Để xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế và gỡ “thẻ vàng” của EC, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân được xem là một trong những yếu tố then chốt.
Chuyển biến tích cực
Với hàng loạt giải pháp của ngành chức năng và các đơn vị liên quan, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chống khai thác IUU, nhận thức của ngư dân Quảng Ngãi trong bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên thủy hải sản dần thay đổi theo hướng tích cực.
Ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
Bà con ngư dân đã hiểu rất rõ về tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Đi trong vùng biển Việt Nam thôi, không ra vùng biển nước ngoài. Tàu có trang thiết bị đầy đủ, bật giám sát hành trình, đánh bắt theo vùng biển quy định. Nếu vi phạm thì gặp rất nhiều hệ lụy, bị nước ngoài bắt sẽ phạt, còn về nước thì cũng bị giam bằng, không cho hoạt động…”- Ngư dân Nguyễn Thành Linh, chủ tàu QNg 90929TS chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc khai báo nguồn gốc hải sản khai thác cũng được các chủ tàu và thuyền trưởng thực hiện nghiêm. Hiện nay, phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi khi trở về bán sản phẩm đã cập vào 5 cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để bán sản phẩm.
Ngư dân cân cá ở cảng.
“Tàu của tôi chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Nếu khai thác, đánh bắt bất hợp pháp thì không thể xuất khẩu nên phải chấp hành nghiêm các quy định. Tôi cũng mong các ngư dân tuân thủ tốt, không khai thác trái phép để sớm gỡ được “thẻ vàng”, khi đó đời sống của bà con sẽ được nâng lên”- Ngư dân Đinh Văn Bảy (thuyền trưởng tàu cá QNg 98240 TS) cho hay.
Hàng ngày, trên các cảng cá đều có nhân viên Ban quản lý túc trực thường xuyên để kiểm tra giấy tờ của chủ tàu đánh bắt xa bờ về cập cảng bán sản phẩm. Những tàu cá thực hiện đúng quy định mới cho bốc dỡ cá.
“Khi kiểm tra máy giám sát, nếu tàu vi phạm thì không được vào cảng. Những tàu thực hiện đúng quy định đánh bắt đúng vùng, đúng tuyến thì cho vào bốc dỡ hàng. Các thủ tục, giấy tờ được làm nhanh gọn. Chúng tôi cũng nhắc nhở bà con ghi nhật ký cho chính xác kinh độ, vĩ độ”- ông Lương Thái Tân- Nhân viên Ban Quản lý cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) chia sẻ.
Tuyên truyền là nhiệm vụ xuyên suốt
Với quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU, từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU từng năm cũng như giai đoạn 2023-2025.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh này tập trung triển khai thực hiện đạt khá hiệu quả, thực chất, đó là việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá và xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm chống khai thác IUU.
Theo Trung tá Lâm Văn Viễn- Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, khi phương tiện vào thì trạm kiểm soát biên phòng sẽ có trách nhiệm thông báo cho ban quản lý cảng để nắm theo dõi phương tiện đó có vào cảng cân cá hay không.
Nếu tàu đó không vào cảng cân cá thì biên phòng và ban quản lý cảng sẽ phối hợp tuyên truyền chống khai thác IUU cho bà con ngư dân. Công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ xuyên suốt và không có điểm dừng.
Công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, không có điểm dừng.
“Ngoài việc tuyên truyền tại các hội nghị của các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng, chúng tôi còn huy động những ngư dân đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài tham gia chia sẻ về những sai lầm, bài học kinh nghiệm của bản thân. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của bà con ngư dân trong quá trình hành nghề trên biển cũng như thấy được những hệ lụy khi vi phạm các quy định chống khai thác IUU”- Trung tá Viễn cho hay.
Hiện, toàn bộ 4.233 tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi đều đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia. Những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều được theo dõi chặt qua hệ thống giám sát nghề cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối giám sát hành trình trên tàu cá.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đều đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia.
Dự kiến tháng 6 năm nay, Đoàn thành tra của EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5. Cùng với các tỉnh, thành ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.
“Đến nay, Quảng Ngãi đã cơ bản kiểm soát, ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Công tác quản lý tàu cá ngày càng chặt chẽ, số lượng tàu cá giảm dần theo hướng giảm cường lực khai thác thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết:
Hà Phương