(Báo Quảng Ngãi)- Ký ức về những ngày chiến đấu, về đồng đội đã hy sinh trong lòng người ở lại… được đạo diễn Hồ Nhật Thảo (công tác tại Đài PT&TH Quảng Ngãi) tinh tế đưa vào trong phim tài liệu “Vùng đồng đội”, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Phim tài liệu “Vùng đồng đội” được dẫn dắt bởi ca khúc “Một vùng đồng đội” (thơ Nguyễn Trọng Luân, nhạc Quỳnh Hợp). “Trong quá trình đi cùng nhà văn Nguyễn Trọng Luân lên điểm cao 1015 ở tỉnh Kon Tum, tôi được nhà văn Nguyễn Trọng Luân mở cho nghe ca khúc “Một vùng đồng đội”. Nghe xong, tôi có cảm tưởng ca khúc này như viết sẵn cho một bộ phim nào đó, và tôi nghĩ rằng mình sẽ phải làm một bộ phim mang chính cái tên này. “Vùng đồng đội” đã ra đời từ đó”, đạo diễn Hồ Nhật Thảo chia sẻ.
Đạo diễn Hồ Nhật Thảo (thứ ba, bên trái) cùng ekip thực hiện phim tài liệu “Vùng đồng đội”. Ảnh: NVCC |
Hình ảnh trong phim tài liệu quay tại các cao điểm 1015 và 1049, dòng sông Pô Cô và những ngọn đồi phủ đầy sương của núi rừng ở tỉnh Kon Tum đã gợi lên một không gian hùng vĩ, trầm mặc và in đậm dấu ấn lịch sử. Chính tại nơi này, nhà văn Nguyễn Trọng Luân đã chứng kiến Trung tướng Khuất Duy Tiến nhìn xuống dòng sông Pô Cô và bật khóc. Đó là giọt nước mắt của một người lính già về thăm lại chiến trường xưa sau hơn 40 năm, là giọt nước mắt nhớ thương đồng đội – những người đã hòa mình vào trong mảnh đất thiêng liêng này.
Với những thông điệp ý nghĩa, giá trị sâu sắc và nghệ thuật độc đáo, bộ phim “Vùng đồng đội” (do Ban Chuyên đề – Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam hợp tác với Đài PT&TH Phú Yên, Chi hội Điện ảnh Phú Yên sản xuất) đã đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần 42 – năm 2025, ở hạng mục phim tài liệu 1 tập. Phim tài liệu “Vùng đồng đội” đã được phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. |
Điểm nhấn của phim tài liệu “Vùng đồng đội” nằm ở chỗ không tập trung vào những trận đánh, mà xoáy sâu vào tình đồng đội thiêng liêng. Tình cảm ấy không chỉ tồn tại trong chiến tranh, mà còn mãi trong lòng những người lính trải dài suốt những năm tháng hòa bình. “Trong phim tài liệu này, tôi sử dụng thủ pháp rất đơn giản, đó là ký ức của những người chiến sĩ, khoảnh khắc mà họ chứng kiến những người đồng đội của mình lần lượt ngã xuống. Đó là những giây phút mà họ không thể quên, thậm chí nó trở thành một sự ám ảnh trong tâm thức người lính”, đạo diễn Hồ Nhật Thảo nói.
Đạo diễn Hồ Nhật Thảo đã chọn nhà văn Nguyễn Trọng Luân và nhà văn Khuất Quang Thụy làm người dẫn chuyện, bởi lẽ hai nhà văn này chính là những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại đây, cùng thuộc Sư đoàn 320. Cả hai nhà văn có vai trò giống như những người viết sử của sư đoàn. Cảnh quay nhà văn Nguyễn Trọng Luân và các cựu chiến binh của Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) thắp hương lên mộ liệt sĩ Đàm Vũ Hiệp tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy là thước phim đầy cảm xúc. Hình ảnh bàn tay lau dòng chữ khắc trên bia đá đã làm sống dậy ký ức về một thời máu lửa. Thời gian cuồn cuộn chảy qua nhưng ký ức về người đồng đội năm nào vẫn không phai mờ. Đặc biệt hơn nữa, phim tài liệu này dường như là nơi lưu giữ lại những hình ảnh cuối cùng của nhà văn Khuất Quang Thụy, bởi sau đó, ông đã từ giã chúng ta và về với đồng đội.
Sinh thời, nhà văn Khuất Quang Thụy là bạn học thân thiết thời phổ thông của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đàm Vũ Hiệp, hai người cùng quê. Họ từng hẹn nhau sẽ học Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng rồi cả hai xếp bút nghiêng để cầm súng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đạo diễn Hồ Nhật Thảo chia sẻ, khi thực hiện bộ phim này, sức khỏe của hai ông không tốt lắm. Tuy vậy, hai ông vẫn cố gắng trả lời phỏng vấn. Khi thể trạng không tốt mà họ vẫn lặn lội cùng tôi trên Tây Nguyên, để làm gì nếu không phải vì đồng đội? Hai nhà văn này được xếp vào tuyến nhân vật thứ nhất.
Mong muốn có thêm góc nhìn khác từ một thế hệ khác nhằm tạo nên một sự liên kết mới mẻ, đạo diễn đã chọn tuyến nhân vật thứ hai là con của các liệt sĩ – những người sinh ra đã không được gặp bố. Họ đã gặp nhau trong buổi gặp mặt của các cựu chiến binh Trung đoàn 64. Từ đây đạo diễn bộ phim như đưa ra minh chứng rằng, dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những sợi dây liên kết giữa thế hệ con cái của họ vẫn luôn tồn tại.
Những cảnh quay chuyên nghiệp, dàn dựng tinh tế và mang đầy dụng ý nghệ thuật đã khơi gợi cảm xúc, tạo nên không gian lắng đọng, làm vọng về những thanh âm từ quá khứ. Phim “Vùng đồng đội” kết thúc bằng mấy câu thơ của tác giả Khuất Quang Thụy: “trở về rồi hãy vui nhé Hiệp ơi/ dẫu có muộn vẫn là may mắn/ mẹ còn kịp vun nắm đất/ tấm áo cuối cùng cho bạn, bạn ơi”. Đó là lời khẳng định về tình đồng đội thiêng liêng rằng, chiến tranh có thể qua đi, những người lính có người còn, người đã về với đất mẹ, nhưng tình đồng đội thiêng liêng, tình người ấm áp sẽ còn sống mãi theo năm tháng, nối dài qua nhiều thế hệ. Đây cũng là nén hương mà ekip làm phim nói chung gửi đến những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó nhắc nhở thế hệ sau trân trọng sự hy sinh của những người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
NHẬT THANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202504/tac-gia-tac-pham-thanh-am-cua-vung-dong-doi-93912ab/