(Báo Quảng Ngãi)- Vào một ngày đầu xuân, một cây hoàng lan nhỏ đã được trồng trước hai căn nhà. Đó là hai căn nhà gỗ, lợp ngói đỏ nằm trên dãy phố được hình thành cách đây chưa lâu. Ngày trước, đất rộng mênh mông, nhà cửa lụp xụp, lưa thưa trên con đường mòn. Người từ muôn nơi về đây sinh sống theo những cách khác nhau. Ngày ngày chỉ có tiếng xe đạp của những người công nhân từ mỏ về. Họ nói với nhau về một cái máy hơi đang hỏng, phụ tùng cũ đem gia công lại… Đất, cát và gió đầy ắp mặt đất, trên bàn, ghế. Lũ trẻ đến trường bằng đôi chân đi dép lấm lem những dấu tích chiến trường. Đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến dài ba thế kỷ, người ta bắt đầu trồng cây. Mỗi mầm cây, ngọn cỏ đều khe khẽ hồi sinh. Mọi người nhìn cây và mơ những giấc mơ bóng mát cho một ngày không xa…
Người thanh niên vừa trồng xong cái cây đang đứng ngắm nghía thành quả của mình. Thực ra anh đâu biết rằng phía sau khung cửa chớp bị gãy một nan, đôi mắt cô bé hàng xóm long lanh như giọt nước mưa mùa thu. Lan năm ấy lên mười một tuổi, tết tóc đuôi sam, khuôn mặt trái xoan đã bắt đầu toát lên những nét thanh tú. Lan rất thông minh và hồn nhiên. Cô bé thường được ngoại tết tóc mỗi sớm, rồi ngoại bảo: “Con gái có má lúm đồng tiền một bên là… nặng tình”. Lan thường hỏi lại nặng tình là gì nhưng ngoại chỉ cười, trầu thắm khóe môi. Trẻ con thì đến bao giờ mới hiểu được những điều sâu xa như thế.
Thế rồi từ phía biên giới một ngày đầu năm vang tiếng súng. Hòa bình vừa mới bén rễ, trường học màu vôi trắng mới quét thì các thầy giáo lại bàn giao giáo án, lên đường nhập ngũ. Những người lính cũ, những tân binh mới lại cùng bước ra trận. Ở con phố này có nhiều người nhập ngũ, cả người trai vừa mới trồng cây cũng đã ghi tên mình vào danh sách những chiến binh của mùa xuân năm ấy. Hôm đó, Lan ngóng theo chàng trai hàng xóm cho đến lúc bóng anh mất hút cuối phố. Cô ngỡ rằng một ngày nắng đẹp, một ngày những chiếc lá hoàng lan khẽ xào xạc trong gió sẽ được thấy bước chân anh trở về. Tiếng là hàng xóm nhưng chưa một lần đối diện nhau để trò chuyện. Cô ngượng ngùng, bẽn lẽn, còn anh thì ngần ngại. Người ấy đã đi mãi không trở về khi chiến trường biên giới đã không còn vang tiếng súng. Người ấy đã hy sinh, người ấy đã mất tích hay đã không muốn trở về khu phố tứ xứ, tạm bợ này thêm nữa?
Theo thời gian, con đường phía trước đã được đào, lấp, san ủi, tôn cao đến cả mét. Những nhà tranh, nhà gỗ dần biến mất, nhà cao tầng xếp hàng bên nhau thành phố. Kinh tế thị trường mở ra, người ta đục tường mở cửa sổ để bán hàng. Những giấc trưa cũng dần biến mất bởi tiếng còi xe, tiếng người mua bán, cãi cọ. Cảnh vật cứ thay đổi không ngừng, người tóc xanh rồi bạc. Người tóc bạc thành người thiên cổ. Tiếng trẻ khóc dạ đề đầu phố nối vào tiếng khóc của thân nhân người quá cố cuối phố. Chỉ có cây hoàng lan cứ thế vươn mình, lá bám bụi, gốc sứt sẹo những vết khắc của lũ trẻ con. Đêm lặng lẽ tỏa hương. Chừng ấy năm, như một người cận vệ đứng gác cho những đổi thay của khu phố này.
Chẳng bao lâu nữa bà Lan lên căn hộ chung cư cao vút kia ở với con gái. Không hiểu khi ấy mắt bà còn có thể nhìn thấy khu phố này nữa không. Con gái thì cứ nhắc đi nhắc lại: “Mẹ nhớ thu dọn đồ gì cần thiết nhé, trên đó đầy đủ nội thất, thiết bị rồi. Ngày kia xe sẽ đến đón”.
Chiều nay gió bắt đầu mạnh lên, nghe thông tin bão đổi hướng sang đây. Một trận bão mà từ nhỏ đến nay bà Lan chưa từng thấy dù mới càn quét qua các đảo ngoài đại dương. Con gái nhắn tin giục: “Mẹ, đi thôi, lên đây cho an toàn, dù gì cũng cả một khối nhà bão làm gì được. Mười phút nữa mẹ ra cửa”.
“Uỳnh”, như có đứa trẻ ngỗ ngược đạp cửa. Cánh cửa lim rung lên vặn chiếc bản lề cũ kỹ. Ngót sáu mươi tuổi đầu, xương khớp không còn dẻo dai, chắc chắn bà Lan thận trọng bước lên ghế đóng mấy cửa thông gió, nhưng bất chợt bà chững lại, đứng thật lâu, như thể bị ai đó thôi miên.
Ngoài phố lúc này không còn bóng người, chỉ thấy những mái tôn bay phần phật, mọi thứ trên mặt đất đều bị gió cuốn đi như trong một bộ phim kinh dị. Gió, lốc và những cánh cửa đang “giao chiến”. Ngoài kia cây hoàng lan vẫn đang vật lộn với gió bão một mình. Hình như lúc này ngoài nó ra không còn thứ gì có thể che chở cho nhà bà Lan được nữa. Cây không lớn, tán không rộng vì nền đất cằn cỗi nhưng luôn cố vươn ra phía trước, vì đó là hướng đông. Nhưng hôm nay gió lại từ hướng ấy thổi về.
Điện thoại liên tục đổ chuông cùng tiếng con gái đầy lo lắng. Nhà chỉ có hai mẹ con, nó thì đi khắp Châu Âu, Châu Mỹ, đem về cho bà khối thứ, nhưng ngôi nhà thì luôn trống trải. Khoảng trống ấy chỉ có hương hoàng lan đêm đêm vẫn vỗ về giấc ngủ của bà, nhưng mùa này cây vẫn chưa kịp ra hoa.
Bà nghe con gái đang khóc trong điện thoại thì nghe tiếng “uỳnh”, tim như nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng cây vẫn đứng đó. Một bình nước trên gác hai nhà ai đó đang lăn lông lốc trên đường. Nó đang đổi hướng, lăn đến gốc cây hoàng lan thì dừng lại. Hình như trong sự hỗn loạn của gió bão vẫn có một sự may mắn nào đó cho mọi thứ vô tri.
Đợt gió lốc thứ hai ào đến lần này cuốn phăng những mái tôn, có tiếng kính vỡ loảng xoảng, tiếng đàn bà, trẻ con rú, hét. Nỗi sợ hãi như quả bóng bay nổ liên hoàn theo hiệu ứng tâm lý. Bà Lan từng là cô giáo dạy ở trường THCS của phường. Nhiều cặp vợ chồng trẻ trong khu phố này là học trò của bà. Đứa nào nghịch ngợm, đứa nào cẩn thận, cả những đứa lầm lì nhưng thông minh… bà đều nhớ rõ mồm một. Bà đã dặn chúng nhà cao đẹp thì tốt, mà phải có cửa thoát hiểm. Cửa sổ, cửa chính tuy đẹp nhưng đừng quá rộng, đến lúc bão lốc lại khó chống đỡ.
Mỗi đứa đều có một cái lý riêng để nghe lời bà hay ngó lơ nhưng giờ chúng đều đang sợ hãi. Nhà bà cao nhất, lạc lõng thô kệch nhưng lại khá an toàn trước những làn sóng nước từ đường tràn vào. Con gái bà từng có lần đi công tác về, tựa chiếc va li vào cây hoàng lan rồi bảo:
-Cả khu không ai cổ như mẹ. Làm nhà như cái chòi canh, lại thêm cái cây còi cọc mà mẹ vẫn giữ.
Nó còn bảo sao mẹ không gọi người ta bứng cây to đến, vài năm là bóng mát che lại có dáng đẹp. Bà Lan không nói gì, dòng họ Hoàng ở đây chỉ còn lại mình bà, những người chú, người anh đều đã hy sinh trong các trận đánh. Nhiều lúc bà nghĩ, cái cây ấy với bà cũng có duyên phận khi cùng mang một cái tên, cùng bám trụ ở đây qua bao cực nhọc. Hương thơm của mùa hoa và tiếng đàn violin của bà cứ quyện vào nhau như một thứ mật ngọt đắm say…
Nước ở đâu dồn về đã đục ngầu trên đường làm bà Lan bừng tỉnh. Qua ô cửa nhỏ, bà thấy con đường đã biến thành dòng suối từ lúc nào. Trên cao gió vẫn ào ạt không ngừng như thể thách thức sự sinh tồn của con người. Điện đã ngắt, điện thoại chỉ còn một vạch pin, bà cố gắng thực hiện cuộc gọi cuối cùng cho con gái nhưng không thể kết nối. Một quãng đường trước nhà vừa bị nước lũ cuốn phăng, tạo nên xoáy nước cực kỳ nguy hiểm, nếu con gái và mọi người có đến đây cũng khó lòng tiếp cận được.
Cây hoàng lan quay cuồng như một chiến binh xông pha giữa trận đánh, nhưng sức có hạn, không thể địch lại được kẻ thù quá đông. Gốc cây đã bị xói mòn, tán cây bị gió quật, cây ngả về phía nhà, bà Lan hoảng hốt nghĩ đến cửa sổ sẽ vỡ, chân bà như tê cứng không nhúc nhích được. Nhưng không, cây đã gắng hết mình rồi đổ ào về phía sân như một sự lựa chọn tối ưu nhất khi kết thúc cuộc đời mình.
Nhóm cứu hộ đang tìm cách tiếp cận được căn nhà một tầng cũ kỹ. Họ phân vân trước xoáy nước làm thuyền chao đảo. Nhưng rồi có một người đã dũng cảm mặc áo phao leo lên những cành cây để tiếp cận vào được nhà. Bà Lan đã được cứu bằng chính con đường mạo hiểm đó, bằng chính những cành hoàng lan đang gục trên mặt đất. Trên chiếc thuyền cứu hộ, bà ngoái lại một lần nữa để nhìn về phía nhà cũ, về phía cái cây tình nghĩa ấy.
Người thanh niên mặc áo phao dũng cảm lúc này bảo:
– Cháu nghe kể ngày xưa chính bố cháu đã trồng cây hoàng lan này…
– Ôi, thế giờ bố cháu ở đâu?
– Dạ, ở cách đây không xa, giờ các nhóm cứu hộ cũng đưa bà con ra khu nhà cháu đó ạ, ở đó cao và an toàn…
Bà Lan thấy mắt mình như nhòe đi trong mưa…
BÙI VIỆT PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202411/truyen-ngan-cay-hoang-lan-dung-gac-c7b13eb/