(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1971, khi vượt Trường Sơn vào tới B2 (chiến khu R) Nam Bộ, tôi đã nhẩm tính làm sao mình xin xuống được chiến trường đồng bằng. Đó là nguyện vọng lớn nhất của tôi. Các anh lãnh đạo Ban Binh vận rất thông cảm với nguyện vọng này, nhưng khuyên tôi phải chờ cơ hội.
Thế rồi, phải tập làm quen với chiến trường khi đang còn ở trên chiến khu. Tôi đã chấp hành quân lệnh, nhưng lòng luôn khắc khoải hướng về chiến trường đồng bằng, chỉ mong được mau chóng lên đường. Tâm trạng ấy được tôi thể hiện trong bài thơ “Những cánh rừng chưa tới” viết năm 1971, với những tưởng tượng về ngày mình được xuống đồng bằng.
Làm việc tại Đài Phát thanh giải phóng gần một năm rưỡi, tôi mới nhận được lệnh lên đường xuống đồng bằng. Đó là cuối chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, khoảng đầu tháng 9, tôi đã cùng đoàn công tác binh vận xuống Mỹ Tho.
Cuộc hành quân băng qua Đồng Tháp Mười của chúng tôi thật không dễ dàng. Vừa đi xuồng, vừa lội nước, đêm đi ngày nghỉ, phải một tháng rưỡi chúng tôi mới qua hết Tháp Mười. Đã 52 năm, bây giờ nghĩ lại thấy vui, nhưng hồi đó thì vất vả vô cùng. Đã vượt qua được Trường Sơn-núi, lại vượt qua được Đồng Tháp Mười mà tôi gọi là Trường Sơn – nước, tôi đã phần nào thỏa nguyện. Đi Trường Sơn – núi bị sốt rét là đương nhiên, nhưng đi Trường Sơn – nước tôi cũng bị sốt rét cách nhật. Dù cách đây hơn 50 năm, sau khi đi chiến trường Mỹ Tho về lại chiến khu, tôi đã viết bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”, trong đó có câu “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm”. Hồi ấy trẻ, nghĩ như vậy, bây giờ già, nghĩ khác đi, cũng bình thường.
Tháng 12 năm nay là “Tháng quân đội”, tôi luôn nhớ mình là người lính, dù không phải lính chiến đấu, nhưng vẫn là lính, tự nhiên lại nhớ ngày chiến tranh mình khát khao xuống chiến trường đồng bằng. Mình đã thực hiện được khát khao ấy, cũng nhờ vậy, mới trưởng thành được như bây giờ. Chiến tranh thì khốc liệt, nhưng khi mình thực sự vào cuộc, thì đó lại là cơ hội tốt nhất để trưởng thành. Khi đã tự trả lời được câu tự hỏi: “Đồng bằng ơi, người có phải thế chăng?”, tôi thấy mình tự tin hẳn, từng trải hẳn, và sẵn sàng chấp nhận nhiều điều, kể cả những điều không dễ chịu.
Những cánh rừng chưa tới
Những cánh rừng trăn trở mãi trong tôi
Là tiếng sóng ì ầm chiều mưa gió
Là khoảng trời cao tưởng chừng ngợp thở
Là đồng bằng xanh mút ánh ngày lên
Những vòm cây trầm lặng tỏa trong đêm
Những lối mòn trăng khuya in lốm đốm
Những cọc phụ trơn dấu người mắc võng
Những cánh rừng tôi đã đi qua
Gió ở đây – ôi cái gió xa nhà
Cồn cào thổi về phương mình chưa tới
Dòng sông lớn nước ròng trong giấc ngủ
Những mái dừa nghiêng xuống nỗi chờ trông
Dưới bóng cây ta nói chuyện với người trồng
Ăn chén canh là chén canh của má
Nằm bờ chuối chẳng còn nghe xa lạ
Mùi đất nồng như lịch sử ông cha
Lưỡi phảng bay nghiêng nắng sớm chói lòa
Thơ Đồ Chiểu ngút xanh rừng – lá – tối
Đêm sông nước ánh đèn câu bổi hổi
Và bãi bần đom đóm kết hoa đăng…
Đồng bằng ơi, người có phải thế chăng?
Nơi chưa sống sao đã thành kỷ niệm
Những dáng dấp cứ gần xa ẩn hiện
Bìm bịp kêu nước lớn… cuối rừng qua
Dẫu hôm nay bom xóa những ngôi nhà
Bông tràm trắng cháy trong tầm đại bác
Tiếng trực thăng át tiếng bầy ong mật
Đêm tàu soi thưa thớt ánh đèn câu
Má già hơn, khăn trắng bạc mái đầu
Bóng đồn bót còn đè ngang ngực thở
Ngày đen tối trái tim vùi tro lửa
Lớp trung kiên lột xác biết bao lần
Đồng bằng ơi, người có phải thế chăng?
Những địa hình vây bọc giữa lòng dân
Ngàn bó đuốc đêm – hoa – đăng – đồng – khởi
Trên nền cũ, má dựng ngày vui mới
Đón bầy con từ trăm ngả kéo về
Gió chướng tràn nước lớn chảy say mê
Xuồng giao liên nối hai bờ sớm tối
Bìm bịp kêu trắng hàng bông so đũa
Đồng bằng ơi, người có phải thế chăng?
Ôi chiều nay như gió cuốn cây rừng
Quân ta chuyển ào ào về dưới đó
Qua trảng trống qua màu xanh ngợp thở
Những – cánh – rừng – chưa – tới ngóng chờ ta.
1971
THANH THẢO
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202412/tac-gia-tac-pham-nhung-canh-rung-chua-toi-37017f0/