy lại đỡ bó củi cho học trò.
– Thưa cô, em…
Hinh ngập ngừng, Dung ôm vai cậu học trò nhỏ, thổn thức:
– Cô biết rồi, mai em đi học và sẽ ở lại cùng các thầy cô nhé. Nhà em xa, lại mùa mưa nữa, rất bất tiện.
– Nhưng cha mẹ em…
-Cô sẽ nói chuyện này với cha mẹ, em yên tâm học hành…
– Nhưng… Hình như có điều gì khó nói ở cậu học trò nhỏ này. Dung kéo Hinh ngồi xuống trước mặt, nhìn thẳng vào cặp mắt buồn rượi, đong đầy nước của cậu học trò nhỏ. Bất ngờ, Hinh òa khóc, gỡ tay cô giáo, chạy vào nhà.
Mẹ Hinh bỏ đi vì nghèo, vì cha Hinh gia trưởng. Ở vùng này nhiều gia đình ly tán cũng vì cái nghèo, nhiều trẻ em thất học cũng vì phải bươn chãi mưu sinh sớm. Nhiều người ý thức được vai trò của việc học, được cán bộ, thầy cô giáo động viên, định hướng nhưng rồi đâu lại vào đấy… Dung buồn lắm, mong muốn được cống hiến tuổi xuân nhằm mang lại hạnh phúc cho trẻ em vùng núi cao này.
5. Trăng núi. Vào ngày giữa tháng. Lênh láng khắp núi rừng. Trăng soi sáng vào từng căn phòng qua khung cửa gỗ cũ, trăng rải ánh bạc lên những mái nhà. Những con đường, những triền dốc đầy trăng. Lần đầu tiên, sau mấy năm công tác ở vùng này, Dung mới thật sự tận hưởng vẻ đẹp huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng. Lòng cô nhẹ nhõm, những nỗi lo thường nhật dường như tan biến.
Dung bước sang căn phòng cuối dãy. Nơi trước đây là phòng ở của cặp vợ chồng giáo viên, họ đã chuyển trường, nay tận dụng làm nơi ăn ở cho học trò ở xa. Nhìn những gương mặt ngây thơ, bình yên khép mắt, lòng Dung xúc động vô cùng. Không biết các em có mơ thấy gì không? Và nếu mơ thì hãy mơ đến những điều tốt đẹp nhé. Dung nhẹ nhàng đắp lại chăn cho từng em. Một suy nghĩ thoáng qua, cô muốn cúi xuống hôn vào trán học trò nhưng cô kịp dừng lại rồi quay ra.
Ngỡ như núi tan vào trăng. Đêm như cổ tích diệu kỳ. Dung đứng lặng trước căn phòng nhỏ của mình, trong đêm trăng hôm nay mà nhớ về trăng xưa trong góc nhớ cũ, có thể nhạt nhòa bởi thời gian và những toan tính của con người. Nhưng lạ thay, có một niềm tin chắc chắn là Hưng sẽ lên với cô. Anh chững chạc và hiểu biết. Anh nắm tay cô dạo khắp con đường đi vào làng. Dung khẽ mỉm cười, đầy tin tưởng.
Chợt, Dung nhìn chậu sen đá xanh ngời, những chiếc lá dày như cố vươn ra đón lấy từng giọt sương đêm. Cô thầm nghĩ, sẽ đem chậu hoa lên lớp, nói với học trò như muốn gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống, về tình yêu nghề giáo và những học trò nơi vùng cao còn nhiều thiếu thốn này.
SƠN TRẦN