(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm – ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ của cả dân tộc Việt Nam, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng. Tại các địa phương trong tỉnh, đây là dịp để người dân tụ hội về đình làng, dinh miếu, dòng họ… thắp nén hương tưởng nhớ các Vua Hùng, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên, các bậc tiền nhân có công khai hoang lập làng.
Gắn kết dòng tộc
Người dân ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân tại đình làng La Hà. |
“Việc tổ chức Giỗ Tổ không chỉ là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc, tri ân các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
|
Tại một số họ tộc ở Quảng Ngãi, người dân tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương cùng với ngày giỗ họ với tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên, ông bà. Để chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ năm nay, các thành viên dòng họ Hà ở Quảng Ngãi tập trung tại nhà thờ chính ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) để sửa sang lại các gian thờ, chuẩn bị các lễ vật để cúng. Ông Hà Văn Phước (71 tuổi), quản lý nhà thờ họ Hà chia sẻ, dòng họ Hà đã thống nhất lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày sum họp dòng họ. Nhờ đó, con cháu trong dòng họ biết tình thân, đoàn kết, yêu thương. Lễ giỗ còn làm nền tảng cho nhiều thế hệ con cháu trong dòng họ gìn giữ truyền thống tốt đẹp, xem trọng mối quan hệ thân tộc. “Ngoài việc tri ân, tưởng nhớ công đức tổ tiên, chúng tôi duy trì lễ giỗ này để vận động các thành viên trong dòng họ chăm lo giáo dục, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Tại lễ giỗ, các họ tộc thường kết hợp chúc thọ các cụ và tổ chức khen thưởng cho con cháu trong dòng tộc học hành giỏi giang, đỗ đạt”, ông Phước cho hay.
Ông Trần Rạng (60 tuổi), là cháu ngoại dòng họ Hà. Ông Rạng cho hay, ông bà xưa có câu “Chim có tổ, người có tông”, ai cũng có khát vọng tìm về nguồn cội của mình để sống trong tình thân. Đây là ngày để con cháu trong dòng tộc tìm hiểu về nguồn cội, tri ân công đức của tổ tiên.
Con, cháu dòng họ Hà thắp hương tưởng nhớ tổ tiên tại nhà thờ họ Hà, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). |
Tại Từ đường họ Trần An Hòa, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) cũng tổ chức dâng hương, lễ vật và cúng tổ tiên họ Trần An Hòa nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ông Trần Mẫn, thành viên Ban Quản lý Từ đường họ Trần An Hòa cho biết, từ đường là nơi thờ chí sĩ Trần Du và dòng họ Trần. Chúng tôi chọn ngày giỗ trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục con cháu về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phấn đấu học tập, lao động để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. “Từ đường họ Trần An Hòa – nơi thờ chí sĩ Trần Du đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Noi gương chí sĩ Trần Du, con cháu tộc họ Trần An Hòa hầu hết học giỏi, thành đạt. Con cháu trong dòng họ đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng Từ đường họ Trần An Hòa ngày một khang trang hơn”, ông Mẫn chia sẻ.
Cố kết cộng đồng
Bên cạnh các dòng họ, nhiều gia đình ở các địa phương cũng chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để sum họp gia đình. Đã thành thông lệ, mỗi khi đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình ông Võ Chính, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) chuẩn bị lễ vật, dâng hương lên bàn thờ tổ tiên. Ông Chính cho biết, đây là việc làm được gia đình tôi duy trì từ rất lâu, trước để bày tỏ lòng thành kính tới các Vua Hùng, sau là giáo dục con cháu nhớ về truyền thống, cội nguồn.
Người dân soạn hoa, quả cúng tại đình làng Hiệp Phổ, ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành). |
Tại đình làng Ngọc Áng, dinh Bà, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), đình làng La Hà ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), đình làng Hiệp Phổ, ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành)… người dân cũng chuẩn bị các lễ vật chu đáo để dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng, các bậc tiền nhân. Ông Nguyễn Hưng (71 tuổi), thành viên tham gia cúng tại đình làng Hiệp Phổ, xã Hành Trung cho biết, trước ngày giỗ, người dân trong làng tạm gác việc đồng áng để tập trung dọn vệ sinh sân đình và chuẩn bị cho lễ giỗ. Tấm lòng thành kính của thế hệ hôm nay như chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện lòng biết ơn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ đó ra sức học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc… để xứng đáng với tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202504/huong-ve-nguon-coi-bf203e6/