(Báo Quảng Ngãi)- Chúng ta đang kỳ vọng sẽ có một nền nông nghiệp thông minh. Nhưng, để có điều đó, thì điều kiện tiên quyết là phải có nông dân thông minh.
Nông dân, có thể thông minh bẩm sinh, nhưng muốn có một lực lượng nông dân thông minh phủ sóng ở diện rộng thì nông dân phải có học, phải có tri thức, và từ đó, khi trực tiếp làm nông nghiệp, mới có được đội ngũ những nông dân thông minh.
Điều khó khăn nhất hiện nay với chúng ta là, lực lượng những người trẻ có học rất ít người về nông thôn, không có nhiều người trẻ chuyên tâm về sản xuất nông nghiệp. Khi ở những làng quê chúng ta hiện nay, người trẻ ngày càng vắng bóng, do học sinh khi thi hay chọn vào học đại học hay cao đẳng, họ rất ít chọn ngành nghề nông nghiệp.
Bây giờ, chỉ còn chờ đợi những người trẻ, khi có học, dù học bất cứ ngành nghề nào, nhưng sau khi học, họ lại thích thú với nghề nông, và chọn nghề nông cho hướng phát triển của cả sự nghiệp và cuộc đời mình, thì đó mới thực sự là đội ngũ sẽ làm nòng cốt cho nông nghiệp thông minh. Trước hết, vì lực lượng ấy có học. Thứ hai, họ có nguyện vọng, có khát khao làm nông nghiệp. Dĩ nhiên, với họ bây giờ nông nghiệp không còn là chuyện “con trâu đi trước cái cày đi sau”, mà là nông nghiệp tự động hóa, nông nghiệp sử dụng điện thoại thông minh, nông nghiệp biết tôn vinh chữ sạch lên đầu bảng chất lượng, nông nghiệp biết sản xuất vì người tiêu dùng thông minh, biết nông sản đi con đường nào để đến với người tiêu dùng nội địa và người tiêu dùng thế giới.
Chính lực lượng người làm nông nghiệp biết sử dụng công nghệ cao, biết tính toán đầu ra cho nông sản, biết nông sản mình sản xuất phải thế nào mới thực sự được người tiêu dùng chọn lựa sẽ biết phải làm gì để nông sản của mình vượt qua được những cửa kiểm soát ngặt nghèo của những quốc gia phát triển, tới được với người tiêu dùng thực sự thông minh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã bày tỏ niềm mơ ước của mình về tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam qua những câu nói ngắn gọn: “Tôi chỉ ước mơ một ngày nào đó, tri thức được phủ hết trên những cánh đồng, chuồng trại, ao bè, tri thức đi vào người nông dân. Những khái niệm học thuật như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp hữu cơ… trở thành những giáo trình nhẹ nhàng nhất để người nông dân có thể dễ hiểu, chấp nhận và dễ hành động nhất. Như vậy, những sáng kiến, đổi mới sẽ không còn manh nha mà phát triển thành chuỗi, đồng bộ, mang lại bộ mặt mới cho nền nông nghiệp Việt Nam”.
Muốn có một nền nông nghiệp phổ cập tri thức như vậy, thì chính Bộ NN&PTNT phải trở thành “Bộ Tổng tham mưu” của nền nông nghiệp tri thức, phải đưa được trí thức nông nghiệp ở dạng giản dị dễ hiểu nhất, dễ thực hiện nhất tới với đông đảo nông dân Việt Nam.
Và tại mỗi làng quê Việt Nam, phải có những người trẻ có học, có khả năng tiếp cận công nghệ cao làm “đầu tàu” cho tri thức nông nghiệp được phủ sóng và trở thành những tri thức đồng hành với người nông dân, với ruộng đồng, trang trại Việt Nam. Đó là mong ước lớn, rất lớn, và đòi hỏi phải có những bước đi cụ thể, những bài học dễ tiếp thu với người nông dân, như điện thoại thông minh bây giờ đã phủ sóng ở nông thôn Việt Nam.
Với đội ngũ nông dân tay cầm điện thoại thông minh đi thăm đồng, đi vào những trang trại sản xuất ngày càng phổ biến như hiện nay, thì nền nông nghiệp Việt Nam sẽ sớm trở thành một nền nông nghiệp tri thức.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: