(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần hăng say lao động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên, phụ nữ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương.
Đến thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) hỏi về “trang trại” bò của vợ chồng chị Đinh Thị Mỹ Trang, thì hầu như người dân địa phương ai cũng biết. Bởi mô hình chăn nuôi bò của chị Trang có quy mô lớn nhất, nhì ở xã. Chị Trang chia sẻ, để phát triển đàn bò như hiện nay, tôi cũng phải tích cóp, chịu khó và vượt qua nhiều khó khăn.
“Sau khi lập gia đình, cha mẹ chồng cho vài sào đất, nhưng ở xã ven biển, đất khá khô cằn, khó trồng trọt nên vợ chồng tôi tập trung chăn nuôi. Ban đầu, không có vốn nên vợ chồng tôi chăn nuôi heo, gà với quy mô nhỏ, sau đó tích lũy dần rồi chăn nuôi thêm bò. Trong quá trình chăn nuôi cũng thua lỗ, gặp rủi ro, dịch bệnh, thế nhưng không nản chí, vợ chồng tôi tiếp tục tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin để có thêm kiến thức”, chị Trang bộc bạch.
Chị Đinh Thị Mỹ Trang, ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Đến khi tích lũy được một số vốn kha khá, năm 2015, vợ chồng chị quyết định xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với quy mô lớn hơn. Thời gian đầu, vợ chồng chị chăn nuôi chừng hơn 10 con bò, sau đó mở rộng, phát triển đàn bò lên gần 30 con, trong đó duy trì từ 6 – 8 con bò sinh sản. “Để đáp ứng nguồn thức ăn sạch, dồi dào cho đàn bò, tôi phải thuê thêm đất, trồng hơn 7 sào cỏ. Trung bình mỗi ngày, đàn bò ăn hơn 300kg cỏ và rơm rạ. Nhờ cung cấp nguồn thức ăn xanh đầy đủ và vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng theo hướng dẫn mà đàn bò luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Thời gian đến, vợ chồng tôi dự tính sẽ tiếp tục vay vốn để xây thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi”, chị Trang cho hay.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Minh Cao Thị Kim Đoàn cho biết, dù chăn nuôi số lượng lớn nhưng việc chăn nuôi, chăm sóc đàn bò chị Trang đều đảm đương. Chị Trang không chỉ chịu khó, hăng say lao động, nỗ lực làm giàu cho gia đình, mà còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân lân cận và chị em hội viên.
Chị Lê Thị Dương ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn), thì phát triển kinh tế nhờ mô hình chăn nuôi thỏ. Trước đây, vợ chồng chị từng làm nhiều nghề, nuôi thử nghiệm vật nuôi như chồn, dúi, thế nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Đến năm 2019, vợ chồng chị quyết tâm đầu tư nuôi thỏ bởi chi phí chăn nuôi thấp, thức ăn dễ tìm và có đầu ra ổn định. “Vợ chồng tôi đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thỏ khoảng 70 triệu đồng và ban đầu chỉ nuôi 6 – 7 cặp thỏ giống. Vài năm sau, đàn thỏ đã lên 200 – 300 con. Đúng lúc chăn nuôi đang phát triển thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến các hàng quán tạm đóng cửa, sức tiêu thụ chậm, nên thỏ không bán được. Dù trải qua giai đoạn khó khăn hơn 1 năm, nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng duy trì chăn nuôi”, chị Dương cho biết.
Hiện nay, trại thỏ của vợ chồng chị Dương có hơn 50 con thỏ sinh sản và duy trì từ 500 – 600 con thỏ thịt. Mỗi tháng, chị Dương xuất bán ra thị trường khoảng 200 con thỏ thịt, mỗi con có trọng lượng trung bình 2kg. Với giá thịt hơi giữ ở mức 100 nghìn đồng/kg đã mang lại thu nhập khá cho gia đình chị. “Theo tôi, để chăn nuôi thành công như ngày hôm nay, ngoài yếu tố kỹ thuật, thì sự kiên trì, bền bỉ rất quan trọng. Nếu trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, vợ chồng tôi từ bỏ thì sẽ không có thành quả như hôm nay”, chị Dương tâm sự.
Bài, ảnh: KHẢI NAM
TIN, BÀI LIÊN QUAN: