(Báo Quảng Ngãi)- Rất lâu rồi Hoài mới về thăm nhà. Nhà nàng ở khu làng nằm lọt thỏm giữa hai con sông nổi tiếng, từng đi vào thơ ca. Mùa này, ở quê mưa triền miên, bà con trong làng thường ví là “mùa nước nổi”, bởi chỉ cần mưa lớn một hai hôm là ruộng đồng, bãi bồi ven sông đều ngập trắng.
***
Khu Hoài sống giờ chẳng thiếu thứ gì cả. Một chợ chồm hổm tự phát mọc lên giải quyết đáng kể nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân, không cần phải đến chợ xã. Tiếng gà gáy vang, sương dần tan, khung cảnh ngày mới hiện ra đẹp đến nao lòng. Hoài dạo trên con đường bê tông phẳng lì, hai bên rợp bóng cây xanh. Những quầy thuốc tây, tạp hóa lớn, tiệm nail, quán ăn sáng… mọc lên khiến nơi đây giờ chẳng khác gì chốn thành thị. Nó minh chứng rằng, đời sống của bà con trong làng đã khá lên từng ngày. Điều đó khiến cô nàng tuổi đôi mươi phải ngỡ ngàng.
– Hoài đấy à. Lâu rồi mới thấy về thăm quê nhỉ? Hoài giật mình nhìn quanh, lát lâu mới nhận ra tiếng bà Năm hàng xóm vọng lại từ vườn rau ngót.
– Dạ, con đây bà Năm. Bà đang thu hoạch rau để mang ra chợ bán à?! Hoài đáp lại.
– Ừ, đúng rồi. Cứ lên đó trước đi, tí bà mang lên sẽ cho mày một bó về nấu canh.
– Con cảm ơn bà Năm nhiều. Hoài nở nụ cười tươi rói bởi cô cảm nhận một điều rằng, ở quê là vậy, tình làng nghĩa xóm luôn bền chặt qua bao thế hệ.
***
Rảo vài bước chân, Hoài đã “chạm mặt” chợ chồm hổm. Chợ nằm ven một bên đường, với khoảng 7 – 8 người họp lại để bán hàng. Những “đặc sản” trên bờ, dưới nước đều được bày bán ở đây, từ rau, củ, quả đến cá, tôm các loại. Bỗng chốc, ông trời đỏng đảnh trút cơn mưa nặng hạt. Những người phụ nữ lớn tuổi khoác vội bộ áo mưa tiện lợi sờn cũ, vẫn ngồi đó chờ những vị khách như Hoài đến mua, mặc cho cái lạnh phả vào da thịt.
Nhìn hết một lượt, Hoài tiến đến chỗ bà Chín để hỏi mua ít cá lóc và tôm đang còn giãy đành đạch trong các thau nhôm xếp cạnh nhau ngay ngắn. Hoài nghĩ bụng sẽ chế biến vài món ngon cho gia đình vào trưa nay. Rất lâu rồi, cô nàng chưa thưởng thức lại những món ăn này.
– Bán cho cháu mỗi thứ một ký nha cô Chín.
– Rồi để cô cân, lấy giá hời cho. Chú mày thả lưới, đặt rớ bắt được đấy, đảm bảo hàng tươi ngon, khỏi phải bàn.
– Dạ! Hoài trả lời.
– Của con đây, hết thảy bảy mươi ngàn.
Hoài nhận nó từ tay bà Chín, rồi nhanh nhảu lấy tiền thanh toán. Cô không quên mua thêm ít thứ nữa cho đủ “combo”.
***
Hoài lật đật sơ chế mớ cá, tôm vừa mua được, rồi đem gạo đi ngâm để lát nữa chạy qua nhà bà Bảy xay bột – nguyên liệu không thể thiếu để đúc bánh xèo.
MH: VÕ VĂN |
– Chứ mày làm gì mà hì hục dưới bếp vậy Hoài? Ông Niệm – ba của Hoài vừa đi làm về, thấy vậy liền hỏi.
– Con đang trổ tài nấu mấy món mà khi xưa mẹ nấu cho ba con mình ăn.
– Món gì?
– Dạ mì quảng cá lóc và bánh xèo nhân tôm.
– Trong làng ta giờ bán đầy ra đó, sao không mua sẵn về ăn cho tiện còn bày vẽ làm chi cho mắc công. Ông Niệm vừa nói vừa lắc đầu.
– Con muốn tìm lại ký ức ngày xưa. Những thứ ấy có tiền cũng đâu mua được đúng không ba?! Hoài nói với vẻ mặt đượm buồn.
– Thôi, thôi. Để tao ra sau vườn chặt thân chuối chát non vào làm rau sống. Dứt câu, ông Niệm cầm dao đi một mạch. Tính ông hay quát mắng nhưng lại rất thương con gái, đôi khi ông ngại thể hiện tình thương đó ra bên ngoài.
***
Dù nhà đã xài bếp ga nhưng Hoài lại thích nấu bằng bếp củi, vì nó đã từng sưởi ấm cô trong những ngày đông rét mướt của mấy chục năm về trước. Cô chất những khúc gỗ vụn rồi nhóm lửa. Lửa bắt và cháy mạnh, nồi nước cá lóc đã nêm nếm đậm vị sôi sùng sục và dậy mùi. Hoài ngồi bên bếp, không ngừng hơ bàn tay vào hơi lửa, xoa đều rồi liên tục áp lên đôi má ửng hồng của mình. Thi thoảng cô lại ngắm những hạt mưa rơi xuống vài ba cái lu đựng nước của ba, bắn lên tung tóe kèm thanh âm tí tách nghe vui tai. Kỷ niệm ấu thơ chợt ùa về rõ mồn một khiến Hoài xúc động, mắt ngân ngấn lệ. Ông Niệm ngồi bên phụ làm rau sống, thấy con gái vậy liền phán, phụ nữ tụi bây hở cái là yếu mềm, dễ khóc, rồi cười phá lên tỏ vẻ đắc ý.
