(Báo Quảng Ngãi)- Rạp chiếu phim Hòa Bình, đường Duy Tân là nơi không xa lạ với người dân thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi), đặc biệt là những người yêu thích điện ảnh trong giai đoạn 1975-1985. Nhưng rồi, từ nay về sau, cái tên này sẽ đi vào dĩ vãng…
Một thời hưng thịnh
Trước đây, rạp chiếu phim Hòa Bình có tên là rạp Kiến Thành, do ông Huỳnh Vân đầu tư xây dựng vào năm 1950. Ông Trần Văn Phú (72 tuổi), ở đường Lê Đình Cẩn (TP.Quảng Ngãi), là sui gia với gia đình ông Huỳnh Vân cho hay, năm 1965, cha mẹ ông đến thuê nhà ở gần rạp chiếu phim để bán nước. Khi đó, rạp chiếu phim lúc nào cũng đông đúc, rộn ràng nhất là thứ Bảy, Chủ nhật. Bên cạnh chiếu phim, rạp còn có các đoàn hát cải lương, chương trình đại nhạc hội, có cả đấu võ đài.
Rạp chiếu phim Hòa Bình trên đường Duy Tân (TP.Quảng Ngãi) đã xuống cấp, đóng cửa trong thời gian qua. Ảnh: Bảo Hòa |
Ngày ấy, gia đình ông Huỳnh Vân có một xưởng làm cà rem ở đường Ngô Quyền nên kinh tế rất khá. Có giai đoạn rạp chiếu phim Kiến Thành đông nghịt người xem, ông Huỳnh Vân đầu tư xây dựng rạp Mỹ Vân trên đường Nguyễn Nghiêm (sau này có tên là rạp 1 tháng 5) và một rạp mini khác trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1979, gia đình ông Huỳnh Vân đi nước ngoài, rạp chiếu phim được giao lại cho Nhà nước quản lý. “Thời đó ti vi chưa có, phương tiện giải trí rất hiếm hoi. Nhiều người từ khắp nơi về chen lấn vào rạp để được xem phim. Phim nào cũng đông, tôi nhớ nhất là bộ phim “Thằng Bờm” chiếu vào những năm 1988, 1989. Đặc biệt, rạp chiếu nhiều bộ phim về tình yêu đất nước rất cảm động, nhiều người xem rơi nước mắt”, ông Phú nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (89 tuổi), nhà ở đối diện rạp Hòa Bình kể, ngày trước, vào thứ Bảy, Chủ nhật, người dân từ khắp nơi cưỡi xe đạp đến xem phim từ sáng đến tối. Họ xếp hàng từ cửa rạp cho đến bên này đường, ngay trước nhà tôi. Tôi có 5 người con, thời đó, tôi làm nghề bán kem, chè… Quán chè, kem đông khách đến nỗi tôi ước chừng mình có thể đủ sức nuôi đến 10 người con. Ngày ấy, khu vực này rất sầm uất.
Những ký ức khó quên
Với nhiều người, xem phim trong rạp Hòa Bình là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tuổi thơ. “Thời còn nhỏ, mỗi lần vào mùa hè, niềm vui lớn nhất của tôi là được đi bắt cá và xem phim. Năm 1986, tôi biết đến rạp chiếu phim Hòa Bình. Tôi mê được vô rạp xem phim, nhưng làm gì có tiền mua vé. Tôi cứ đứng bên ngoài rạp chờ, đến khi mỏi chân thì ngồi xuống ngay phía trước cửa. Các cô chú soát vé thấy thương tình cho tôi vào xem. Dù chỉ xem được nửa bộ phim, nhưng tôi vui lắm, nhớ mãi”, ông Huỳnh Hữu Thành (48 tuổi), ở tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) kể.
Ông Thành còn nhớ từng được xem nhiều bộ phim Việt Nam nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Mùa nước nổi… “Phim Việt Nam thời đó rất hay, cả nội dung lẫn dàn diễn viên đều ấn tượng. Tôi ngồi xem cảm giác tự hào, xem xong còn về kể lại cho người nhà nghe. Thỉnh thoảng tại rạp chiếu phim có tuần lễ phim lịch sử chiếu miễn phí cho người dân. Có giai đoạn rạp chiếu phim Tây du ký, tập nào cũng đông người đến xem”, ông Thành nhớ lại.
Bà Võ Thị Liễu (68 tuổi), ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) từng là nhân viên làm việc ở rạp chiếu phim Hòa Bình. Những ký ức về rạp chiếu phim luôn đọng lại trong bà. Bà Liễu kể lại, thời vàng son của rạp chiếu phim chính là sau giải phóng, Nhà nước tiếp quản rạp chiếu phim, nhất là giai đoạn 1975 – 1985. Thời đó các bộ phim sản xuất trong nước rất thịnh hành, thu hút khách đến rạp Hòa Bình. Không chỉ góp phần phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người dân, mà rạp chiếu phim còn đóng góp vào ngân sách nhà nước. Trước đây, TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) và các huyện đều có đội chiếu bóng lưu động nhưng rạp Hòa Bình được nhiều người biết đến vì ở khu vực trung tâm và ra đời sớm nhất. Ngày đêm dòng người tấp nập, chen chúc nhau đến xem các bộ phim như Chị Tư Hậu, Rừng xà nu… Các bộ phim có những cảnh quay tại Quảng Ngãi như Mùa rau muống biển, Huyền thoại mẹ và các bộ phim có diễn viên người Quảng Ngãi đóng, được nhiều người yêu thích.
Sau này, các loại băng đĩa cho thuê thịnh hành; phương tiện nghe nhìn, ti vi phổ biến, nhiều người thuê băng đĩa về mở xem với cả gia đình. Theo thời gian, nhu cầu thị trường, thị hiếu người xem thay đổi bởi các thiết bị điện tử ngày càng thông dụng, rạp chiếu phim dần vắng khách. Rạp chiếu phim Hòa Bình đóng cửa suốt nhiều năm qua. Mới đây, rạp chiếu phim Hòa Bình được đưa ra bán đấu giá thành công với số tiền 33 tỷ đồng, thời hạn sử dụng 49 năm.
BẢO HÒA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: