(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Võ Giới, ở tổ dân phố Bàn An, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư xám, đem lại hiệu quả kinh tế gia đình.
Cũng như bao thanh niên ở vùng ven biển, anh Giới lớn lên nối nghề ông cha, theo tàu ra khơi, có khi cả tháng mới về nhà. Nhưng rồi, khi có con nhỏ, vợ chồng anh Giới không biết xoay xở ra sao, nên anh phải tìm nghề khác, vừa ổn định, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình.
Xa nghề truyền thống của địa phương, ban đầu, anh Giới cũng rất lo âu, trăn trở. Trong anh cứ quẩn quanh câu hỏi, phải làm gì để kinh tế gia đình ổn định. Rồi nỗi lo cũng vơi đi phần nào, khi anh Giới đổi hướng sang sản xuất nông nghiệp. “Năm 2019, qua Internet, phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến mô hình trồng nấm bào ngư xám và thấy được tiềm năng phát triển. Do đó, tôi quyết định đầu tư trại trồng nấm”, anh Giới cho hay.
Anh Võ Giới, ở tổ dân phố Bàn An, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), kiểm tra quá trình phát triển của nấm bào ngư xám. |
Tìm hiểu các địa phương lân cận có mô hình trồng nấm, anh Giới đến tận trại để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Ban đầu, anh Giới mua 30 bịch phôi, rồi đến 50 – 100 bịch phôi về trồng thử nghiệm. Thấy đạt hiệu quả, anh Giới nhân rộng diện tích và số lượng phôi nuôi trồng.
Từ mảnh đất sẵn có của gia đình, anh Giới xây dựng trại trồng nấm có diện tích 500m2 với nhà giàn treo, hệ thống tưới nước giữ ẩm tự động. Anh nhập 20 – 40 nghìn bịch phôi nấm về trồng. Tuy nhiên, không như mong đợi vì khi trồng số lượng lớn, có nhiều vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến chất lượng, giảm năng suất.
Mới đây, anh Võ Giới được nhận Học bổng “Học không bao giờ cùng” của Hội Khuyến học tỉnh. Trong buổi lễ nhận học bổng, anh Giới không giấu được sự xúc động tâm sự, với tôi, đây là một sự động viên, khích lệ cho sự cố gắng học hỏi để phát triển kinh tế của mình. |
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, khi nấm có vấn đề về chất lượng, meo mốc, bị côn trùng tấn công, anh Giới chụp lại tình trạng nấm và đăng lên các nhóm, hội trồng nấm để nhờ các thành viên hướng dẫn cách xử lý, khắc phục. “Mỗi vùng miền có điều kiện thời tiết, độ ẩm, độ khô, cách chăm sóc cũng khác nhau. Vì thế, tôi tham khảo nhiều ý kiến đóng góp, cùng những kiến thức được tập huấn, tôi chắt lọc thông tin để áp dụng vào mô hình trồng nấm hiệu quả hơn. Nhờ đó, mô hình sản xuất nấm dần ổn định, cung ứng ra thị trường hơn 1,5 tấn nấm/tháng, với giá bán sỉ dao động từ 40 – 50 nghìn đồng/kg”, anh Giới cho biết.
Dù năng suất đạt hiệu quả, nhưng quá trình trồng vẫn còn tình trạng phôi không ra nấm, hao hụt nhiều. Để đảm bảo chất lượng phôi, anh Giới quyết tâm học hỏi từ các trang trại, sách báo, sau đó anh đầu tư máy móc, thiết bị, lò hấp, thực hiện quy trình khép kín vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm. Chia sẻ bí quyết trồng nấm, anh Giới cho biết, cần chú trọng làm trại luôn sạch sẽ, được khử trùng. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng thì nấm khi trồng mới phát triển tốt và không nhiễm bệnh.
Nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh Giới đang hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm nấm bào ngư xám để được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202411/tim-toi-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua-6914ce1/