(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ ghi dấu trên thi đàn Việt Nam qua bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, nhà thơ Tế Hanh còn mang đến cho những người yêu thơ khu “vườn xưa” với rất nhiều cảm xúc. Nơi đó đã gắn bó với tuổi thơ và cả một thời trai trẻ với nhiều ước vọng của nhà thơ, ở đó còn có dòng sông quê dạt dào thương nhớ, khi ông đang sống và làm việc tại miền Bắc.
Bài thơ “Vườn xưa” được Tế Hanh viết từ năm 1957 và dù đã gần 60 năm đi qua, nhưng những tâm tình mộc mạc, chân chất màu quê, lắng sâu bao nhiêu là cảm xúc vẫn vẹn nguyên trong lòng người đọc. Và, hình như đấy là cách Tế Hanh để cho tâm hồn lãng mạn của ông thăng hoa trong mỗi vần thơ:
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh,/Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc./Hai ta ở hai đầu công tác,/Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Vườn xưa
TẾ HANH
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh,
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc.
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa,
Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu,
Một ngày xuân em trở lại nhà,
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh,
|
Trong chiều ký ức – hiện tại của nhà thơ, có hai hình ảnh sóng đôi gợi nhiều day trở. Phải chăng “bà mẹ già” sớm hôm tần tảo của ông đã nhận về mình sự tàn phai “tóc mỗi ngày mỗi bạc” để “mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh”? Nếu như “mẹ” và “mảnh vườn xưa” là những cảm thức lắng sâu thì “em” lại là câu hỏi thiết tha về ngày sum họp. Sự chia cách về không gian không còn là rào cản, có một sợi dây nghĩa tình bền chặt hiển hiện trong câu thơ cuối. Có một niềm khát khao và cả những tin yêu mãnh liệt nơi tâm hồn trong sáng, bình dị của Tế Hanh, khi nghĩ đến “vườn xưa”, trong những tháng ngày xa cách. Khổ thơ thứ hai kết thúc vẫn với câu hỏi đó, sau những ngẫm ngợi về tình cảnh “hai ta” qua những hình ảnh thơ thật gần mà cũng thật xa: “Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa,/ Như mặt trăng mặt trời cách trở,/ Như sao hôm sao mai không cùng ở…”. Cách nói ví von này tưởng như người trong cuộc tỉnh táo chấp nhận thực tại như một lẽ tự nhiên, song kỳ thực nó giấu kín biết bao nhiêu nỗi niềm sâu kín cùng những hy sinh lặng lẽ mà cao cả vô cùng.
Thời gian trôi qua, vẫn là chuỗi ngày “lệch pha” của hai người thương nhau ở “hai đầu công tác”: “Em theo chim em đi về tháng tám/ Anh theo chim cùng với tháng ba qua”. Dường như, những suy ngẫm của nhà thơ đã đến gần hơn với “mảnh vườn xưa” qua những mùa quen gợi nhiều kỷ niệm: “…sen mùa hạ, cúc mùa thu”, hồng tháng mười, nhãn tháng năm. Để rồi, từ đó, dậy lên bao niềm thương tha thiết:
“Một ngày xuân em trở lại nhà/ Nghe mẹ nói anh có về, anh hái ổi./ Em nhìn lên vòm cây gió thổi,/ Lá như môi thầm thĩ gọi anh về”.
Thật nhiều tiếc nuối, “ngày xuân em trở lại nhà” lại không phải là ngày anh về “hái ổi” nên em chỉ có thể tìm bóng hình anh nơi “vòm cây gió thổi” và trong phút giây mong nhớ ấy, những chiếc lá trên cây như đôi môi “thầm thĩ gọi anh về”. Câu thơ cuối thật đẹp, đẹp như tình yêu sâu nặng được gói ghém thật sâu trong nỗi lòng người xa cách. Thương quá chừng thương, khi:
“Lần sau anh trở lại một ngày hè,/Nghe mẹ nói em có về, bên giếng giặt./Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt,/Nước như gương soi lẻ bóng hình anh…”.
Và, vẫn thật nhiều tiếc nuối khi “anh trở lại một ngày hè” cũng không phải ngày “em có về, bên giếng giặt”, anh vội nhìn xuống “giếng sâu trong vắt” để tìm bóng hình em để rồi thẫn thờ trước thực tại “nước như gương soi lẻ bóng hình anh…”. Hai khổ thơ, hai nét tâm trạng đều được kết nối qua lời “mẹ nói”. Có mẹ nơi “vườn xưa”, cái khoảng cách giữa “hai ta” chỉ còn là không gian địa lý. Mẹ, chỉ có thể là mẹ mới giúp chúng ta neo giữ chữ tình với quê hương xứ sở, với ruộng lúa, bờ ao và những mảnh vườn xưa như thế.
Bài thơ khép lại bằng việc lặp lại khổ thơ thứ nhất, điểm nhấn vẫn là hình ảnh “mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh” và “bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc” cùng khát khao cháy bỏng của nhà thơ trong một câu hỏi nhẹ nhàng mà da diết rằng: “Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”.
“Vườn xưa” thực sự kéo người đọc ra khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại để được trở về với những giây phút bình yên trong tâm hồn…
TRẦN THU HÀ
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202501/tac-gia-tac-pham-khu-vuon-xua-cua-te-hanh-71311fa/