(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2024, Quảng Ngãi đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tích cực giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước đạt 102,3%, tăng 2,3% so với năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp ước khoảng 157 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2023, vượt 15,2% kế hoạch. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp từ các sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 51,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt gần 106 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 2,55 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 4,1 tỷ USD. Những kết quả này cho thấy nhiều dự án, doanh nghiệp (DN) đã đầu tư từ trước, đến nay tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh vào đầu tháng 10/2024 để kêu gọi đầu tư vào Quảng Ngãi. Ảnh: T.PHƯƠNG |
Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Trong đó, đẩy mạnh cắt giảm thời gian đăng ký thành lập DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng tham gia thị trường. Cụ thể, trước đây theo quy định thời gian xử lý đăng ký DN từ khi thành lập mới, đăng ký thay đổi theo quy định là 3 ngày/hồ sơ, nay giảm xuống trung bình 1,5 ngày/hồ sơ. Các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực đăng ký DN trên Cổng thông tin quốc gia, thực hiện kết nối thông suốt thông tin về đăng ký DN, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân.
Trong năm 2024, tỉnh đã thu hút 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 508 tỷ đồng (tương đương 20,61 triệu USD). Về đầu tư trong nước, tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.013 tỷ đồng. Có 555 DN mới được thành lập, dự kiến đến hết năm 2024, số DN mới thành lập sẽ đạt khoảng 720 DN.
Động lực để phát triển
Trong quá trình phát triển, quan điểm của tỉnh là lấy DN và người dân làm trung tâm, từ đó xây dựng và triển khai các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh kết quả đạt được, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các vướng mắc liên quan đến cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được giải quyết triệt để, nên việc huy động các nguồn lực phát triển, thu hút các dự án đầu tư mới và triển khai các dự án đầu tư còn gặp khó khăn. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng là rào cản trong việc thu hút đầu tư. Đơn cử thời gian qua, hạ tầng tại KKT Dung Quất xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số KCN chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút đầu tư hoặc chưa thể điều chỉnh nâng công suất đối với dự án có phát sinh nước thải ở các KCN này.
Chuyển nhiệm vụ xúc tiến đầu tư về Văn phòng UBND tỉnh.
Tại phiên họp lần thứ II, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã thống nhất, chuyển chức năng, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh về Văn phòng UBND tỉnh. Qua đó, tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư về một mối do UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và tạo cú huých để thay đổi mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong thời gian đến.
|
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. UBND tỉnh đã thống nhất triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông tại KKT Dung Quất, với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, bảo đảm kết nối thông suốt KKT Dung Quất và các khu vực xung quanh.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm; tăng cường xử lý, hỗ trợ và giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân, nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III… Phát triển kinh tế biển đồng bộ cả về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng biển, logistics.
Cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: TH.NHỊ |
Bên cạnh đó, tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục tập trung thu hút các ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề sử dụng cảng biển nước sâu, thu hút các lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo, gia công hàng xuất khẩu; các dự án dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics. Mục tiêu nhằm phát triển KKT Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và những năm tiếp theo.
H.THẢO – T.VIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202412/tao-cu-huych-trong-xuc-tien-dau-tu-b9c1092/