(Báo Quảng Ngãi)- Tình yêu luôn song hành cùng đời sống con người, dẫu hoàn cảnh xung quanh có đổi thay, có nhiều chông gai, thử thách… thì con người qua bao thời gian vẫn không hề mất đi ngọn lửa ấm áp, yêu thương trong tâm hồn.
Chủ đề tình yêu giai đoạn này chịu sự tác động của thời cuộc nên mang những dáng vẻ khác nhau. Các nhà thơ thời tiền chiến như Bích Khê, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Viết Lãm, Tế Hanh, Lữ Mẫn, Bút Trà… đã biểu hiện những cung bậc riêng trong cảm xúc lứa đôi. Họ là những nhà thơ góp phần đặt nền móng cho thơ Mới, trong thơ biểu hiện những sắc thái của tình yêu. Đó là những cảm xúc yêu đương gắn liền với đời sống, cá tính của nhà thơ, với thế giới tâm hồn mà mỗi nhà thơ kiến tạo cho riêng mình.
Trong thế giới của cái tôi, Bích Khê với bút pháp tượng trưng đã biểu hiện một tình yêu thuần khiết, tinh khôi, khát khao mãnh liệt: “Cho tôi nàng! Cho tôi nàng! Tất cả/ Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao/ Cho đê mê, chới với, hồn lên cao/ Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ” (Tranh lõa thể). Dường như tình yêu đó chỉ gắn liền với khát vọng cá nhân của nhà thơ, với những đặc điểm riêng về đời tư, cá tính, cái tôi cá nhân mà ít có sự tương giao với những diễn biến phức tạp của thời cuộc. Trong các bài thơ như “Tân hôn”, “Nàng bước tới”, “Đồ mi hoa”… Bích Khê hướng đến cái lý tưởng về một tình yêu đẹp, với người đẹp và không bao giờ kết thúc ngọn lửa đam mê. Một tình yêu tuyệt đối trong thế giới lý tưởng của riêng mình trong thơ Bích Khê rất giống với quan điểm về tình yêu của các nhà thơ Mới giai đoạn giao thời. Điều đó cũng tương đồng với Nguyễn Vỹ khi viết về cảm xúc riêng tư trong tình yêu: “Có em, vui quá hóa cuồng/ Không em, vắng vẻ, quá buồn, buồn tênh!/ Thắp đèn lấy bút nằm biên,/ Mấy câu tâm sự đảo điên thơ buồn!/ Thơ rằng: Giàu ức vạn muôn,/ Ai đem vàng đổi cái buồn cũng không!/ Buồn ôm chiếc gối sầu đông,/ Có yêu, có nhớ, có mong, mới buồn! (Chiều mai em đến ngâm thơ – Nguyễn Vỹ).
Tình yêu trong thế giới lãng mạn của Nguyễn Vỹ cũng đến mức tuyệt đối. Không bị chi phối bởi thời cuộc, Nguyễn Vỹ mang tâm lý của những con người lãng mạn trong tình yêu và chuyển tải niềm yêu ấy vào thơ vừa là một cách để giải tỏa, đồng thời cũng là cách để bộc lộ cảm xúc đến người mình yêu thương. Nguyễn Vỹ là nhà thơ tiền chiến rất gần gũi với quan điểm nghệ thuật của các tác giả như Lưu Trọng Lư, Huy Cận về cảm xúc trong tình yêu. Tình yêu trong thơ ông phần lớn mang âm hưởng buồn. Ông cho rằng, chính nỗi buồn làm nên vẻ đẹp cho thơ, cho tình yêu, vì thế mà có vàng cũng không thể đổi lấy nỗi buồn. Và có yêu mới có buồn. Trong quan niệm về tình yêu, Nguyễn Vỹ là đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn của thơ Mới ở Quảng Ngãi.
Ngoài ra, các nhà thơ như Nguyễn Viết Lãm, Tế Hanh, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng có nhiều tác phẩm thể hiện thế giới tình yêu đầy cảm xúc lãng mạn: “Thiên lý tỏa hương lầu Mỹ Á,/ Thuyền ai thấp thoáng bến Thanh Tân,/ “Về đi anh yêu, chiều sắp muộn…”/ Nghe thủy triều lên lạnh dưới chân/ Gió nói gì trên những ngọn dừa,/ Lời yêu huyền bí tự muôn xưa,/ Hoàng hôn đã bước qua song lạnh,/ Phòng vắng run run những ánh thừa ” (Trăng thanh tân – Nguyễn Viết Lãm). Thế giới tình yêu của Nguyễn Viết Lãm những năm đầu thế kỷ XX bảng lảng, mơ màng trong nỗi niềm sâu thẳm về những ký ức mông lung của quá khứ. Nguyễn Viết Lãm không nói về những gì có thực mà chỉ hướng đến tưởng tượng mơ hồ về tình yêu, cảm giác có được trong tình yêu. Không ai xác định được thuyền nào, đêm nào, trăng phương nào, người đọc chỉ cảm nhận được những cảm giác trong tình yêu của tác giả. Đó là sự vô định, mất phương hướng và không êm ả trong tình yêu. Cảm giác mong manh ấy dường như có ở rất nhiều nhà thơ mới chứ không riêng gì Nguyễn Viết Lãm. Trong một trạng thái khác, Nguyễn Viết Lãm nói về tình yêu trong cảm xúc hòa cùng với tình yêu Tổ quốc những ngày máu lửa điêu linh. Ông đã chia sẻ tâm tình tha thiết cùng người yêu: “Em ơi, hãy nghiêng mình/ hôn lá cỏ xanh trên nấm mồ liệt sĩ/ Lửa tin yêu nhen nhóm buổi ban đầu/ cho triệu trái tim sau/ Hãy cầm lấy tay anh/ chưa đến được chân trời ta chưa dừng bước nghỉ” (Chân trời – Nguyễn Viết Lãm).
Tình yêu riêng tư gắn liền bền chặt cùng ý thức trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Hành trình đi tìm hạnh phúc lứa đôi đồng hành cùng hành trình tìm kiếm chân trời tự do, tin yêu của hàng triệu trái tim. Cùng cảm xúc ấy, tình yêu trong thơ của một số tác giả ở Quảng Ngãi cũng gắn bó mật thiết với hoàn cảnh thời chiến.
Những năm đầu nước nhà thống nhất, nhà thơ Tế Hanh có khá nhiều bài thơ nói về tình yêu, không chỉ thể hiện từ nhan đề bài thơ như Anh yêu em, Ta đã yêu em, Nói về tình yêu, Tình yêu và vĩnh viễn… mà còn rõ nét trong những bài có vẻ như chẳng liên quan đến ái tình: Bão, Trăng, Cái nhìn, Bên phải bên trái, Con đường… Tình yêu của Tế Hanh dường như vô tận: “Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn, /Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết”. Ông quy phục trước ái tình: “Anh đến với em là lẽ tất nhiên,/Như con sông trở về với biển…/Như con chim buổi chiều quay về tổ”… Tình yêu nồng nàn ấy được thăng hoa cùng sự yên ả trong tâm hồn và niềm tin yêu cuộc sống. Tế Hanh đã sống trọn vẹn một thời đại thơ ca với nhiều thăng trầm của thời cuộc.
Thế giới của tình yêu thật nhiệm màu, mang đến cho con người những nỗi niềm không thể phai mờ. Dẫu đi qua sự tàn phá của chiến tranh, biến động lớn của đời sống thì tình yêu trong thơ ca thế kỷ XX vẫn đượm nồng những hương sắc tin yêu.
VÂN ĐAM
TI, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202411/tac-gia-tac-pham-tinh-yeu-trong-tho-tien-chien-c8b11de/