Các tỉnh, thành miền Bắc đang rét đậm, rét hại. Dự báo thời gian tới, nhiều đợt không khí lạnh mạnh tiếp tục tăng cường. Khu vực nào ở Việt Nam nguy cơ xảy ra tuyết và băng giá?
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết, thời kỳ 1 tháng tới (từ 11/1-10/2/2025), không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn.
Đặc biệt, những đợt không khí lạnh mạnh tập trung vào nửa đầu của thời kỳ dự báo và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại; nguy cơ có thể kèm theo sương muối và băng giá.
Về diễn biến các sóng không khí lạnh liên tiếp từ 9/1, đến sáng nay (11/1), cơ quan khí tượng thông tin, hầu khắp các tỉnh, thành miền Bắc, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ đã bị ảnh hưởng. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở trạm Lý Sơn gió đông bắc mạnh cấp 6.
Trong chiều và đêm nay, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường và ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.
Do ảnh hưởng dồn dập của không khí lạnh, từ 11-13/1, ở Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa – Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, riêng vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, khả năng xảy ra băng giá và sương muối; từ Hà Tĩnh – Quảng Ngãi trời rét.
Cơ quan khí tượng nhận định, nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa – Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi Bắc Bộ 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình 13-16 độ; Quảng Trị – Quảng Ngãi 15-18 độ.
Riêng thời tiết Hà Nội, từ 11-13/1, trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này 9-12 độ.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt rét này khả năng có thời điểm lạnh nhất từ đầu mùa đông, khi nhiệt độ toàn miền hầu như giảm thấp nhất dưới 10 độ, là vào khoảng sáng sớm Chủ Nhật, 12/1.
Không phải Fansipan, đâu là nơi lạnh nhất Việt Nam?
Một số đợt lạnh gần đây ghi nhận băng giá xuất hiện trên đỉnh Fansipan, như ngày 5/1 và trước đó là ngày 23/11 và 23/12/2024. Nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn dài 280km, đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m là nơi cao nhất Việt Nam. Nhiều người thường cho rằng đây sẽ là nơi lạnh nhất ở nước ta, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Theo thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn, mùa đông ở đỉnh Mẫu Sơn với nhiều lần ghi nhận mức nhiệt dưới 0 độ, kèm theo gió mạnh và băng giá, mới là nơi khắc nghiệt và lạnh nhất Việt Nam.
Khi không khí lạnh mạnh tràn về gây rét đậm, rét hại diện rộng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thường phát thêm bản tin 6h sáng để thông tin nền nhiệt một số khu vực. Trong đó, đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) thường được ghi nhận là nơi có nhiệt độ thấp nhất cả nước.
Mẫu Sơn là vùng núi cao nhất của tỉnh Lạng Sơn, độ cao trung bình từ 800-1.000m so với mặt nước biển. Khu vực cao nhất của núi Mẫu Sơn cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 30km về phía Đông và cách thủ đô Hà Nội khoảng 180km.
Do cấu tạo địa hình có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra ở phía bắc, chụm đầu về phía Tam Đảo, Mẫu Sơn là cửa ngõ đón gió mùa ở Việt Nam. Về mùa đông nhiệt độ Mẫu Sơn xuống tới âm độ, thường xuyên có băng giá, thi thoảng có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 độ, đỉnh núi này quanh năm có mây phủ.
Thời gian đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện băng giá, nhiều người đổ lên đây ngắm băng và “săn tuyết”. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi di chuyển lên đỉnh Mẫu Sơn cần đi giày đế bám chắc. Lái xe cần chú ý đường đóng băng, trơn trượt. Đặc biệt, do nền nhiệt thấp, độ ẩm cao rất dễ bị sốc nhiệt nên du khách lên đây cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể.
Sóng không khí lạnh tiếp tục tràn về, miền Bắc có lúc rét nhất từ đầu mùa
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Đón không khí lạnh mạnh, đêm rét căm căm