(Baoquangngai.vn)- Sáng 7/8, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cho cán bộ các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền; cán bộ phụ trách công tác thông tin ở các tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tập huấn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT), tỉnh Quảng Nam. Dự hội nghị còn có gần 200 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền ở các địa phương, cán bộ phụ trách công tác thông tin, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ 19 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
Trong những năm qua, việc đảm bảo và phát huy quyền con người ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo; dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.
Quang cảnh hội nghị. |
Nhận thức tầm quan trọng của thông tin, tuyên truyền trong công tác nhân quyền, sau 8 năm triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Ban Bí thư đã có Thông báo kết luận số 46-TB/TW ngày 6/2/2018 tiếp tục xác định cần đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hình thức, nội dung thông tin tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta. Từ nhận thức trên, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị tập huấn. |
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, hội nghị được tổ chức trong thời điểm có nhiều thuận lợi. Đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng, vững vàng, từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Các thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy quyền con người được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện qua việc Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, với số phiếu ủng hộ cao.
Đại biểu tham quan Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam diễn ra bên lề hội nghị. |
Bên cạnh những thuận lợi, công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người đặt trước nhiều thách thức khi đời sống của người dân cả nước còn tiếp tục chịu nhiều khó khăn về giá tiêu dùng, vấn đề việc làm, thu nhập… Lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước, phủ nhận các thành tựu, nỗ lực của Đảng và Nhà nước. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức gây mất lòng tin trong dư luận xã hội.
“Tất cả những yếu tố trên đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vừa đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, vừa thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh, đưa thông tin chân thực nhất về Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người được tổ chức nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cung cấp thông tin, tình hình và hướng dẫn công tác truyền thông đối ngoại. Qua đó, nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin kịp thời, khách quan về các nỗ lực và thành tựu của các cấp chính quyền trong bảo đảm quyền con người ở địa phương, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.
Các đại biểu tỉnh Quảng Ngãi tham dự hội nghị. |
Cùng với đó, hướng dẫn cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại cho các địa phương; giải đáp các thắc mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ quá trình thực tiễn triển khai đề án.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người ở các địa phương, nhất là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan chuyên trách với báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai; đồng thời, đề xuất những kiến nghị về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.
Tin, ảnh: THIÊN HẬU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: