(Báo Quảng Ngãi)-Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là biện pháp nhằm giảm thiểu tác động gây bất lợi cho cây trồng, ngăn chặn dịch hại bùng phát, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Cách đây 4 năm, ông Võ Văn Hoàng, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) triển khai trồng xen canh các loại cây ăn quả như bưởi, mít, cam, quýt… trên diện tích hơn 1ha, đồng thời đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Ông Hoàng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt nên các loại cây trồng cho năng suất cao. Ngoài ra, ông Hoàng còn có thêm nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch trải nghiệm, với điểm nhấn chính là trồng dâu nuôi tằm.
Người trồng ớt trên địa bàn xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng tích cực áp dụng các biện pháp canh tác mới, đảm bảo sản phẩm “sạch, an toàn”. Vì vậy, giá trị sản xuất ớt trên địa bàn xã ngày càng gia tăng, nhiều cánh đồng đạt từ 250 – 300 triệu đồng/ha, riêng vùng trồng ớt tại xứ đồng Mã Quý, thôn Mỹ Huệ 2 đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường nội địa. Người dân tham gia sản xuất tại khu vực được cấp mã số vùng trồng phải tuân thủ các quy định, nhất là quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đó là phải dùng loại thuốc trong danh mục cho phép, phun đúng thời điểm, đúng tần suất và đảm bảo thời gian cách ly để bảo vệ sức khỏe cho cây trồng và người sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, phải ghi chép nhật ký nhập vật tư, nhật ký canh tác, sử dụng thuốc BVTV.
Đầu tư công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Trình diễn mô hình phun thuốc bằng thiết bị không người lái tại cánh đồng xã Đức Tân (Mộ Đức). Ảnh: T.P |
Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Tiến Quang cho rằng, người dân lo ngại nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhưng nếu vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn để được cấp mã số vùng trồng thì khâu tiêu thụ sẽ được giải quyết. Do đó, xã khuyến khích người dân không mở rộng diện tích trồng ớt, mà tập trung đầu tư và áp dụng các biện pháp chăm sóc cây ớt để gia tăng năng suất và chất lượng trên cùng diện tích. Qua đó, ổn định sản lượng khoảng 2.700 tấn ớt/năm, hướng đến thị trường xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án IPHM đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đề ra đến năm 2030, phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả… được áp dụng IPHM; trên 80% số xã có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 5 nông dân nòng cốt/xã, phường) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM; giảm 30% lượng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ, tăng 30% thuốc BVTV sinh học. Có trên 90% số xã, phường có sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng quy định; ít nhất 80% xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án IPHM, trước mắt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về IPHM cho người dân qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất, nhất là sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tăng cường nguồn lực phát triển IPHM, gắn với rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án sản xuất có liên quan…
THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202411/quan-ly-suc-khoe-cay-trong-tong-hop-2e56f0c/