(Báo Quảng Ngãi)- “Lý Sơn yêu dấu” là tuyển tập thơ – văn thứ hai, sau tập “Biển gọi ta về” của Ban tuyển chọn gồm: Hồ Nghĩa Phương, Lucinda Nguyen, Trần Tín, Nguyễn Khiêm, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào cuối tháng 10/2024.
Tuyển tập gồm 81 tác giả ở Quảng Ngãi và một số tác giả ngoài tỉnh với nhiều thể loại: Truyện ngắn, bút ký, tạp bút, khảo cứu, thơ, bình thơ, tranh, ảnh nghệ thuật, nhạc… Các tác phẩm không chỉ thể hiện tình yêu sâu sắc của tác giả đối với đảo Lý Sơn, mà còn là tiếng lòng của những người yêu biển, đảo quê hương.
Bìa Tuyển tập “Lý Sơn yêu dấu”. Ảnh: PVH |
Tuyển tập “Lý Sơn yêu dấu”, đã mang đến cho người đọc những câu chuyện và góc nhìn phong phú về lịch sử, văn hóa của Lý Sơn. Qua bài “Lý Sơn và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” của TS Nguyễn Đăng Vũ, người đọc như được tận mắt nhìn thấy Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa với tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bút ký “Lý Sơn nhìn từ biển” của Hồ Nghĩa Phương lại mang đến cho người đọc những góc nhìn sâu sắc về Lý Sơn qua lăng kính văn học: “Trong lúc bình minh và hoàng hôn nhìn hai đảo trông thật lung linh, huyền ảo. Đâu đó những tàu thuyền đánh cá về neo đậu từng dãy rất sinh động, cánh hải âu và những loài chim biển khác chập chờn chao liệng khung cảnh nên thơ”. Tác giả miêu tả rất chi tiết và sống động về cuộc sống của con người nơi đây giúp người đọc như được hòa mình vào cuộc sống thanh bình, đầy tình yêu thương của người dân Lý Sơn. Đọc bút ký “Ngày hè trên đảo Lý Sơn” (Phạm Văn Hoanh), “Vòng quanh đảo Bé” (Trần Thu Hà) ta như được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng, những ngọn núi, con sóng vỗ bờ và cả lịch sử hào hùng, đời sống bình dị của người dân đảo Lý Sơn.
Trong mảng văn xuôi của tuyển tập này ngoài bút ký và tạp bút thì phải kể đến truyện ngắn. Nó như những lát cắt sinh động về cuộc sống và tâm tư của người dân Lý Sơn. Mỗi truyện ngắn như mang theo làn gió biển, vừa nhẹ nhàng, vừa êm dịu nhưng cũng đầy day dứt, khiến người đọc cảm thấy xúc động. Người đọc không cầm được nước mắt khi thấy cảnh chia tay của nhân vật Trang: “Trang đã khóc suốt trên quãng đường về. Nhưng nước mắt đâu có làm tan chảy được sự trống vắng và nỗi đau khổ quá lớn trong lòng Trang lúc này…” (Nhật ký người yêu – Lucinda Nguyen). Và cảm thấy xót xa khi người chị của nhân vật “nó” ra đi “Chị đã bỏ nó ra đi về cõi vĩnh hằng… những đồng tiền nó dành dụm để đem về tặng chị, bàn tay run run rơi lả tả như lá vàng rơi rụng chiều thu…” (Hoa cải vàng gió cuốn – Mai Duy Quý).
Tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu lứa đôi trong tuyển tập này không chỉ được thể hiện bằng văn xuôi, mà còn được thể hiện bằng thơ ca. Đa số là những bài thơ hay đã thể hiện sự sáng tạo với mỗi bút pháp riêng trong cách sử dụng và vận hành ngôn ngữ trong một nhạc điệu riêng của tâm hồn, để lại nhiều xao xuyến trong lòng người đọc. Có thể nói ngôn ngữ thơ trong tuyển tập này gắn liền với tâm thức đầy nỗi niềm của những người con xa quê mưu sinh nơi đất khách. Đọc các bài thơ “Đảo Lý yêu thương” (Lucinda Nguyen), “Không xa đâu nơi ấy rất gần” (Nguyễn Mậu Chiến), “Đất nước hình rồng” (Lê Sinh Dân), “Thăm Lý Sơn” (Hương Đài), “Đi về phía biển” (Hồ Nghĩa Phương), “Lý Sơn ngày về” (Hoàng Thân), “Xao xuyến Lý Sơn” (Phan Bá Trình)… ta sẽ thấy rõ điều đó.
“Chốn nghìn trùng ta có đảo yêu thương!/ Năm cụm núi đẹp như bàn tay mẹ/ Bão tố phong ba cùng người chia sẻ/ Giữ biển trời nối mãi biển bờ vui” (Đảo Lý yêu thương – Lucinda Nguyen). Lucinda Nguyen so sánh năm ngọn núi với bàn tay mẹ đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp phúc hậu của đảo Lý Sơn. Đảo Lý Sơn qua lời thơ của Lucinda Nguyen không chỉ có vẻ đẹp, mà còn là khát vọng tìm về trong khắc khoải nhớ thương của một người con xa quê.
Phải nói rằng, thơ của các tác giả như từng nhịp đập của một trái tim yêu biển, yêu đảo và yêu đất nước. Những tác phẩm này không chỉ là cảm xúc, mà còn là ký ức, là nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ cha… “Con về thăm mẹ một chiều đông/ Trong vòng tay mẹ thật ấm lòng/ Nhớ thuở xa xưa khi còn bé/ Hóng mẹ chợ về ra ngõ trông/ Bây giờ tóc mẹ như hoa bưởi/ Thân già gầy guộc tấm lưng cong/ Thương lắm mẹ ơi đời lận đận/ Mỗi độ đông về mẹ lại trông” (Về thăm mẹ – Nguyễn Khiêm).
Và còn rất nhiều những xúc cảm, những suy nghĩ, chiêm nghiệm thú vị trong tuyển tập này, xin mời bạn đọc hãy bước vào vườn thơ – văn “Lý Sơn yêu dấu” để cùng khám phá.
PHẠM VĂN HOANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202411/tac-gia-tac-pham-ban-tinh-ca-ve-ly-son-24e1593/