Không hiểu bằng cách nào, thực phẩm bẩn vẫn có cách lách vào tận siêu thị và chễm chệ trên giá đợi móc ví người tiêu dùng với giá cao, với danh nghĩa ‘thực phẩm sạch’.
Như đã thông tin, Công an TP Huế đã phát hiện cơ sở sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng để trồng giá. Chủ cơ sở cũng đã thừa nhận mua hóa chất tưới lên giá để kích thích thân giá phát triển bọng nước, ngắn rễ rồi bán ra thị trường TP Huế.
Vì giá trị của 750kg giá thu giữ tại cơ sở có giá bán ra thị trường không quá 10 triệu đồng, nên cơ sở chỉ bị xử phạt 45 triệu đồng và đình chỉ 2 tháng.
Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh vụ việc, sau đây là chia sẻ của bạn đọc Trang Nguyễn gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Thực phẩm bẩn: Thon thót lo, sợ, hãi hùng…
Cũng như nhiều người dân khác, tôi thật sự bất bình bởi hành vi đầu độc sức khỏe người tiêu dùng chưa bị xử lý nghiêm khắc, trừng trị thích đáng và tạo hiệu ứng răn đe.
Và đây là tâm tư của bạn đọc Thắng Lê trên báo Tuổi Trẻ Online: Giá trị của 750kg giá thu giữ tại cơ sở có giá bán ra thị trường không quá 10 triệu đồng, do vậy không đủ cơ sở để khởi tố vụ án.
Xin hỏi từ trước đến nay cơ sở này đã sản xuất bao nhiêu lô hàng cỡ đó? Đầu độc chính đồng bào của mình mà phạt vài chục triệu rồi xong sao?
Đó cũng là câu hỏi đầy trăn trở và day dứt của nhiều người dân như chúng tôi.
Giá chỉ là một trong số vô vàn thức ăn, nước uống cần thiết mỗi ngày. Một cách vô tình, bàn tay ta trực tiếp đưa độc tố ẩn mình trong thịt cá, rau củ, trái cây… vào miệng của chính chúng ta.
Ấy vậy mà thời gian qua liên tiếp phát hiện các cơ sở ngâm giá với hóa chất. Hết Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và bây giờ là đến Đắk Lắk.
Kinh khủng hơn, 2.900 tấn giá đậu xanh được “nuôi dưỡng” bằng “nước kẹo” (6-Benzylaminopurine, chất độc gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh) đã được bán ra thị trường trong năm 2024, và luồn lách vào cả hệ thống siêu thị lớn…
Cũng như nhiều người tiêu dùng khác, mỗi lúc báo chí đưa tin về một vụ ngộ độc thực phẩm nào đó, hoặc những thống kê kinh hoàng về rau củ ngậm hóa chất, hải sản tồn dư hoạt chất, nội tạng bốc mùi bị phù phép… lòng tôi lại thon thót lo, sợ, hãi hùng…
Thế mà không hiểu bằng cách nào những thứ ấy vẫn tìm cách lách vào tận siêu thị và chễm chệ trên giá đợi móc ví người tiêu dùng với giá cao, với danh nghĩa “thực phẩm sạch”.
Bao giờ hết “trời kêu ai nấy dạ”?
Chuyện giá trồng bằng hóa chất là những lát cắt kinh hoàng về bức tranh thực phẩm bẩn đầu độc và hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Nhưng sau cơn sóng cảm xúc tiêu cực, mỗi người đành lực bất tòng tâm và cắn răng chịu cảnh “trời kêu ai nấy dạ” khi chấp nhận hên xui, may rủi mỗi lúc chế biến chiên xào và lo lắng đưa cơm vào miệng mỗi ngày ư?
Bao năm qua, cuộc chiến với thực phẩm bẩn vẫn luôn nóng hổi trong từng gia đình. Nhà nào nhận “tiếp tế” thực phẩm từ quê là may mắn. Nhà nào có vườn rộng, ban công đủ chỗ dựng cột móc dây cho bí bò, bầu leo trở thành niềm hạnh phúc dung dị.
Nhưng có phải chừng ấy là đủ đầy thực phẩm nhà trồng, nhà nuôi, nhà làm để luôn an tâm với mâm cơm sạch, bát cơm lành đâu. Bởi không ai tài giỏi đến mức tự chủ được tất tần tật mọi thứ mà chẳng mua thực phẩm và rước bệnh vào người.
Nhỏ em gái của tôi đi chợ luôn lần mò đến mấy mẹt hàng rong nhỏ xíu xiu của các bà, các chị chân chất, mộc mạc với nghề buôn thúng bán bưng để lựa nải chuối, mớ rau, quả bầu, trái mướp ít ỏi hòng kiếm tìm chút an tâm về cây củ trong vườn nhà.
Mà nào phải ai ai cũng rảnh rỗi lội chợ băng đường tìm mấy mẹt hàng rong để đặt cược niềm tin đâu.
Nên người ta vẫn quen cảnh ngang đâu tạt đó mua thực phẩm, sắm hàng hóa. Phụ huynh vẫn hớt hải mỗi sáng mỗi chiều bất an khi con cái chọn thức ăn sáng, quà ăn vặt.
Bạn tôi thì trao gửi niềm tin vào các siêu thị, cửa hàng uy tín với thương hiệu đã được định danh trên thị trường luôn gắn nhãn mác rõ ràng, truy xuất nguồn gốc cụ thể để hy vọng có thực phẩm sạch.
Nhưng cho dù cẩn thận như thế cũng không thể thoát, như trường hợp giá trồng bằng hóa chất vẫn lọt vào siêu thị.
Bao giờ hết cảnh thực phẩm bẩn tùy vào sự hên xui hay “trời kêu ai nấy dạ”?
Siết chặt hơn nữa khâu “gác cổng” thực phẩm bẩn
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn dẫu khó khăn, trắc trở muôn nẻo nhưng không thể nào buông tay lơi lỏng để mặc sức khỏe của người dân trong vòng vây của trái cây ngâm tẩm hóa chất, rau củ tồn dư thuốc trừ sâu, thức ăn đường phố chế biến và bảo quản cẩu thả…
Thiết nghĩ trách nhiệm “gác cổng” bảo vệ sức khỏe người dân của cơ quan quản lý nhà nước cần được siết chặt hơn nữa.
Kiểm tra thường xuyên, liên tục và có biện pháp xử lý triệt để những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách quyết liệt.