Với 180 ha hành tím bên bờ biển bao quanh bởi núi lửa và rạn san hô, xã Bình Hải được mệnh danh là thủ phủ hành tím trên đất liền.
Cuối tháng 4, cánh đồng hành tím ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vào vụ thu hoạch thứ hai trong năm. Xã này nằm bên bờ biển với đá núi lửa, rạn san hô, có thổ nhưỡng tương tự đảo Lý Sơn cách đất liền gần 30 km, phù hợp với cây hành.
Một năm người dân làm ba vụ, từ Tết đến khoảng tháng 8, sản lượng khoảng 1.800 tấn một năm. Địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hành tím Bình Hải và đang xây dựng vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 20 ha.
Ông Phạm Văn Xuyến, Phó chủ tịch xã Bình Hải, cho biết giống hành tím có nguồn gốc từ Lý Sơn, được đưa về đây thử nghiệm từ hơn 30 năm trước, mở ra hướng đi mới cho người dân. Đến nay hành tím đã trở thành nghề truyền thống ở xã với khoảng 400 hộ trồng.
Chủ ruộng hành chất hành tím vừa thu hoạch lên xe rùa, đẩy ra điểm tập kết gần đường để chở về nhà phơi.
Sau khi thu hoạch 4 sào hành (mỗi sào 500 m2), ông Huỳnh Trung Thu ở thôn Thanh Thủy chất đầy hành tím trước nhà, ông còn làm thêm trại để trữ hành vì khoảnh sân này không đủ với ba tấn hành thu được.
Với giá hành khoảng 30.000 đồng một kg, mỗi vụ hành gia đình ông Thu đạt doanh thu khoảng 90 triệu đồng, trừ đi chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng.
Hành tím được các thương lái mua bán đi Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong lúc chờ thương lái tới mua, nhiều người dân treo các búi hành trên khung sắt dựng xung quanh sân và trước nhà tạo, thành những hàng rào hành tím.
Ông Nguyễn Viên, 70 tuổi, ở thôn Thanh Thủy, lý giải treo củ hành lên dây, giá đỡ có hai mục đích là tận dụng được hết không gian và để cho hành mau khô.
Bà Nguyễn Thị Bé, 78 tuổi, làm khung sắt trước nhà để treo hành tím. Bà cho biết trước khi có nghề trồng hành, bà chỉ trồng các cây khác như đậu, bắp… thu nhập thấp hơn. Sau khi hết vụ hành, bà cùng các hộ khác chuyển sang trồng ngò trong những tháng cuối năm.
Sau công đoạn phơi, chủ ruộng thuê, mượn nhiều người cùng làng cắt củ hành ra khỏi thân, rễ. Mỗi nhân công được trả khoảng 150.000-200.000 đồng mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Ý, 75 tuổi, dùng dao cắm vào quả dừa bổ đôi để cắt rễ và thân hành ra khỏi củ. Hành tím khi cắt ra có hơi cay, nên ngoài đeo kính bà phải choàng thêm nilon để hơi cay không bay vào trong mắt.
Hiện vẫn còn nhiều ruộng hành chưa thu hoạch vì các chủ ruộng xuống giống vào nhiều ngày khác nhau.
Ông Phạm Lựu, 59 tuổi, cho biết một vụ hành tím kéo dài khoảng 50 ngày. Các ruộng hành được đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động với chi phí khoảng 2 triệu đồng một sào. Trước khi thu hoạch khoảng 4 ngày chủ ruộng sẽ dừng tưới.
Thông thường, mỗi sào hành tím cần 100 kg giống (chi phí hơn 4 triệu đồng). Nếu trúng mùa thì mỗi sào có thể đạt sản lượng gần 1.000 kg (một tấn), tuy nhiên cây trồng cũng dễ gặp sâu bệnh như sâu xanh da láng, dòi đục lá… ảnh hưởng đến sản lượng.
Với ba vụ trong năm, bình quân các gia đình ở xã Bình Hải có thể lời hàng trăm triệu đồng.
Phạm Linh