(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có ba ngọn núi đều bắt đầu bằng chữ “Thiên”, cùng nằm trong TP.Quảng Ngãi. Đó là Thiên Ấn, Thiên Bút và Thiên Mã. Dựa vào hình dáng của núi mà người ta đặt tên, mỗi ngọn núi đều mang một ý nghĩa, vừa đặc tả lại vừa như gửi gắm chút hồn thiêng vào đó. Núi Thiên Mã cũng vậy. Từ ngọn núi này, phóng tầm mắt về đâu ta cũng chạm vào vẻ đẹp nên thơ của một vùng mây nước cuối sông Trà Khúc.
Thiên Mã mãi bên này sông
Thiên Mã – dãy núi phân định ranh giới giữa hai xã Tịnh Khê và Tịnh Long. Sẽ không có gì đặc biệt nếu dãy núi này không mang dáng hình của một con tuấn mã, đầu của nó hơi ghếch lên như chuẩn bị tung vó vượt sông Trà Khúc. Hình dáng ấy được tạc vào câu ca dao của người dân làng Mỹ Lại, xã Tịnh Khê: “Chừng nào Thiên Mã sang sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu”. Ý nói đến sự hiếu học của vùng đất này.
Sông Trà Khúc (đoạn qua cầu Cổ Lũy).
Ảnh: HỮU THƯ
Thiên Mã thì chẳng bao giờ “sang sông” được nên thời nào làng Mỹ Lại cũng có người đỗ đạt làm quan. Khai khoa cho phủ Quảng Ngãi là Trương Đăng Quế, người làng Mỹ Lại. Trương Đăng Quế đỗ hương tiến, khoa Kỷ Mão (1819), là danh thần của 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông còn là thầy dạy vua Thiệu Trị cùng một số quý tộc nổi tiếng Triều Nguyễn như Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương. Hậu duệ của Trương Đăng Quế có nhiều người làm cách mạng từ rất sớm và trở thành những nhà lãnh đạo nổi tiếng trong tỉnh. Tiêu biểu có ông Trương Quang Giao, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Không biết ngọn núi án ngữ phía tây nam của làng Mỹ Lại có ảnh hưởng gì đến “đất học” của xứ sở này không mà nơi đây luôn sinh ra những bậc tài danh như đã kể? Chỉ biết rằng, thời nào xã Tịnh Khê cũng đóng góp cho đất nước những người con ưu tú.
Ba bề sông nước
Trước khi nhập vào biển cả bao la, sông Trà Khúc rẽ ngoặt thành hai chi lưu có tên Kinh Giang ở phía bờ bắc và một chi lưu khác ở phía bờ nam có tên Phú Thọ. Nhìn từ Thiên Mã, hai chi lưu này tựa hai cánh tay giang rộng ra như muốn ôm hết mọi dữ dằn mà dòng sông Trà Khúc từng băng qua bao ghềnh thác suốt hành trình hơn 130km để về với biển. Kinh Giang chạy ngang qua làng Sơn Mỹ, chia cắt ngôi làng xinh đẹp này với Biển Đông bằng những rừng dừa nước xanh tốt quanh năm. Nơi đây từng chở che du kích trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, giờ là nơi du khách tìm về để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Nếu ngành du lịch biết khai thác tốt “của trời cho” này, thì rừng dừa nước Tịnh Khê thu hút du khách chẳng kém gì rừng dừa nước nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam).
Kinh Giang nối từ sông Trà Khúc ra cửa Sa Kỳ thành dòng sông chuyên chở những sản vật từ biển lên nguồn, rồi từ nguồn về biển suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này. Đây cũng là dòng sông từng cưu mang bao phận người quanh năm chỉ biết gắn bó đời mình cùng sông nước. Những con cá, con tôm tươi ngon là nguồn sống bao đời nay của người dân vùng quê này.
Ở phía bờ nam sông Trà Khúc, dòng sông Phú Thọ – đối xứng với Kinh Giang bên bờ bắc, cũng từng là nơi mà các thương thuyền xuôi ngược để về đỗ bến tại sông Vực Hồng – thương cảng nhộn nhịp một thời của phố cổ Thu Xà. Nếu như sông Trà Khúc bồi đắp bãi bờ phù sa cho những cánh đồng màu mỡ ven sông, thì Phú Thọ và Kinh Giang lại cho con người những loài hải sản nước lợ trở thành đặc sản.
Tựa vào Thiên Mã
Trên núi Thiên Mã giờ có thêm một ngôi chùa mà khi hoàn thành, có thể nói rằng, không nơi nào ở miền Trung có được về quy mô lẫn cảnh quan. Ngôi chùa mang tên một vị sư nổi tiếng: Minh Đức – vị sư trụ trì chùa Long Bửu, huyện Nghĩa Hành.
Hòa thượng Thích Tâm Vị, người đang cai quản chùa Minh Đức nói rằng, ông từng đi khắp các tỉnh Duyên hải miền Trung để tìm vị trí xây ngôi chùa như tâm nguyện của ông với sư thầy của mình là hòa thượng Thích Minh Đức lúc còn sống. Xây dựng chùa Minh Đức trên núi Thiên Mã là cái duyên, vì ông sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Long, dưới chân Thiên Mã nhưng cho đến gần cuối cuộc đời, ông mới “nhìn ra” chỗ đắc địa này để ngôi chùa tọa lạc.
Khó có nơi nào mây nước hữu tình như vị trí mà chùa Minh Đức đang có. Đây là ngôi chùa có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam với trên 125m so mặt biển. Với lối kiến trúc độc đáo, chạm trổ tinh xảo trên từng bức tường, từng phiến đá, chùa Minh Đức không chỉ quy mô về không gian linh thiêng để cho phật tử tìm về mà còn là nơi để du khách đến chiêm bái. Hiện trên dãy núi Thiên Mã, nhà chùa đã trồng 6ha cây phong linh – một loài cây cho hoa vàng rực rỡ vào dịp cuối xuân đầu hạ. Ngoài cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, ở cuối dòng sông Trà Khúc còn có cầu Cổ Lũy nên thơ. Đây sẽ là điểm dừng chân của khách thập phương mỗi dịp đến Quảng Ngãi một khi Khu Văn hóa Thiên Mã và chùa Minh Đức hoàn thành trong một ngày không xa.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202501/nhin-tu-thien-ma-9b22054/