Powered by Techcity

Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Ngãi

Cư dân Sa Huỳnh và văn hóa Sa Huỳnh

Mặc dù các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số hiện vật có khả năng là của con người thời đá cũ và hậu kỳ đá mới trên đất Quảng Ngãi (tại núi lửa cổ Giếng Tiền, huyện đảo Lý Sơn; Gò Trá, huyện Sơn Tịnh; Trà Phong, huyện Tây Trà;…), song cho đến nay, nhóm cư dân mà ta biết được một cách tương đối rõ nét đã từng sinh sống trên vùng đất Quảng Ngãi là cư dân Sa Huỳnh và cùng với họ là sự hiện diện của Văn hóa Sa Huỳnh. “Cư dân Sa Huỳnh” và “Văn hóa Sa Huỳnh” là những thuật ngữ do các nhà khảo cổ học Pháp định danh trên cơ sở các cuộc khai quật và nghiên cứu vào đầu thế kỷ XX, ở một vùng đất ven biển có tên là Sa Huỳnh, nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc địa phận huyện Đức Phổ. Đây chính là địa điểm phát hiện đầu tiên, đồng thời giữ kỷ lục về số lượng di chỉ và hiện vật khảo cổ học về Văn hóa Sa Huỳnh cho đến hiện nay (2005).

Cư dân Chăm và văn hóa Chămpa

Sự tồn tại của Văn hóa Sa Huỳnh và sự biến mất của cư dân Sa Huỳnh tiếp liền sau giai đoạn rực rỡ của Văn hóa Sa Huỳnh sắt sớm, vào khoảng nửa cuối của thiên niên kỷ I trước Công nguyên, tiếc thay đã không để lại dấu vết rõ rệt trong sử liệu Trung Hoa và Việt Nam thời cổ – trung đại. Người ta chỉ có thể biết được rằng, vào thời kỳ Tần – Hán, cũng như các bộ của quốc gia Âu Lạc ở phía Bắc (nay là Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), vùng đất phía nam đèo Ngang đã lệ thuộc vào sự cai trị của phong kiến Trung Hoa, ít ra là trên danh nghĩa. Thư tịch cổ Trung Quốc và những khám phá gần đây cho biết vào thời kỳ An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc, thì ở Trung Hoa Tần Thủy Hoàng đã thiết lập đế chế Tần. Năm 214 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đưa quân đánh chiếm vùng đất của các tộc Bách Việt (gồm hầu hết miền Giang Nam và Lĩnh Nam, Trung Quốc), lập ra các quận Nam Hải (Quảng Ðông, Trung Quốc), Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) và Tượng Quận (Bắc Việt và Bắc Trung Việt, thuộc địa bàn nước Văn Lang – Âu Lạc trước đây). Vùng đất phía Nam, từ đèo Ngang (Hoành Sơn) vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay trên danh nghĩa đã trở thành một bộ phận của Tượng Quận thuộc đế chế Tần; nhưng cũng như Tượng Quận, nhà Tần chưa thiết lập được bộ máy cai trị và cũng chưa hề đưa quân đến vùng đất này.

Nhà Tần suy yếu, Triệu Ðà, một viên quan úy quận Nam Hải, nổi lên tự lập, đem quân lấy nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt (206 trước Công nguyên). Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán sai Lộ Bác Ðức sang đánh Triệu Ðà, lấy nước Nam Việt rồi cải là Giao Chỉ bộ và chia làm 9 quận (Nam Hải, Thượng Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Ðạm Nhỉ), trong đó Giao Chỉ và Cửu Chân là vùng đất từ Bắc Việt đến Hoành Sơn; Nhật Nam là vùng đất từ Hoành Sơn đến núi Ðại Lãnh. Theo Tiền Hán thư, quận Nhật Nam gồm 5 huyện Chu Ngô, Tỷ Ảnh, Lư Dung, Tây Quyển, Tượng Lâm tương ứng với địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.

Khoảng năm 192 (niên hiệu Sơ Bình thứ 3, Hán Hiếu Ðế, Trung Quốc), một thủ lĩnh vùng Tượng Lâm tên là Khu Liên (Kiu Liên), nhân lúc nhà Hán suy yếu đã nổi dậy giết quan Huyện lệnh, lập ra Vương quốc Lâm Ấp. Năm 347 (Vĩnh Hòa thứ 3 đời Tấn Mục Ðế, Trung Quốc), vua Lâm Ấp là Phạm Văn tiến quân ra Bắc chiếm cả quận Nhật Nam, lấy Hoành Sơn làm ranh giới phía Bắc của Lâm Ấp. Như vậy, biên cương Lâm Ấp lúc này đã trải dài từ phía nam Hoành Sơn đến vịnh Cam Ranh ngày nay. Từ đó về sau, trải qua các thời kỳ Tần, Tống, Tề, Lương (thời Nam – Bắc triều, Trung Quốc) đến thời Tùy – Ðường (thế kỷ VI – X), mối quan hệ giữa quan quân cai trị phong kiến Trung Hoa ở Giao Châu – An Nam (nay là Bắc Việt Nam) và Vương quốc Lâm Ấp liên tục diễn ra nhiều biến động, khi hòa, khi chiến; nhưng về căn bản quốc gia Lâm Ấp vẫn giữ được vùng đất của mình từ Hoành Sơn trở về Nam. Từ thời kỳ cuối của quốc gia Lâm Ấp (sau đó là Hoàn Vương, Chiêm Thành) cho đến trước khi sáp nhập vào Ðại Việt, vùng đất Quảng Ngãi là Cổ Lũy động thuộc châu Amaravati.

Bên cạnh các nguồn sử liệu Trung Hoa và sử liệu thời phong kiến Việt Nam, khoảng từ đầu thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, sử gia phương Tây và tiếp theo đó là các công trình của các nhà nghiên cứu Việt Nam về vùng đất Nam Á – Ðông Nam Á đã soi rọi phần nào một số vấn đề về các biến động xã hội, chế độ chính trị, cư dân Ðông Nam Á trong khoảng thời gian từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ X sau Công nguyên, trong đó có vùng đất nay là tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các nhà sử học Kecnơ (Kern; Ðức), Cabatông (Cabaton; Pháp), Hôn (Hall; Anh), vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên, người Hinđu từ khu vực phía tây thiên di đến vùng hạ lưu sông Mêkông, tập hợp một số bộ lạc sống rải rác trong vùng, thành lập Vương quốc Phù Nam, đóng đô ở Óc Eo (nay thuộc tỉnh Ðồng Nai) với vị vua đầu tiên là Kauđinya (Kaudinya). Từ thế kỷ I đến thế kỷ V, Vương quốc Phù Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh, biên cương trải dài từ biển Ðông đến tận vịnh Bengan (Bengal; Ấn Ðộ).

Trước đó, ở vùng ven biển Ðông Nam Á, cư dân nói tiếng Malayô – Pôlynêxia xuất phát từ ven biển Quảng Ðông (Trung Quốc), tràn xuống vùng ven biển phía Nam, một bộ phận ở lại trở thành tổ tiên của người Chăm, một bộ phận tiếp tục thiên di lên vùng núi Trường Sơn, chinh phục và hòa huyết với cư dân bản địa tại cao nguyên Ðắk Lắk, cao nguyên Plâyku và trở thành tổ tiên của các tộc người Ê Đê, Gia Rai ngày nay.

Sau khi thiết lập vương quốc phía Nam, người Hinđu tiếp tục chuyển về phía đông, dọc theo các sườn đồi, tràn xuống vùng đất của người Chăm, áp đặt nền văn minh Hinđu trên vùng đất này, đẩy một bộ phận cư dân Malayô – Pôlynêxia chuyển đến vùng Trường Sơn(8). Khu Liên, thủ lĩnh đã thiết lập Vương quốc Lâm Ấp có thể là một người Chăm gốc Hinđu.

Chịu ảnh hưởng nền văn minh Hinđu, Vương quốc Chămpa là một liên minh bao gồm nhiều tiểu quốc (Mantala) với nhiều sắc tộc khác nhau (Polyethnic) do một tiểu vương cai quản. Mỗi tiểu quốc có kinh đô riêng, với tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự độc lập. Những tiểu quốc nhỏ yếu thần phục tiểu quốc lớn mạnh và vị vua hùng mạnh nhất vương quốc được gọi là Rojàdhiràja (vua của các vua). Trên địa bàn Vương quốc Chămpa có ít nhất 4 tiểu quốc đã từng tồn tại, đó là: Amaravati (bao gồm vùng đất nay là Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Ðịnh, Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Vùng đất Quảng Ngãi ngày nay thời Vương quốc Chămpa có tên gọi theo âm Hán – Việt là Cổ Lũy động, thuộc tiểu quốc Amaravati; theo truyền thuyết, nằm dưới sự cai quản của dòng tộc Cau (Kramuk Varish)(9).

Cũng như nhiều quốc gia cổ vùng Ðông Nam Á, tín ngưỡng cổ truyền của người Chăm theo thuyết vũ trụ lưỡng nghi (dualisme cosmologique): âm/dương; mẹ/cha; nước/đất; biển/núi…, đồng thời dung hòa với những tôn giáo, tín ngưỡng du nhập từ Ấn Ðộ như Hinđu giáo, Phật giáo. Trong khoảng 15 thế kỷ tồn tại của Vương quốc Chămpa, mặc dù trải qua nhiều biến động phức tạp do những mối quan hệ nội tại cũng như quan hệ với các lân quốc, người Chăm đã xây dựng một quốc gia phát triển và nền văn hóa độc đáo mà dấu vết còn để lại đến ngày nay là những tháp Chăm, những tòa thành cổ, những di tích cảng thị, tiêu biểu là thánh địa Mỹ Sơn của vùng Amaravati và tháp Pô Naga của vùng Kauthara. Trên vùng đất Quảng Ngãi ngày nay, thành cổ Châu Sa (xây dựng khoảng thế kỷ XI – XIII) và phế tích tháp Chánh Lộ là những di tích đặc sắc, thể hiện tài hoa và trí tuệ của người Chăm, một tộc người mà trong tiến trình lịch sử đã trở thành một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cùng với di sản vật thể, người Chăm còn để lại nhiều di sản văn hóa phi vật thể mà ngày nay đã hòa nhập vào di sản văn hóa phi vật thể của người Việt vùng ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hình thành những sắc thái riêng, độc đáo trong vườn hoa văn hóa đa dạng, nhiều sắc thái của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ mẹ đất (Pô Naga), tục thờ cúng Cá Ông, kỹ thuật chế biến đường, kỹ thuật đi biển và đánh bắt cá biển, cách chế biến món ăn từ các nguyên liệu địa phương như don, cơm hến, mắm nhum… mà hiện nay người Quảng Ngãi lưu giữ là những di sản văn hóa phi vật thể có nhiều yếu tố kế thừa từ văn hóa cộng đồng người Chăm.

Người Việt đến Quảng Ngãi

Ngay từ sau khi Vương quốc Lâm Ấp được thành lập (192), đặc biệt là sau khi vua Chămpa là Phạm Văn mở rộng cương thổ đến vùng Hoành Sơn (đèo Ngang), mối quan hệ giữa triều đình phong kiến Chămpa và tập đoàn cai trị phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ đang đặt ách đô hộ trên lãnh thổ Âu Lạc (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay) đã diễn ra vô cùng phức tạp và hầu như không mấy yên bình. Những cuộc tiến công nhằm chiếm cứ đất đai hoặc cướp phá tài nguyên, của cải lẫn nhau xảy ra liên tục, gây nhiều tang thương, đau khổ cho nhân dân ở cả hai vùng, đặc biệt là ở miền biên cảnh.

Thôn tính được quốc gia Âu Lạc, đế chế phong kiến Trung Hoa tiếp tục nhòm ngó những vùng đất xa hơn về phương Nam, trong đó có Vương quốc Chămpa giàu tài nguyên, sản vật. Trong khi đó, các vua Chămpa hùng mạnh ở vùng Amaravati, sau khi thâu tóm được các tiểu quốc lân cận, củng cố thực lực và quyền uy lại nuôi tham vọng mở rộng lãnh thổ về phía Bắc, một mặt để tranh cướp đất đai, giành quyền cai trị vùng đất Âu Lạc, mặt khác là nhằm củng cố sức mạnh vương quyền, ngăn chặn sự trỗi dậy của các tiểu quốc. Những xung đột về quyền lợi, tham vọng của tập đoàn phong kiến Trung Hoa (phía Bắc) và tập đoàn phong kiến Chămpa (phía Nam) đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, triền miên.

Xen giữa những cuộc tiến công xâm lược bằng đội quân xâm chiếm lãnh thổ là những cuộc can qua hầu như không ngớt giữa hai miền giới tuyến, mà người trực tiếp gánh chịu hậu quả là nhân dân Chăm, Việt.

Bức tranh chung về thảm họa miền biên viễn giữa hai vùng lãnh thổ Việt – Chăm vẫn không mấy được cải thiện từ sau khi người Việt giành quyền tự chủ từ tay quân xâm lược phong kiến phương Bắc – vào đầu thế kỷ X. Lợi dụng những khi nhà nước phong kiến Ðại Việt rơi vào thế suy yếu, loạn lạc, đói kém, mất mùa, hoặc bị phong kiến Trung Hoa tiến công xâm lược, các thủ lĩnh phong kiến Chămpa lại đưa quân ra Bắc cướp phá, xâm chiếm. Ngược lại, khi đã củng cố được sức mạnh thì triều đình Ðại Việt lại tính chuyện “bình Chiêm” nhằm khôi phục và mở rộng đất đai, triệt phá tiềm lực, buộc các vua Chămpa phải thần phục, triều cống.

Ðầu thế kỷ XIV, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, triều đình phong kiến Ðại Việt và nhà nước phong kiến Chămpa nhận thấy sự cần thiết phải chấm dứt những cuộc can qua, ít ra là tạm hoà hoãn chiến cuộc để khoan thư sức dân và kiến thiết đất nước. Ðỉnh cao của thời kỳ giao hảo giữa 2 vương quốc lân bang là sự kiện Thượng hoàng Trần Nhân Tông của nước Ðại Việt gả con gái là Công chúa Huyền Trân cho vua Chămpa Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) vào năm 1306 (niên hiệu Hưng Long thứ 14). Ðáp lại, vua Chămpa dâng 2 châu Ô và Lý (nay là vùng đất từ phía Nam đèo Ngang đến Thừa Thiên – Huế và tây bắc Quảng Nam), tiếp giáp biên giới Ðại Việt, cho vua Trần để làm sính lễ. Thế nhưng, thời kỳ hòa hoãn Chăm – Việt lại không thể kéo dài do những mâu thuẫn trong giai cấp thống trị ở cả hai nước. Khi ngấm ngầm, khi công khai, các thế lực chống đối bang giao hòa bình với Ðại Việt trong nội bộ Vương quốc Chămpa đã dần dần phá vỡ thế ổn định tạm thời ở hai miền biên giới. Vương quốc Chămpa liên tục đưa quân đánh cướp Hóa Châu, bắt đàn bà, con gái đem về phục dịch, cướp bóc của cải, triệt phá thành quách của Ðại Việt. Ðối lại, triều đình Ðại Việt mở những cuộc hành quân viễn chinh tấn công đến tận kinh đô Chà Bàn của Vương quốc Chămpa. Tình thế qua phân Chăm – Việt càng trở nên căng thẳng sau cái chết của vua Ðại Việt là Trần Duệ Tông trong cuộc hành quân thân chinh đánh vào kinh đô Chà Bàn của Vương quốc Chămpa (1377). Tiếp theo đó là những trận công phá liên tục và sự tàn phá của quân Chămpa ra miền Thanh Hóa, Quảng Oai, tận cửa ngõ Thăng Long, kinh đô Ðại Việt, kéo dài từ năm 1377 đến năm 1390.

Xen vào những mâu thuẫn của triều đình hai quốc gia Chămpa – Đại Việt là những mưu toan của tập đoàn phong kiến Trung Hoa. Tuy đã bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ Âu Lạc vào đầu thế kỷ X và liên tục thất bại trong các cuộc xâm lược từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, buộc chấp nhận quyền tự chủ của triều đình phong kiến Ðại Việt, nhưng các triều đại phong kiến Trung Hoa không ngừng nhòm ngó và chờ thời cơ thôn tính vùng đất Ðại Việt giàu tài nguyên và là cửa ngõ bành trướng xuống phương Nam. Cùng với những cuộc động binh áp sát biên giới và những thủ đoạn uy hiếp, dọa dẫm về ngoại giao, phong kiến Trung Hoa luôn tìm cách dụ dỗ, khống chế, kích động các vương triều Chămpa dùng sức mạnh quân sự quấy phá biên giới sau lưng, với dụng ý làm cho Ðại Việt lâm vào thế phải căng sức chống đỡ từ hai phía, dẫn đến suy yếu về tiềm lực và phải chấp nhận khuất phục Trung Hoa.

Trong một tình thế như vậy, các triều đại phong kiến Đại Việt đã thực thi một đối sách chiến lược vừa khôn ngoan, vừa dứt khoát: một mặt tiến hành các hoạt động ngoại giao hoà bình nhằm tạo ra thế ổn định ở biên giới phương Nam, một mặt kiên quyết chống trả các cuộc tiến công quân sự cướp đất, cướp người song song với việc chủ động mở các cuộc hành quân Nam chinh, triệt phá mầm mống xâm lược và làm suy yếu Vương quốc Chămpa nhằm giữ vững vùng “Nam giới” để tập trung sức lực đề phòng, đối phó với hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc.

Năm 1402 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử vùng đất Quảng Ngãi nói riêng và vùng đất Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi ngày nay nói chung. Trước đó 2 năm, năm 1400, nhà Hồ thay nhà Trần ngồi trên ngai vàng Ðại Việt (lúc này được gọi là Đại Ngu) và thể hiện rõ quyết tâm ổn định phương Nam, điều mà nhà Trần trong buổi suy vong đã không thể thực hiện được. Thực hiện mệnh lệnh của người cha là Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua nhà Hồ là Hồ Hán Thương cùng anh trai và là Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, đã đốc sức quân dân mở đường Thiên Lý vào Nam, đặt nhiều dịch quán, đưa quân thủy bộ áp sát biên giới, buộc vua Chămpa là Ba Đích Lại giao quyền cai quản Chiêm động (nay là phần lớn Quảng Nam và Ðà Nẵng) và Cổ Lũy động (còn gọi là Chiêm Lũy động, nay là phần lớn tỉnh Quảng Ngãi). Tiếp quản Chiêm động và Cổ Lũy động, nhà Hồ chia đất ấy làm các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, thuộc vào lộ Thăng Hoa, đặt chức An Phủ sứ, đưa người Việt từ Hoan châu, Ái châu, Hóa châu vào khai khẩn.

Mấy năm sau, mượn chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh (Trung Quốc) xâm lăng Ðại Việt, người Chăm nhân cơ hội này giành lại đất Cổ Lũy, Chiêm động, đánh phá Hóa Châu, gây khó khăn nghiêm trọng cho sự nghiệp phục quốc của nhà Hậu Trần và sau đó là nghĩa binh Lê Lợi. Năm 1427, Lê Lợi đuổi quân Minh ra khỏi cõi bờ Ðại Việt, giành lại quyền tự chủ, nhưng vùng đất Thăng – Hoa – Tư – Nghĩa và Ðiện Bàn thuộc Hóa Châu vẫn là nơi tranh giành dai dẳng giữa hai lân quốc.

Khoảng niên hiệu Hồng Ðức (nhà Lê), vua Chămpa là Trà Toàn (Dư địa chí chép là Trà Hịa) lại mang quân đánh phá Hóa Châu. Năm 1471 (Hồng Ðức thứ 2), Lê Thánh Tông thân chinh đưa đại quân thu hồi đất Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chiếm luôn kinh đô Chà Bàn (thuộc tỉnh Bình Ðịnh ngày nay) của Vương quốc Chămpa.

Chỉ trong vòng 10 ngày sau khi thu phục đất Chà Bàn, Lê Thánh Tông đã xếp đặt các quan lại người Chăm và người Việt vào bộ máy quản lý vùng đất mới thu hồi: Ba Thái, Ba Thủy (người Chăm), Đỗ Tử Quy, Lê Ỷ Đà (người Việt) cùng chịu trách nhiệm giữ vững ổn định vùng Chiêm động và Cổ Lũy động (Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay).

Tháng 6 năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), triều đình nhà Lê cho thiết lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, đạo thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt, bao gồm vùng đất phía nam đèo Hải Vân của châu Hoá cùng 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa thời nhà Hồ và kinh đô Chà Bàn của Vương quốc Chămpa. Đạo thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ: Thăng Hoa (Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhân (Bình Định). Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện là Bình Dương, Nghĩa Giang và Mộ Hoa. Phủ có chức Tri phủ cai quản; dưới phủ là huyện có chức Tri huyện; dưới huyện là xã, có chức Xã trưởng đứng đầu.

Trong 13 đạo thừa tuyên của nước Đại Việt, 12 đạo có chức Án sát đứng đầu, riêng đạo thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty (Tam ty) là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty cai quản. Lỵ sở của Tam ty đặt ở thành Châu Sa, vốn là một thành cổ của người Chăm, nay thuộc địa phận phía đông huyện Sơn Tịnh.

Thực hiện chỉ dụ và được sự khuyến khích của triều đình, dân cư các vùng Sơn Nam Hạ, Thanh Hoá, Nghệ An đi vào vùng đất Nam – Ngãi – Bình cùng sống với người Chăm, cấy cày ở vùng đồng bằng, khai thác tài nguyên phong phú trên rừng, dưới biển. Vùng đất thừa tuyên Quảng Nam từ đó vĩnh viễn trở thành một bộ phận lãnh thổ của quốc gia Đại Việt.

Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung soán ngôi, lập ra nhà Mạc (1527). Một bồi thần của nhà Lê là Nguyễn Kim tập hợp lực lượng chống Mạc, lập triều Lê Trung hưng (1533 – 1788). Khoảng giữa thế kỷ XVI, nhà Lê Trung hưng, lấy lại đất thừa tuyên Quảng Nam từ tay nhà Mạc, tiếp tục tổ chức khai khẩn, ổn định và phát triển miền biên trấn phía Nam tổ quốc. Trong một thời gian dài, người được giao nhiệm vụ trấn nhậm ở thừa tuyên Quảng Nam là Bùi Tá Hán (? – 1568), một vị tướng vừa giỏi cầm quân, vừa có tài kinh bang tế thế. Được sự ủy nhiệm của Nguyễn Kim, ông thực hiện nhiều chính sách thích hợp về điền địa, cư trú, an dân, khuyến khích sản xuất, khai hoang, cải cách phong tục theo hướng tiến bộ; khuyến khích nghề thủ công, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển thủy lợi, mở mang đường sá, chăm lo giáo dục. Đặc biệt, Bùi Tá Hán rất chú trọng giữ ổn định quan hệ Kinh – Thượng, Chăm – Việt làm nền tảng chính sách an dân. Từ thời kỳ trấn nhậm của ông, thừa tuyên Quảng Nam, trong đó có vùng đất Quảng Ngãi, đi vào thế ổn định, kinh tế không ngừng phát triển, thu hút ngày càng nhiều di dân từ các vùng Hoan, Ái (Thanh Hoá, Nghệ An) vào lập nghiệp, sinh tụ lâu dài.

Năm 1570, Đoan quận công Nguyễn Hoàng (trấn thủ Thuận Hoá) được triều đình Lê – Trịnh cử kiêm trấn Quảng Nam. Vốn nuôi ý định lấy vùng đất phương Nam làm chốn “Vạn đại dung thân”, tách dần ảnh hưởng của vua Lê – chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng ra sức gây dựng vùng Thuận – Quảng thành một khu vực kinh tế trù phú với nhiều chính sách tiến bộ về điền địa, thuế khóa, giao thương nội địa và ngoại thương, thu phục được nhân tâm, tạo dựng uy thế lâu dài.

Năm 1602 (Lê Hoằng Định thứ 3), Nguyễn Hoàng tiến hành cải tổ các đơn vị hành chính – lãnh thổ ở 2 trấn Thuận – Quảng; theo đó trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam) đổi thành phủ Quảng Nghĩa, cử hai chức quan là Tuần phủ và Khám lý đứng đầu.

Danh xưng Quảng Nghĩa (Ngãi) xuất hiện từ đó.

Từ sau khi dinh Quảng Nam được thành lập (bao gồm các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn), vùng đất phủ Quảng Nghĩa nói riêng, dinh Quảng Nam nói chung, tiếp tục phát triển trong một thời gian dài về sau. Dinh Quảng Nam không còn là miền biên trấn vì các chúa Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ của mình xa dần vào phía Nam. Trong thời gian đó, miền đất Quảng Nam, trong đó có Quảng Ngãi, diễn ra một quá trình sôi động xen lẫn chuyển dịch và ổn định cư dân.

Lớp cư dân đến từ trước tiếp tục dựng làng, lập ấp, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Lớp người đến sau (gồm một số lớn là tù binh và dân Đàng Ngoài bị chúa Nguyễn bắt được đem về trong các cuộc tiến công ra phía bắc sông Gianh, một số khác là di dân tự do, đào tẩu…) khai phá những vùng đất còn hoang hóa, lập thêm làng ấp mới.

Ở Quảng Ngãi, số cư dân mới đến này định cư rải rác cả 3 huyện, nhưng nhiều nhất là huyện Mộ Hoa (nay là 2 huyện Mộ Đức, Đức Phổ) ở phía nam. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Hoa (Minh Hương) từ Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam đến sinh sống và lập một số khu dân cư mua bán lâm thổ sản, làm một số nghề thủ công, mỹ nghệ mà họ mang từ cố hương đến, thu mua hàng xuất khẩu. Một bộ phận khác của cư dân Đàng Ngoài đến định cư từ trấn Thuận Hóa (Thừa Thiên – Huế) và các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa (phía bắc dinh Quảng Nam) những giai đoạn trước, lúc này cũng có sự chuyển dịch vào vùng Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Từ năm Mậu Tý (1648), sau khi có chỉ dụ của chúa Nguyễn, một bộ phận cư dân của vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) lại tiếp tục được đưa vào Phú Yên, Bình Khang và xa hơn là vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ ngày nay để định cư, mở đất.

Cũng trong thời gian này, biển Đông và các hải đảo ven bờ, trong đó có đảo Lý Sơn (cù lao Ré, nay là huyện đảo Lý Sơn), xa hơn là Hoàng Sa, Trường Sa (Bắc Hải) cũng thu hút sự quan tâm của các chúa Nguyễn với việc hình thành các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để tuần phòng và khai thác hải sản. Lúc bấy giờ, Hoàng Sa lệ thuộc vào sự cai quản của phủ Quảng Nghĩa. Hàng năm, chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, là các dân binh lấy từ ngư dân 2 xã An Hải và An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn (nay là xã An Hải thuộc huyện Bình Sơn và xã An Vĩnh thuộc huyện Sơn Tịnh), sau đó là An Hải phường và An Vĩnh phường (nay là 2 xã An Hải và An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn) đi thuyền đến Hoàng Sa để tuần phòng và khai thác đồi mồi, ba ba, hải sâm, san hô. Nhiều thư tịch Việt Nam, Trung Hoa và nhất là những ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây còn để lại đã góp phần khẳng định: Từ lâu Hoàng Sa đã là một phần lãnh thổ Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi(12).

Lúc bấy giờ, dinh Quảng Nam là vùng đất phồn thịnh nhờ vào sự phát triển nông nghiệp trên những cánh đồng tương đối rộng và có điều kiện khí hậu phần nào thuận lợi hơn vùng Bắc Trung Bộ. Tài nguyên rừng (sa nhân, cánh kiến, trầm hương, kỳ nam, gỗ quý…), tài nguyên biển (trai ngọc, đồi mồi, cá, mực…) được khai thác phục vụ xuất khẩu qua các cảng biển như Hội An (Quảng Nam), Thu Xà (Quảng Nghĩa). Các nghề tiểu thủ công nghiệp cũng khá phát đạt, gồm cả những nghề do cư dân Việt phía Bắc mang theo trong quá trình di dân (dệt chiếu, đan nón, làm gốm, chế tác sừng…), nghề của người Chăm (đóng thuyền, đan lưới…), nghề của một bộ phận người Hoa Minh Hương đến định cư (kẹo gương, làm nhang…).

Thế nhưng đến giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, sự phát triển kinh tế – xã hội ở Đàng Trong đã dần dần tích tụ những mâu thuẫn nội tại với việc hình thành lớp người giàu, có quyền lực, chiếm hữu nhiều đất đai, bên kia là đại đa số nông dân nghèo khó, ruộng đất khai khẩn được bằng mô hôi, nước mắt và cả xương máu, dần dần rơi vào tay điền chủ, quan lại.

Mối quan hệ chung lưng đấu cật giữa những người có của đi kinh dinh, với số đông người lao động đã phai nhạt dần theo năm tháng. Đồng thời, nhiều mâu thuẫn giữa người giàu với kẻ nghèo, người chiếm hữu và người bị chiếm hữu ngày càng trở nên gay gắt. Thêm vào đó, do đặc điểm của xã hội Đàng Trong, bộ máy cai trị về đại thể mang hình thức quân quản nên những người giàu có, nhiều ruộng đất, cũng đồng thời là tầng lớp tướng lĩnh hoặc quan lại xuất thân từ tướng lĩnh. Quá trình chiếm hữu ruộng đất của tầng lớp trên được hỗ trợ bằng các chính sách, chủ trương của nhà nước phong kiến mà trong đó, ngày càng nặng nề hơn, là sự nghiệt ngã của chính sách sưu dịch, thuế khóa. Bên cạnh đó, sự quản lý chặt chẽ của các chúa Nguyễn đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên nhằm phục vụ xuất khẩu, mua sắm vũ khí và các mặt hàng xa xỉ khác đã làm cho tầng lớp thương nhân không thể hình thành, cho dù đã có một lực lượng khá đông đảo những người mua bán nhỏ lẻ, thu mua nông thổ sản, lâm sản, hải sản đã nhóm thành các “nậu” ở khắp vùng Quảng Nam lúc bấy giờ. Bao trùm lên tất cả, chi phối tất cả các quan hệ phức tạp trên đây là mâu thuẫn giữa tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nếu như ở giai đoạn đầu mối quan hệ này đã gián tiếp thúc đẩy quá trình Nam tiến cũng như sự thịnh vượng của đất Thuận Quảng thì càng về sau, khi các chúa Nguyễn đã công khai ý đồ cát cứ, thì ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sự phát triển đất nước ngày càng trầm trọng. Những cuộc chiến tranh triền miên giữa hai bờ sông Gianh, việc huy động một lực lượng lớn nhân tài, vật lực để đào hào, đắp lũy, mua sắm vũ khí, huy động tráng đinh bỏ ruộng vườn tham gia quân đội đã làm cho nền kinh tế Đàng Trong rơi vào khủng hoảng. Người dân vốn đã khổ cực vì sưu cao thuế nặng, lại thêm nạn dịch binh, thiên tai, mất mùa… làm cho bội phần khốn đốn.

Cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) từ vùng rừng núi Tây Sơn Thượng Đạo, nổ ra vào năm 1771, và nhanh chóng trở thành một phong trào nông dân rộng lớn. Từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi phong trào này lan ra khắp đất Quảng Nam, rồi cả nước, cuốn đổ cả tập đoàn phong kiến của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh bại cả quân Thanh xâm lược ở phía Bắc và quân Xiêm gây rối ở phía Nam.

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, ở miền tây Quảng Nghĩa, các ông Đa Phát Rang (chủ động Cao Muôn), Đa Phát Canh (chủ động Thạch Bích), Đinh Thung (chủ động Cà Đam) đã hô hào đồng bào các dân tộc ít người nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, thiết lập 3 căn cứ kháng chiến ở vùng cao. Từ đây, phong trào lan nhanh xuống vùng thấp với việc hình thành các căn cứ: Sa Lung (tây nam Đức Phổ), Vực Liêm (tây Đức Phổ, Mộ Đức), Tây Giang (vùng giáp ranh Nghĩa Hành, Minh Long), Tuyền Tung (vùng giáp ranh Bình Sơn, Trà Bồng). Ngoài ra, quân Tây Sơn còn có các chốt điểm hoạt động quan trọng ở Bến Thóc (huyện Mộ Đức), Lò Thổi (Tuyền Tung), Thiết Trường (huyện Mộ Đức), Trà Câu (huyện Đức Phổ) và đặc biệt là vùng rừng núi Cà Ty (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh), tiếp giáp với xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, nơi quân Tây Sơn xuất quân tiến đánh quân chúa Nguyễn tại dinh Quảng Nam (1773) và cũng là nơi Nguyễn Huệ tổ chức cuộc tụ hội quan trọng gồm các văn thần, mưu sĩ, tướng lĩnh cùng các đạo kỵ binh hùng mạnh trước giờ xuất quân đánh lấy Phú Xuân vào năm 1786.

Từ khắp nơi trong phủ Quảng Nghĩa, nhiều bậc hiền tài đã hướng về nghĩa quân Tây Sơn, quy tụ dưới ngọn cờ của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nhiều người trong số đó đã trở thành các yếu nhân của phong trào nông dân Tây Sơn, lập chiến công xuất sắc trong việc xóa sổ các tập đoàn phong kiến Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh mùa xuân năm 1789, như: Thái phó Trần Quang Diệu (người làng Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức); Đô đốc Nguyễn Văn Huấn và Đại tư mã Nguyễn Văn Danh (là hai anh em ruột, người làng Văn Hà, nay thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức); Thái bảo Nguyễn Văn Xuân (người làng Lạc Phố, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức); Đô đốc Huỳnh Văn Thuận (người làng Dương Quang, nay thuộc xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức); Đô đốc Trương Đăng Đồ (người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh); Đô đốc Nguyễn Thị Dung (em ruột Thái bảo Nguyễn Văn Xuân, vợ Đô đốc Trương Đăng Đồ), vv.

