(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều câu lạc bộ (CLB) dân ca – bài chòi, nhằm gắn kết những người cùng đam mê, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trao truyền cho thế hệ trẻ
Mới đây, CLB Dân ca – Bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh được thành lập. Câu lạc bộ hiện có gần 30 thành viên, mỗi người một công việc, ngành nghề khác nhau nhưng có cùng đam mê, tâm huyết gìn giữ và phát huy nghệ thuật bài chòi. Các thành viên CLB đa số là những người trẻ. Chủ nhiệm CLB Dân ca – Bài chòi (Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh), nghệ nhân ưu tú Trần Tám chia sẻ, với sự dẫn dắt của nhiều nghệ nhân am hiểu lĩnh vực bài chòi sẽ giúp các thành viên CLB trau dồi kinh nghiệm biểu diễn, thành thục các làn điệu bài chòi để góp phần phát huy nghệ thuật bài chòi trong đời sống đương đại. “Chúng tôi tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ và tổ chức các chương trình biểu diễn để tạo sân chơi, mọi người cùng tham gia biểu diễn, phát huy năng khiếu và tìm kiếm, phát hiện thêm các nhân tố mới để đào tạo”, ông Tám nói.
Là một trong những hạt nhân trẻ nòng cốt của CLB Dân ca – Bài chòi, anh Tạ Văn Cương (37 tuổi), ở TP.Quảng Ngãi, cùng các thành viên CLB thường xuyên biểu diễn các tiết mục bài chòi tại nhiều chương trình, hội thi, hội diễn do ngành văn hóa tổ chức. Anh Cương là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), có năng khiếu về văn nghệ nên thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. “Vốn đam mê ca hát, đam mê bài chòi nên tôi đăng ký tham gia CLB Dân ca – Bài chòi để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, từ đó truyền dạy cho học sinh của trường tôi nói riêng và lớp trẻ nói chung để trao truyền, giữ gìn cái hay của nghệ thuật bài chòi”, anh Cương cho hay.
Hội viên Câu lạc bộ Dân ca – Bài chòi (Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh) biểu diễn các làn điệu dân ca, bài chòi. |
Chị Phạm Thị Thanh Nga (39 tuổi), dạy môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cũng tích cực tham gia sinh hoạt tại CLB Dân ca – Bài chòi. “Câu lạc bộ là cầu nối giúp tôi giao lưu với các thành viên có cùng đam mê. Trường Tiểu học Tịnh Thọ đã thành lập CLB âm nhạc. Sắp tới, chúng tôi cố gắng truyền dạy các làn điệu dân ca bài chòi cho các em học sinh có năng khiếu, để truyền đam mê cho học sinh yêu thích bài chòi”, chị Nga chia sẻ.
Khai thác phát triển du lịch
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như TP.Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bình Sơn, TX.Đức Phổ đã thành lập CLB Dân ca – Bài chòi. Tại huyện Mộ Ðức, sau 5 năm thành lập, CLB Dân ca – Bài chòi huyện đã trở thành nơi gắn kết trên 50 thành viên. Huyện Mộ Đức đã có định hướng đưa nghệ thuật hát dân ca, bài chòi, chơi bài chòi thành sản phẩm phục vụ du lịch. Huyện chọn xây dựng địa điểm biểu diễn bài chòi tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân.
Theo nghệ nhân ưu tú Trần Tám, những năm qua, nhiều CLB được thành lập và đã tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật, cuộc thi bài chòi trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kinh phí để duy trì các hoạt động CLB còn hạn hẹp; những lớp nghệ nhân bài chòi được coi là những “di sản sống” đa số lớn tuổi và không còn nhiều. Do đó, để các CLB dân ca – bài chòi hoạt động hiệu quả, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để các CLB duy trì hoạt động, quan tâm đãi ngộ các nghệ nhân lớn tuổi và tổ chức thường xuyên các lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Trong đó, tập trung phát triển các CLB bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch. Việc đưa bài chòi vào khai thác phục vụ du khách là cần thiết, nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202411/gan-ket-dam-me-bai-choi-3022324/