Ngư dân đánh bắt trên rừng rong biển ở xã Bình Châu tạo khung cảnh đẹp khi chụp bằng drone.
Bình Châu là một trong những xã biển nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi với hàng trăm tàu thuyền khai thác xa bờ. Ở gần bờ biển, hệ sinh thái dưới nước phong phú, với nguồn hải sản dồi dào từng được người Pháp ghi chép trong lịch sử.
Ngoài ra, cảng Sa Kỳ ở Bình Châu cũng là cửa ngõ để ra đảo Lý Sơn, hòn đảo du lịch nổi tiếng cả nước. Khu vực này cũng có nhiều vách đá núi lửa bên bờ biển cùng niên đại với đảo Lý Sơn. Địa danh Ba Làng An ở xã Bình Châu cũng là nơi đặt hải đăng ở cực Đông tỉnh Quảng Ngãi, nơi đất liền gần đảo Lý Sơn nhất.
Từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) dùng thuyền thúng khai thác rong biển và cá kình, mực ẩn nấp dưới rong. Trong ảnh là cảnh bủa lưới theo hình chữ V khi hai thuyền thúng đang phối hợp để bắt mực.
Sau khi bủa lưới, ngư dân sẽ dùng gậy đập xuống mặt nước để cá, mực hoảng sợ, chui vào lưới.
Khi đã đuổi mực đến điểm nút của lưới hình chữ V, ngư dân tiếp tục nhảy xuống biển để bắt cá giữa rừng rong.
Nghề bủa lưới có thể có một hoặc nhiều người cùng tham gia đánh bắt. Trong ảnh là một cặp vợ chồng ở thôn Châu Thuận Biển cùng bủa lưới đánh cá trên lớp rong biển xanh ngắt.
Trong khi đó, một nhóm khác có bốn người đi chung trên hai thúng để đánh bắt mực.
Ngư dân thu lưới để bẫy mực lượt tiếp theo.
Ngoài đánh bắt cá, mực, ngư dân còn khai thác rong. Mùa khai thác rong chỉ bắt đầu từ tháng 6 để rong biển và các loại sinh vật ngụ trong rong có thời gian sinh sản, sinh trưởng.
Trước khi cắt, ngư dùng lưới vây quanh để rong không bị trôi đi. Một kg rong biển giá khoảng 5.000 đồng. Mỗi ngày khai thác ngư dân có thể kiếm khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Các thúng khai thác rong khi nhìn từ trên cao như khung cảnh trong phim hoạt hình.
Duy Sinh