Cách đây 18 năm, cơn bão Chanchu quét qua vùng biển miền Trung, hàng trăm người mẹ mất con, hàng chục phụ nữ mất chồng để lại nhiều góa phụ, cha mẹ già và hàng chục đứa bé bơ vơ cùng nỗi đau chồng chất. Đã chừng ấy năm đau thương, mất mát, cuộc sống những người phụ nữ làng chài xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã trở lại quỹ đạo bình thường, mặc dù nỗi đau thì vẫn còn đó…
Ngày 17.5.2006, cơn bão Chanchu bất ngờ đổi hướng, gây cảnh tang thương cho gia đình hàng trăm ngư dân miền Trung khi đang đánh bắt trên biển. Mười tám năm qua đi, nước mắt đã khô trên đôi mắt những người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi nơi có 23 ngư dân nằm lại giữa biển khơi, nỗi đau Chanchu đã lùi lại, để sự sống được hồi sinh.
Bà Nhanh ngồi bên quán bánh xèo kể lại kí ức năm xảy ra cơn bão Chanchu
Bà Đinh Thị Nhanh (66 tuổi), xóm 3, thôn Tân An, xã Nghĩa An có ba người con trai ra khơi, cùng đi có chú ruột của các anh. Thế nhưng, bà Nhanh không ngờ lần dặn dò con ra khơi đó là lần cuối thấy dáng con. Mỗi ngày, bà vẫn hy vọng rồi một ngày những đứa con sẽ trở về, biết đâu con mình trôi dạt vào bờ biển nào đấy rồi quên mất tên cha mẹ hoặc ai đó đã nhận nuôi con mình. Những tưởng kỳ tích sẽ đến, nhưng hy vọng ấy cũng dần tan biến cùng bọt biển.
Gia đình bà Nhanh có 4 con trai và 2 con gái. Nhà đông con nên bà Nhanh cố gắng tích góp, vay tiền để sắm tàu cá QNg 7053 TS cho các con cùng ra khơi kiếm kế sinh nhai. “Mỗi chuyến biển thường kéo dài 1 tháng hơn, lần đó, tôi chuẩn bị nhiên liệu, đồ ăn, nước uống… để các con đi. Như thói quen, từ lúc nhổ neo xuất bến, tôi vẫn thường nhìn theo dáng tàu, các con tôi dặn Má đi về đi…”, bà Nhanh nghẹn ngào.
Khi nghe tin bão Chanchu trên biển, bà Nhanh lo lắng, chạy đi tìm, nhờ người kết nối với bộ đàm ngoài khơi nhưng trên tàu không ai nghe máy. Chiếc tàu 11 ngư dân đã bị sóng biển nhấn chìm khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ trở về đất liền. Tin báo đến với bà Nhanh như cơn bão biển trong lòng, bà hoang mang rồi ngất đi. Những cuộc tìm kiếm vô vọng kéo dài suốt nhiều ngày, nhiều tháng…
Bà Hà nhìn ảnh con trai rồi nghẹn ngào rưng rưng nước mắt
Cách đó không xa là nhà bà Lương Thị Hà (71 tuổi) cũng có một người con trai đi biển trên tàu QNg 7053 TS, mất trong cơn bão Chanchu. Bà Hà nhớ lại: “Năm đó con tôi mới 26 tuổi, chỉ chờ chuyến biển đó về sẽ hỏi vợ cho con, nhưng rồi cơn bão đã cướp đi sinh mạng của con tôi và các ngư dân đi cùng. Sau khi biết tin, tôi cứ chạy miết ra sông, ra biển tìm kiếm nhưng không thấy dấu vết nào…”.
“Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”, mất chồng, những người phụ nữ ở làng chài xã Nghĩa An vừa làm cha, vừa làm mẹ, vất vả nuôi con trưởng thành, nhưng thiệt thòi khi thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình không dễ gì bù đắp. Chị Nguyễn Thị Chèo (47 tuổi) mất chồng cũng trong bão Chanchu, lúc đó chị có 2 đứa con, đứa mới 3 tuổi, đứa còn đang bế trên tay. Không chỉ mất chồng, chị Chèo còn mất 3 người anh em ruột và 1 cháu ruột.
“Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, tôi lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia”, chị Chèo bộc bạch.
Sau nỗi đau, bà Nhanh dần ổn định và chấp nhận gia đình mất đi 3 người con trai, đối diện với gánh nặng kinh tế, bà Nhanh kể: “Chồng tôi cũng đi biển gần bờ nhưng kể từ sau khi 3 đứa con mất, ông cũng bỏ nghề biển luôn, ông cũng trở nên trầm tính, chẳng thiết tha đi đâu, kể cả qua nhà họ hàng, người thân. Tôi vừa lo trả nợ vay tiền mua tàu, vừa cho lo gia đình”.
Những người phụ nữ làng chài Nghĩa An quây quần, gắn bó cùng nhau chia sẻ vươn lên trong cuộc sống
Cùng với nguồn lực tài chính, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến để tạo việc làm cho các chị em phụ nữ mất chồng trong bão Chanchu. Sự chia sẻ, động viên và giúp đỡ của xã hội đã tiếp thêm nguồn lực tinh thần để các chị, các mẹ vượt lên nghịch cảnh, vượt qua số phận. Với sự nỗ lực của bản thân, những “phụ nữ Chanchu” đã đứng vững trên đôi chân của mình. Niềm hy vọng lớn nhất của các chị là nuôi dạy con ăn học nên người.
Bà Phạm Thị Voan (73 tuổi) xóm 3, thôn Tân An, xã Nghĩa An kể: “Ngày đó, bà Nhanh ngất lên ngất xuống, tôi đã chạy đi khắp nơi vận động, kêu gọi mọi người giúp đỡ gia đình bà Nhanh, rồi người trong làng xã biết chuyện đến cho gạo, cho tiền, cho con cá để gia đình có bữa ăn qua ngày”.
Thấm thoát đã 18 năm trôi qua, quán bánh xèo trước nhà bà Nhanh cũng trở nên đông đúc, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình bà từ 5 năm qua. Hiện 2 người con gái đã có gia đình, con trai út trở thành chàng sinh viên, bà Nhanh nói: “Con trai út của tôi thấy ba nó cứ quanh quẩn trong nhà nên đã mua cho ông vài con chim cảnh vui cửa vui nhà”.
Gia đình bà Lương Thị Hà cũng dần ổn định cuộc sống. Bà Hà chia sẻ: “Chồng tôi đi ghe lưới gần bờ kiếm bữa ăn qua ngày, còn con trai út cũng đi biển. Ban đầu, khi con trai út quyết định đi biển, tôi cũng lo lắng nhưng nghe nói bây giờ thiết bị, máy móc hiện đại hơn, dự báo thời tiết cũng chính xác hơn. Thôi thì sống ở biển thì cũng phải bám biển…”.
Xã biển Nghĩa An hôm nay
Những đứa trẻ gái, trẻ trai lớn lên cùng biển rồi yêu thương nhau nên vợ nên chồng và cùng chọn con đường mưu sinh của bao đời cha ông truyền lại. Dẫu có nhiều gian nan, nhưng ngày nay với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, những tàu cá nhỏ đang dần chuyển đổi thành những tàu cá lớn, thông tin liên lạc trên biển ngày càng hiện đại hơn, mọi nỗi băn khoăn về những cơn bão biển đã dần được đẩy lùi. Ngư dân Nghĩa An vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi.
“Dù biển cả có nghiệt ngã thế nào, những người đàn ông nơi đây vẫn bám biển vươn khơi. Và những người đàn bà miền biển này vẫn phải gắn cuộc đời với nỗi âu lo và nghị lực phi thường. Với họ, nghị lực ấy đã trở thành bản năng sống”, bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết.
Như Đồng