Cùng với nhân dân phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định), nhân dân phủ Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp của nhà Tây Sơn và phong trào nông dân Tây Sơn. Trong lời Hịch truyền quan lại, quân dân các phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn đề ngày 10.9 năm Quang Trung thứ 5 (27/8/1792), Quang Trung – Nguyễn Huệ đã khẳng định: “Tất cả các ngươi, lớn nhỏ, từ hơn hai chục năm nay, đều luôn luôn chịu ân đức của nhà Tây Sơn ta. Sự thật, trong mấy chục năm qua, trẫm đã chiến thắng khắp cả trong Nam, ngoài Bắc. Trẫm nhận rằng có được những chiến thắng ấy chính là nhờ có sự phù trợ hết lòng của nhân dân hai phủ. Hai phủ cũng đã tiến cử lên trẫm nhiều người trung dũng, hiền tài để giúp rập triều đình”(13).

Năm 1776, dưới thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa được đổi tên là phủ Hòa Nghĩa, kéo dài từ phía nam sông Bến Ván (Bản Tân) đến đèo Bình Đê và đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Triều Tây Sơn chỉ tồn tại ngắn ngủi, nhưng đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, trong đó có phủ Hòa Nghĩa (Quảng Ngãi). Những tài liệu liên quan đến các chính sách của nhà Tây Sơn đối với vùng đất Quảng Ngãi không nhiều, do họa binh đao và đặc biệt là chủ trương “tận diệt, tận hủy” của nhà Nguyễn sau khi đánh thắng Tây Sơn, nhưng nhiều giai thoại còn lưu truyền trong dân gian cho thấy anh em nhà Tây Sơn đã có sự quan tâm đáng kể đến vùng đất hai phủ Quy Nhơn và Hòa Nghĩa, vốn là địa bàn gây dựng thanh thế của triều đại này.

Từ sau khi Quang Trung – Nguyễn Huệ qua đời (1792), nhà Tây Sơn nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Những mâu thuẫn xã hội tạm thời lắng dịu do ảnh hưởng và thanh thế của phong trào Tây Sơn trong buổi đầu dấy nghiệp cũng như tài năng, đức độ của Nguyễn Huệ, đến lúc này đã bộc lộ trở lại và ngày càng trở nên gay gắt hơn. Thêm vào đó, những lục đục trong nội bộ vương triều, do những tham vọng cát cứ, thâu tóm quyền lực của một số công thần, sự bất tài, nhu nhược của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc, Đông Định vương Nguyễn Lữ, người kế vị Quang Trung là Quang Toản, và nhất là sự quấy phá triền miên của tập đoàn Nguyễn Ánh từ phía Nam được sự hỗ trợ của ngoại bang, khiến nhà Tây Sơn trở nên suy yếu.

Năm 1801, triều Tây Sơn sụp đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802), thiết lập vương triều Nguyễn, xây dựng và củng cố quyền lực trên toàn cõi đất nước.

Năm 1801, Gia Long đổi phủ Hòa Nghĩa trở lại tên cũ là phủ Quảng Nghĩa, đồng thời đặt dinh Quảng Nghĩa cùng các chức quan cai quản là Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục. Năm 1808, dinh Quảng Nghĩa lại đổi thành trấn Quảng Nghĩa và đến năm 1810 chức Lưu thủ được đổi thành Trấn thủ; năm 1826, đổi các chức Cai bạ, Ký lục thành Hiệp trấn, Tham trấn. Đồng thời với việc sắp đặt bộ máy cai quản, năm 1807 Gia Long dời lỵ sở của phủ Quảng Ngãi từ thôn Phú Đăng về xã Cù Mông (thuộc huyện Chương Nghĩa). Đến năm 1815 thành Quảng Ngãi được xây dựng, tại khu vực nay là Di tích thành cổ Quảng Ngãi, và nơi đây trở thành thủ phủ lâu dài của vùng đất Quảng Ngãi.

Cùng với các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Hà Tiên, trấn Quảng Ngãi trở thành tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1832 (các tỉnh từ Quảng Bình trở ra Bắc, chia đặt từ năm 1831). Từ khi thành lập cho đến những năm đầu thời kỳ thuộc Pháp, tỉnh Quảng Ngãi có 1 phủ (Tư Nghĩa) và 3 huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.

Năm 1834 (Minh Mạng thứ 15) nhà vua đặt các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình dưới quyền cai quản trực tiếp của triều đình. Quảng Bình và Quảng Trị gọi là Bắc Trực, Quảng Nam và Quảng Ngãi gọi là Nam Trực.

Tỉnh Quảng Ngãi được thành lập trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng được bộ máy nhà nước trung ương tập quyền mạnh và tương đối ổn định. Sau hơn 2 thế kỷ chia cắt trong cục diện “Đàng Trong – Đàng Ngoài” và thời kỳ củng cố chính quyền dưới thời Gia Long, triều đình Nguyễn thời Minh Mạng đã áp đặt được bộ máy cai trị từ trung ương đến làng xã trên một quốc gia thống nhất, hoàn chỉnh về cương thổ, mở ra những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.

Theo quangngai.gov.vn

Cùng chủ đề

Việt Nam tăng cường nhập khẩu quế từ thị trường Indonesia và Trung Quốc

.tdi_69{vertical-align:baseline}.tdi_69>.wpb_wrapper,.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{display:block}.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{width:100%}.tdi_69>.wpb_wrapper>.vc_row_inner{width:auto}.tdi_69>.wpb_wrapper{width:auto;height:auto}.tdi_69{padding-bottom:30px!important} .tdi_70{margin-top:0px!important;margin-bottom:0px!important;padding-bottom:0px!important} .tdb_single_content{margin-bottom:0;*zoom:1}.tdb_single_content:before,.tdb_single_content:after{display:table;content:'';line-height:0}.tdb_single_content:after{clear:both}.tdb_single_content .tdb-block-inner>*:not(.wp-block-quote):not(.alignwide):not(.alignfull.wp-block-cover.has-parallax):not(.td-a-ad){margin-left:auto;margin-right:auto}.tdb_single_content a{pointer-events:auto}.tdb_single_content .td-spot-id-top_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Top Ad'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad0 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 1'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad1 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 2'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad2 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 3'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-bottom_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Bottom Ad'!important}.tdb_single_content .id_top_ad,.tdb_single_content .id_bottom_ad{clear:both;margin-bottom:21px;text-align:center}.tdb_single_content .id_top_ad img,.tdb_single_content .id_bottom_ad img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_top_ad .adsbygoogle,.tdb_single_content .id_bottom_ad .adsbygoogle{position:relative}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{margin-bottom:15px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{text-align:center}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-right:auto;margin-left:auto}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left{float:left;margin-top:9px;margin-right:21px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right{float:right;margin-top:6px;margin-left:21px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title{width:300px;height:250px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title:before{position:absolute;top:50%;-webkit-transform:translateY(-50%);transform:translateY(-50%);margin:auto;display:table;width:100%}.tdb_single_content .tdb-block-inner.td-fix-index{word-break:break-word}.tdi_70 .tdb-block-inner{max-width:100%;margin-left:auto;margin-right:auto}.tdi_70,.tdi_70>p,.tdi_70 .tdb-block-inner>p{font-family:Noto Sans!important;font-size:15px!important;line-height:1.6!important;font-weight:400!important}.tdi_70 h1{font-family:Noto Sans!important;font-size:50px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h2{font-family:Noto Sans!important;font-size:40px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h3:not(.tds-locker-title){font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h4{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h5{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h6{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 li{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .tdb-block-inner blockquote p{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .wp-caption-text,.tdi_70 figcaption{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70...

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định

.tdi_69{vertical-align:baseline}.tdi_69>.wpb_wrapper,.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{display:block}.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{width:100%}.tdi_69>.wpb_wrapper>.vc_row_inner{width:auto}.tdi_69>.wpb_wrapper{width:auto;height:auto}.tdi_69{padding-bottom:30px!important} .tdi_70{margin-top:0px!important;margin-bottom:0px!important;padding-bottom:0px!important} .tdb_single_content{margin-bottom:0;*zoom:1}.tdb_single_content:before,.tdb_single_content:after{display:table;content:'';line-height:0}.tdb_single_content:after{clear:both}.tdb_single_content .tdb-block-inner>*:not(.wp-block-quote):not(.alignwide):not(.alignfull.wp-block-cover.has-parallax):not(.td-a-ad){margin-left:auto;margin-right:auto}.tdb_single_content a{pointer-events:auto}.tdb_single_content .td-spot-id-top_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Top Ad'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad0 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 1'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad1 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 2'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad2 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 3'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-bottom_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Bottom Ad'!important}.tdb_single_content .id_top_ad,.tdb_single_content .id_bottom_ad{clear:both;margin-bottom:21px;text-align:center}.tdb_single_content .id_top_ad img,.tdb_single_content .id_bottom_ad img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_top_ad .adsbygoogle,.tdb_single_content .id_bottom_ad .adsbygoogle{position:relative}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{margin-bottom:15px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{text-align:center}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-right:auto;margin-left:auto}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left{float:left;margin-top:9px;margin-right:21px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right{float:right;margin-top:6px;margin-left:21px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title{width:300px;height:250px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title:before{position:absolute;top:50%;-webkit-transform:translateY(-50%);transform:translateY(-50%);margin:auto;display:table;width:100%}.tdb_single_content .tdb-block-inner.td-fix-index{word-break:break-word}.tdi_70 .tdb-block-inner{max-width:100%;margin-left:auto;margin-right:auto}.tdi_70,.tdi_70>p,.tdi_70 .tdb-block-inner>p{font-family:Noto Sans!important;font-size:15px!important;line-height:1.6!important;font-weight:400!important}.tdi_70 h1{font-family:Noto Sans!important;font-size:50px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h2{font-family:Noto Sans!important;font-size:40px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h3:not(.tds-locker-title){font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h4{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h5{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h6{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 li{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .tdb-block-inner blockquote p{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .wp-caption-text,.tdi_70 figcaption{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70...

Đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Bình Sơn

(Baoquangngai.vn)- Tối 6/7, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Ngãi (Sở Công thương) phối hợp với UBND huyện Bình Sơn khai mạc hoạt động bán hàng Việt tại nông thôn, ở bờ kè bắc sông Trà Bồng, thị trấn Châu Ổ. Chương trình "Hoạt động bán hàng Việt tại nông thôn - Huyện Bình Sơn" diễn ra trong 3 ngày (6 - 8/7), có sự đồng hành của 40 chủ thể, với 30 gian hàng có sản...

[Emagazine]. Hòn ngọc nước

  (Báo Quảng Ngãi)- Có những góc nhìn, ở từng thời điểm khác nhau để có thể ví đầm An Khê như “hòn ngọc nước” tròn vành vạnh, mang vẻ đẹp kỳ vĩ. Cũng có thể nói đây là chiếc gương trời mà hết thảy mưa nắng đời người quanh đầm An Khê xưa nay soi mình trong đó.   Hừng đông ngày nắng dịu, đứng trên đỉnh đèo phân định ranh giới giữa phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (TX.Đức...

Lo ngại trẻ có thể tái phát viêm xoang sau khi đi bơi

.tdi_69{vertical-align:baseline}.tdi_69>.wpb_wrapper,.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{display:block}.tdi_69>.wpb_wrapper>.tdc-elements{width:100%}.tdi_69>.wpb_wrapper>.vc_row_inner{width:auto}.tdi_69>.wpb_wrapper{width:auto;height:auto}.tdi_69{padding-bottom:30px!important} .tdi_70{margin-top:0px!important;margin-bottom:0px!important;padding-bottom:0px!important} .tdb_single_content{margin-bottom:0;*zoom:1}.tdb_single_content:before,.tdb_single_content:after{display:table;content:'';line-height:0}.tdb_single_content:after{clear:both}.tdb_single_content .tdb-block-inner>*:not(.wp-block-quote):not(.alignwide):not(.alignfull.wp-block-cover.has-parallax):not(.td-a-ad){margin-left:auto;margin-right:auto}.tdb_single_content a{pointer-events:auto}.tdb_single_content .td-spot-id-top_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Top Ad'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad0 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 1'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad1 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 2'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-inline_ad2 .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Inline Ad 3'!important}.tdb_single_content .td-spot-id-bottom_ad .tdc-placeholder-title:before{content:'Article Bottom Ad'!important}.tdb_single_content .id_top_ad,.tdb_single_content .id_bottom_ad{clear:both;margin-bottom:21px;text-align:center}.tdb_single_content .id_top_ad img,.tdb_single_content .id_bottom_ad img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_top_ad .adsbygoogle,.tdb_single_content .id_bottom_ad .adsbygoogle{position:relative}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{margin-bottom:15px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right img,.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-bottom:0}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center{text-align:center}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-center img{margin-right:auto;margin-left:auto}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-left{float:left;margin-top:9px;margin-right:21px}.tdb_single_content .id_ad_content-horiz-right{float:right;margin-top:6px;margin-left:21px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title{width:300px;height:250px}.tdb_single_content .tdc-a-ad .tdc-placeholder-title:before{position:absolute;top:50%;-webkit-transform:translateY(-50%);transform:translateY(-50%);margin:auto;display:table;width:100%}.tdb_single_content .tdb-block-inner.td-fix-index{word-break:break-word}.tdi_70 .tdb-block-inner{max-width:100%;margin-left:auto;margin-right:auto}.tdi_70,.tdi_70>p,.tdi_70 .tdb-block-inner>p{font-family:Noto Sans!important;font-size:15px!important;line-height:1.6!important;font-weight:400!important}.tdi_70 h1{font-family:Noto Sans!important;font-size:50px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h2{font-family:Noto Sans!important;font-size:40px!important;line-height:1.2!important;font-weight:600!important}.tdi_70 h3:not(.tds-locker-title){font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h4{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h5{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 h6{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 li{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .tdb-block-inner blockquote p{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70 .wp-caption-text,.tdi_70 figcaption{font-family:Noto Sans!important}.tdi_70...

Cùng tác giả

Thủ phủ hành tím Quảng Ngãi

Với 180 ha hành tím bên bờ biển bao quanh bởi núi lửa và rạn san hô, xã Bình Hải được mệnh danh là thủ phủ hành tím trên đất liền. Cuối tháng 4, cánh đồng hành tím ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vào vụ thu hoạch thứ hai trong năm. Xã này nằm bên bờ biển với đá núi lửa, rạn san hô, có thổ nhưỡng tương tự đảo Lý Sơn cách đất liền gần...

Bánh đập hút khách ở Quảng Ngãi

Đây là món ăn truyền thống ở Quảng Ngãi, kết hợp giữa bánh tráng nướng và bánh ướt mới ra lò, bên trên phủ hẹ và hành phi ăn kèm cùng mắm nêm, thu hút nhiều người thưởng thức...

Bãi rêu xanh ngút ngàn trở thành điểm đến thu hút du khách ở Quảng Ngãi

Rêu bám dày bờ đá, đê chắn sóng, tạo nên một mảng xanh tuyệt đẹp. Bãi rêu ấy biến đê chắn sóng ở thôn Phổ An (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) thành điểm check-in hút khách.

Cảnh đẹp Quảng Ngãi từ trên cao

Cánh đồng lúa huyện Mộ Đức, biển Ba Làng An, cầu tre Tịnh Long là các điểm đến đẹp thu hút du khách...

Nỗ lực thoát nghèo

Với sự nỗ lực của bản thân, đến nay, gia đình anh Nguyễn Tấn Viên, ở thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng) đã vươn lên thoát nghèo. Có được thành quả này là nhờ anh Viên biết tính toán, chăm chỉ trong chăn nuôi. Năm 2010, anh Viên lập gia đình và ra ở riêng với 2 bàn tay trắng. Thu nhập của cả gia đình anh chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nuôi thêm con heo,...

Cùng chuyên mục

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng

Chiều 25.6, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Phòng VHTT huyện Bình Sơn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch trên sông Trà Bồng. Đoàn khảo sát phát triển du lịch trên sông Trà Bồng Theo UBND huyện Bình Sơn, địa phương hiện có tiềm năng phát triển du lịch trên sông Trà Bồng đoạn từ làng gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ) đến đập ngăn mặn xã Bình Dương và các nội dung liên quan đến nhà thơ Tế...

Gần 1.000 người đồng diễn Yoga ở Quảng Ngãi

Kỷ niệm Ngày quốc tế Yoga 21.6, tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Liên đoàn Yoga Quảng Ngãi tổ chức sự kiện Chào mừng ngày Quốc tế Yoga lần thứ X năm 2024, với chủ đề “Yoga trao quyền cho phái đẹp”. Chương trình đồng diễn Yoga thu hút gần 1.000 hội viên tham gia Yoga là một phương thức thực hành cổ xưa của Ấn Độ, kết hợp các hoạt động...

Quảng Ngãi: Hỗ trợ 70% Bảo hiểm y tế cho nhóm người yếu thế

Ngày 18/6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) và tại kỳ họp này các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua 7 Nghị quyết quan trọng, trong đó có việc hỗ trợ 70% Bảo hiểm y tế cho nhóm người yếu thế. Cụ thể, tại đây các đại biểu đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 27/2019 của HĐND tỉnh về hỗ trợ...

Ra mắt mô hình sản xuất và chế biến nước mắm gắn với bảo vệ môi trường

Chiều 17/6, Hội Nông dân xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã ra mắt mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn “Sản xuất và chế biến nước mắm”, gắn với bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2024. Mô hình sản xuất và chế biến nước mắm gắn với bảo vệ môi trường có 12 thành viên, hoạt động theo phương thức: Cá, muối chuyển thành mắm thô, từ mắm thô chuyển thành mắm tinh. Thay...

Quảng Ngãi sắp có 2 tên xã mới: Thắng Lợi và An Phú

UBND tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình gửi HĐND tỉnh thông qua việc sáp nhập đơn vị hành chính. Trong tương lai, Quảng Ngãi sẽ có những cái tên xã lạ lẫm là Thắng Lợi và An Phú. Một góc xã Nghĩa Phú sắp sáp nhập với xã Nghĩa An thành xã An Phú - Ảnh: T.M. Ngày 17-6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị thông qua nghị quyết sắp xếp các xã, thị trấn trên...

Quảng Ngãi sẽ sắp xếp lại đơn vị hành chính như thế nào?

Giai đoạn 2023- 2025, sau khi sắp xếp lại, tỉnh Quảng Ngãi giảm 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, còn lại 170 ĐVHC cấp xã, gồm 145 xã, 17 phường và 8 thị trấn. Ngày 17/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Tờ trình gửi HĐND tỉnh này về việc đề nghị thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023- 2025. Theo đó, sẽ nhập nguyên...

Quảng Ngãi đặt mục tiêu xuất khẩu sắn đạt 150-180 triệu USD

Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Quảng Ngãi đạt 150-180 triệu USD. Đây là một trong những nội dung chính của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn do UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành. Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch sắn. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch này là đến năm...

Trải nghiệm không gian văn hóa Sa Huỳnh – sản phẩm du lịch mới của Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện dự án xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có sản phẩm du lịch trải nghiệm không gian văn hóa Sa Huỳnh. Hướng đi mới trong du lịch cộng đồng Sa Huỳnh là địa danh nổi tiếng ở TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi), cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía nam. Đây là nơi đầu tiên phát lộ nền văn hóa cổ...

Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

“Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 (từ ngày 1 - 30/6), cũng là những nội dung được thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở nhiều cấp, nhiều...

Phát huy vai trò người có uy tín

Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số là những tấm gương điển hình ở miền núi. Họ còn là tuyên truyền viên tích cực trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, phát huy vai trò của người có uy tín góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Phổi (48 tuổi), ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp (Minh Long), đúng vào...

Tin nổi bật

Tin mới nhất