(Báo Quảng Ngãi)- Là vùng đất có phong cảnh nên thơ, độc đáo, giao thông thuận lợi, cùng với sự tận tình định hướng, giúp đỡ của cán bộ địa phương, đồng bào Ca Dong, ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), đã và đang cùng nhau làm du lịch cộng đồng.
Từ trung tâm huyện Sơn Tây, theo đường Trường Sơn Đông về xã Sơn Long chừng 5km, tới ngã ba Cà Rá U Sầu rẽ vào con đường bê tông sẽ dẫn tới thôn Ra Manh. Ở đoạn cuối con đường là nhà cửa san sát của cư dân địa phương và bến thuyền của hồ thủy điện Đăkđrinh. Nhiều năm nay, đây là khu vực được giới du lịch “phượt” chọn làm điểm dừng chân, ngắm cảnh, thưởng thức sản vật của đồng bào sinh sống trong làng. Từ đó, hình thành nên địa chỉ “du lịch cộng đồng Ra Manh” đầy thú vị. Nhận thấy được tiềm năng này, UBND xã Sơn Long đã triển khai hỗ trợ các hộ ở thôn Ra Manh thực hiện mô hình du lịch cộng đồng bài bản, quy củ hơn…
Trưởng thôn Ra Manh Đinh Thị Hạnh là người đã đi từng ngõ, gõ từng nhà ở thôn Ra Manh để động viên người dân làm quen với du lịch cộng đồng. Là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên tại Ra Manh, trẻ tuổi, xinh xắn, lại là người có học vấn cao, nên khi chị Hạnh khuyên nhủ, người dân đều vui vẻ lắng nghe, làm theo. Chị Hạnh phân tích những lợi thế sẵn có mà thiên nhiên đã ban tặng cho thôn, như dòng suối trong xanh, hồ thủy điện đẹp như viên ngọc bích. Đặc biệt là, những thửa ruộng bậc thang quanh chân đồi đẹp như tranh vẽ… Tuy nhiên, như thế chưa đủ để làm nên một mô hình du lịch cộng đồng.
Đường về thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) được tô điểm với nhiều sắc hoa. |
Chị Hạnh chia sẻ, khi đã làm du lịch cộng đồng, đón tiếp người dân ở nơi khác về với làng, thì nhà cửa phải sạch sẽ, có nơi ăn ngủ đàng hoàng, có khu vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người dân làng phải biết giao tiếp, nấu những món truyền thống ngon và hợp vệ sinh. Trong vườn phải nuôi sẵn gà, heo, trồng rau và các loại cây ăn quả… Cái này người làng phải từng bước thực hiện. “Mấy năm nay, mình cùng những người trẻ năng động của thôn và lãnh đạo xã Sơn Long luôn tận tình giúp đỡ người dân. Kết quả là đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách làm du lịch ở mỗi gia đình”, chị Hạnh cho biết.
Đầu tháng 8/2024, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị cùng người dân thôn Ra Manh. Ấn tượng đầu tiên là con đường dẫn về thôn được bê tông khang trang, 2 bên ngập tràn hoa nở. Lưu trú lại thôn, chúng tôi chọn dừng chân tại ngôi nhà của vợ chồng anh Đinh Văn Sơn. Trong nhà đầy đủ công trình vệ sinh, phòng khách sạch, đẹp, khu vực nấu ăn rộng, gọn gàng, chiếu gối xếp ngăn nắp. Sau lưng nhà là ruộng bậc thang uốn lượn theo chân đồi nằm cạnh dòng suối trong xanh. Trước nhà là vườn cau lâu năm thẳng tắp, xanh rì…
Chị Hạnh bảo, trong thôn hiện có 25 hộ nuôi gà bản địa với số lượng lớn. Cá có thể đánh bắt ở lòng hồ thủy điện và các con suối trong xã. Củ mì trên rẫy, măng vót trong rừng. Nếu đông khách và được báo trước, thì người dân sẽ chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống. Đó là chưa kể, du khách sẽ được thưởng thức múa hát cồng chiêng hay trải nghiệm thịt heo bản địa chế biến theo cách truyền thống.
Hy vọng rằng, với sự đồng tâm hiệp lực của người dân và chính quyền địa phương, thôn Ra Manh sẽ phát triển dịch vụ du lịch ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đậm bản sắc của dân tộc Ca Dong…
Bài, ảnh: THANH HUYỀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-son-tay/202409/nguoi-ca-dong-lam-du-lich-cong-dong-0b05ad9/