(Báo Quảng Ngãi)- Con sông xanh biếc ngày hè với những con thuyền câu lững lờ, ngọn núi mờ xa tận hun hút trời mây, tiếng sóng từ biển đêm đêm vọng về trong giấc ngủ là những gì mà mỗi con người đều mang theo mình đi suốt cuộc đời, từ thuở ấu thơ cho đến tuổi bạc đầu.
Con sông ấy hiện ra trong lời hát ru của mẹ, ngọn núi ấy chập chờn trong câu hát của bà, tiếng sóng biển kia bất chợt vọng vào lòng ta mỗi khi ngang qua ngõ nhà ai, vẳng nghe tiếng ru cháu, ru con.
Trong lời ru của bà, của mẹ, thiên nhiên không chỉ là những gì nhìn thấy giữa đất trời, mà cùng với đó là đời sống tâm hồn phong phú của con người, những tâm tình cùng ký ức, ước mơ.
Bình minh trên biển. |
Trong nhiều ngọn núi, con sông, cửa biển đã được biết bao nhiêu tao nhân mặc khách làm thơ đề vịnh như Thiên Ấn, Thiên Bút, Trà Khúc, Trà Câu, Mỹ Á, Sa Kỳ… Bà mẹ quê, không có thời gian nhàn tản để mà ngâm vịnh mà chỉ kể bằng câu hát nôm na về ngọn núi quê nhà với đứa con thơ dại của mình để tỏ niềm tự hào, hay giãi bày tâm sự. Mỗi ngọn núi hiện diện trong lời ru như mang theo một mảnh tâm hồn của người dân quê Quảng Ngãi. Này là núi Thình Thình, gắn với ngôi chùa cổ kính và câu chuyện huyền thoại về khoảnh đất thiêng nhà Phật: “Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/ Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm/ Vì đâu nên tiếng, nên tăm/ Để cho mảnh đất nghìn năm thình thình!”
Quảng Ngãi có 4 sông chính chảy qua, đều theo hướng tây – đông là sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu, cùng với đó là hàng trăm phụ lưu, chi lưu, hàng ngàn suối khe, kênh rạch, ao đầm, hình thành một mạng lưới sông nước chằng chịt từ miền núi, qua trung du, đổ xuống đồng bằng rồi ra đến biển.
Ai đó đã nói rằng luôn có một dòng sông chảy qua cuộc đời của mỗi con người. Điều đó càng đúng với mảnh đất và con người miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Sông Trà Bồng xanh biếc, nghiêng nghiêng hàng tre soi bóng trong thơ Tế Hanh; con nước Vực Hồng lặng lẽ trôi như ngày qua chầm chậm trong thơ Bích Khê; dòng Trà Khúc, phía hạ lưu, bồi hồi bóng trăng, hiu hiu ngọn gió thấm đẫm nỗi buồn thế sự trong thơ Trương Đăng Quế. Không quá nặng suy tư, không vương đầy xúc cảm, con sông ca dao yên bình chảy qua những miền quê Quảng Ngãi, mang theo niềm vui, nỗi buồn của những người nông dân sớm khuya lam lũ: “Sông Trà sát núi Long Đầu/ Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa/ Núi Long Đầu lưu danh hậu thế/ Chùa Thiên Ấn ấn để hậu hoàng/ Ai về xứ Quảng cho nàng về theo”.
Dòng sông là nơi những chuyến đò ngang qua lại đi về, những bạn ghe kinh ngược xuôi trên nguồn, dưới biển, con nước theo mùa mưa nắng đầy vơi. Phải chăng vì vậy mà người ta thường có những tâm trạng khác nhau, lắm lúc trái chiều khi nhắc đến dòng sông, bến nước. Người này trong lòng ấp iu hy vọng khi mái chèo khỏa nước đưa con thuyền xuôi ra phía biển. Người kia lại thẫn thờ khi ở lại, nhìn cánh buồm đưa ai đó ngược dòng sông về tận thượng nguồn.
Khi người mẹ hát lên câu hát ru con, cũng chính là lúc bà ấy tự ru mình, gửi trong đó bao nhiêu vui buồn, thế sự.
Mặc dù ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa quý báu được trao truyền bao đời, nhưng trong nhịp sống hiện đại, hối hả hôm nay, để bảo tồn, phát huy những lời ru là điều không hề dễ dàng. Cùng với sự giao thoa văn hóa và làn sóng dòng nhạc thời thượng phát triển mạnh mẽ khiến những câu hát ru của các bà, các mẹ bị mai một và dần xa với cuộc sống ngày nay.
Bài, ảnh: LÊ HỒNG KHÁNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202412/lon-len-theo-cau-hat-loi-ru-2964833/