***
Hoài nhờ ba mình canh lửa giúp rồi vội vã xách xô gạo đã ngâm đi xay bột. Món bánh xèo thì đòi hỏi công phu hơn tí. Trên đường đi, cô ngửi thấy mùi thơm của bánh xèo phảng phất. “Chắc rằng nhà nào đó cũng vừa có con cái về thăm, cũng muốn tìm lại thứ mà mình đang tìm, bởi hôm nay là cuối tuần mà nhỉ!”- Hoài thầm nghĩ. Chốc lát, Hoài trở về nhà. Cô thấy ba mình đã chuẩn bị sẵn khúc thịt mỡ và cuống lá chuối đã đập giập một bên đầu – bí quyết này chỉ có dân quê mới sành. Bằng đôi bàn tay khéo léo của Hoài, những chiếc bánh xèo nhân tôm lần lượt ra đời trên chảo mỡ nóng hổi, thơm phức. Làn khói nóng tỏa lên trắng xóa cực kỳ đã mắt.
– Ba ơi, vào gọi mẹ ra đi, mọi thứ xong hết rồi. Hoài thỏ thẻ.
-Ừ, để ba vào. Ông Niệm tức tốc vào phòng đẩy mẹ Hoài ra ngoài. Vì mẹ bệnh nặng nên phải di chuyển bằng xe lăn.
– Mẹ đây con. Chúng ta cùng ăn trưa nhé!
– Nhất trí ạ. Hoài liền lao tới ôm ba mẹ, hạnh phúc trào dâng.
Cả ba ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức món mì quảng cá lóc và bánh xèo nhân tôm bên hiên nhà. Ngoài trời, mưa chưa ngớt, càng lúc càng nặng hạt hơn.
– Lâu rồi con mới được tận hưởng trọn vẹn cái cảm giác ngày xưa cũ. Ở thị thành chẳng thiếu gì cả, nhưng con lại thấy thiếu hẳn không khí đoàn viên, thiếu vòng tay ba mẹ che chở. Hoài nấc nghẹn.
– Con ăn đi, ăn nhiều vào. Ba mẹ vẫn luôn dõi theo con, lúc nào mệt mỏi thì về đây với ba mẹ. Bà Thương – mẹ của Hoài an ủi.
– Đây là bữa ăn ngon nhất kể từ khi con rời quê lập nghiệp. Cũng đằng đẳng hàng chục năm trời rồi nhỉ, giờ mới có dịp như vậy.
– Ăn đi kẻo nguội, nhanh rồi vào nghỉ ngơi cho khỏe. Ông Niệm giục con gái.
***
Trời dần tối sầm lại. Màn đêm phủ khắp làng. Tiếng ếch nhái kêu râm ran. Hoài nhìn qua ô cửa sổ nơi phòng ngủ, thấy ba còn tranh thủ rọi đèn pin thu hoạch những thứ mà ông trồng được trong vườn để Hoài mang vào phố tặng người quen. Cô chột dạ tự vấn rằng, có khi nào lựa chọn của mình là sai lầm chăng? Bởi xa làng lâu vậy mà Hoài vẫn chưa làm nên trò trống gì, đến gây dựng một gia đình nhỏ cô cũng chưa thực hiện được. Ba mẹ thì ngày càng già yếu, nỗi mong mỏi có một chàng rể hiền, đứa cháu ngoan sao xa vời quá thể!
Cô kéo tấm chăn trùm kín đầu, nước mắt cứ thế tuôn trào. Cô tủi cho số phận.
***
– Dậy đi con, trời sáng rồi. Ba nấu sẵn đồ ăn để trên bàn đó, dùng xong rồi thu xếp vào lại, ráng công tác cho tốt, ba đi công việc trước. Ông Niệm vừa giục vừa vuốt ve đầu Hoài như không muốn rời xa.
– Ba sao không ở lại ăn với con?
– Ba muốn lắm nhưng không được, phải đi làm kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ con nữa. Ông Niệm choàng vội áo khoác rồi lao đi nhanh như gió. Ngoài cổng đang có người đợi sẵn.
***
Hoài với mẹ cùng nhau dùng bữa sáng. Món bánh mì ốp la ba Hoài làm chẳng khác gì mọi khi nhưng nay cô thấy nó đặc biệt hơn hẳn, bởi chắc có lẽ nó chứa đựng tình thương bao la từ người cha dành cho con. Hoài ăn một cách ngon lành. Đồng hồ điểm 9 giờ sáng, Hoài không quên chất những túi rau, quả của ba vào cốp ô tô rồi đạp ga phóng xe đi. Đến trước đình làng, cô hạ cửa kính vẫy tay chào người mẹ kính yêu của mình đang dõi mắt nhìn theo phía đối diện. Chuyến đi ấy, bánh xe lăn một cách thật chậm rãi, hệt như níu kéo người con chẳng muốn tạ từ. Hoài thấy mình đang mang theo bên mình bùa hộ mệnh, nói đúng hơn là một bến đỗ sắp đặt sẵn. Đó chính là lần về chốn quê nhà sau những dông bão cuộc đời…
LÊ NGỌC PHƯỚC
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202501/truyen-ngan-neo-ve-1641078/