(Báo Quảng Ngãi)- Cuốn sách nhạc “Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang” gồm 50 ca khúc được nhạc sĩ Phạm Đăng Khương hoàn thành sau gần 1 năm ấp ủ. Điều đặc biệt ở đây là, các ca khúc được lấy chất liệu từ câu chuyện lịch sử, từ những vị anh hùng tài ba của đất Việt.
“Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang” là công trình nhạc hiếm hoi nhìn lại toàn bộ sử Việt mấy nghìn năm, là món quà quý báu dành cho thế hệ mai sau. Lý giải về sự ra đời ấn phẩm “Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho biết, hằng ngày đi trên những con đường ở các thành phố, mọi người đều thấy những bảng tên đường quen thuộc như: Đinh Tiên Hoàng, Trương Định, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng… Như tại TP.Hồ Chí Minh, có con đường mang tên Nguyễn Huệ ở quận 1, ở quận Gò Vấp có đường Quang Trung, dù hai tên khác nhau nhưng là một người. Hay ở quận 1 có đường Đinh Tiên Hoàng, ở quận Bình Thạnh có đường Đinh Bộ Lĩnh – là tên của một vị tướng tài ba, dùng cờ lau để làm trận đánh giả, sau này thành vị vua của dân tộc.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương (bên trái) cùng người bạn giới thiệu cuốn sách nhạc “Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang”. Ảnh: NVCC |
“Có thể nhiều người chỉ biết rằng đó là những bậc anh hùng của dân tộc, có công dựng nước và giữ nước, nhưng lại không nhớ rõ ở thời đại lịch sử nào, công trạng của họ ra sao. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng dùng âm nhạc kể chuyện cuộc đời, sự nghiệp của những vị anh hùng dân tộc, giúp khán giả hiểu về lịch sử dân tộc mình, đặc biệt là truyền cảm hứng để học sinh có những giờ học lịch sử thú vị, không nhàm chán, khô khan”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ.
Từ ý tưởng và mong muốn của mình, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương bắt đầu tập trung nghiên cứu tư liệu lịch sử Việt Nam, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, dấu ấn đặc biệt của các danh nhân, anh hùng dân tộc. Ban đầu, ông chỉ viết chừng 10 bài hát về các vị vua đã dành trọn đời mình đánh giặc cứu nước, cứu dân. Nhưng khi đọc lại lịch sử, ông nhận ra quá nhiều điều hay, dành một sự tôn kính và ngưỡng mộ nhiều bậc vua, vị tướng trong việc gìn giữ cõi bờ, nên đã chắp bút viết một mạch 50 ca khúc.
Điểm thú vị và khác biệt của cuốn sách nhạc này chính là mang hơi hướng sách sử. Ở trước mỗi bài hát là phần khái quát ngắn gọn các câu chuyện, sự tích nhân vật, giúp độc giả có thêm thông tin, đến gần hơn những ca khúc đi cùng năm tháng. Tác giả khéo léo kết hợp chất liệu âm nhạc hiện đại với nội dung lịch sử để tác phẩm dễ nghe, dễ nhớ và gần gũi với thế hệ trẻ.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sinh ra và lớn lên tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Vốn học giỏi Toán, từng là sinh viên sư phạm Toán nhưng với niềm đam mê âm nhạc, cuối cùng ông đã chọn theo con đường mà mình mơ ước. Nhiều ca khúc của ông đã trở nên quen thuộc với công chúng như: Sài Gòn 300 năm, Thanh niên vì ngày mai, Khi Tổ quốc cần, Bài ca cô giáo trẻ, Vầng trăng cổ tích (thơ Đỗ Trung Quân), Con đường đến trường, Như cơn gió vô tình, Khung trời mơ ước… |
Từ lời ca đến giai điệu có khi hào hùng với “Ngón trỏ Trần Hưng Đạo”, như hình ảnh tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Công viên Mê Linh (TP.Hồ Chí Minh); “Nữ tướng Bùi Thị Xuân” – Đô đốc của Vương triều Tây Sơn; cuộc khởi nghĩa “Bình Tây Đại nguyên soái” là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất vùng Nam Bộ trong giai đoạn đầu của phong trào kháng Pháp. Có lúc sâu lắng với “Trầu cau đất Việt”; “Bánh dày bánh chưng” – truyền thuyết có từ thời đại Hùng Vương vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay; lúc lại nhẹ nhàng như “Nhụy Kiều tướng quân” – vị nữ anh hùng Triệu Thị Trinh yêu kiều như nhụy hoa, nên được người đời phong tặng danh hiệu Nhụy Kiều tướng quân… Cứ như thế, những câu chuyện lịch sử không còn “đóng khung” trong sách vở, mà được tái hiện sinh động, nhiều màu sắc dưới góc nhìn của nhạc sĩ tài hoa này.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho biết, trên thực tế, việc quay phim đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều. Trong những chuyến đi, dù công tác hay du lịch, tôi đều tận dụng thời gian rảnh để quay phim, chụp hình, viết nhạc… Ngay cả lúc ngồi trên máy bay hay trên xe qua những chặng đường dài, tôi tận dụng khoảng thời gian đó để dựng phim, viết bài, sáng tác hoặc nhìn ngắm, chờ đợi những cảnh đẹp bên đường để ghi vào ống kính. Chính những thước phim đã gợi lại những cảm xúc đã có sẵn trong tôi, khi xem phim xong cảm xúc lại càng thêm sâu lắng hơn, giúp cho tinh thần thư giãn, bay bổng những lời ca, giai điệu âm nhạc. Và cũng từ những bài hát của mình, tôi lại dựng thành những MV, video clip ca nhạc, rồi đăng lên Facebook, YouTube chia sẻ cùng bạn bè.
Trong sách nhạc “Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương áp dụng công nghệ để ca khúc dễ tiếp cận khán giả hơn. Ở mỗi tác phẩm đều có một mã QR. Quét mã này, khán giả sẽ được truy cập vào chính bài hát đó trên kênh YouTube “Phạm Đăng Khương Official”, có phần biểu diễn của ca sĩ và có bản nhạc karaoke dành cho khán giả yêu thích, có thể tập hát theo.
“Tôi có một niềm mong mỏi là các sáng tác đến được với nhiều khán giả yêu nhạc, đặc biệt là các em học sinh. Hiểu, nhớ về các anh hùng cũng là hiểu về lịch sử, nhớ về nguồn cội của dân tộc mình. “Hồng Bàng đất Mẹ Văn Lang” không phải là điểm dừng, chỉ tạm dừng ở giai đoạn đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi sẽ tiếp tục sáng tác các nhân vật lịch sử tiêu biểu của nước Việt ở các thời kỳ tiếp theo”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương chia sẻ.
NGUYỄN NHÃ
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202501/ke-chuyen-lich-su-bang-am-nhac-03614b4/