(Báo Quảng Ngãi)- Chị Đỗ Thị Tường Vi (40 tuổi), ở thôn An Long, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), đã thành công trên con đường khởi nghiệp, khi trở thành người tiên phong xuất khẩu ớt sang thị trường các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Thoạt đầu, chị Vi là công nhân làm đủ việc từ khâu hái ớt, khuân vác, đến thu mua, chế biến, xuất khẩu. Giờ chị trở thành giám đốc doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Tìm cho mình một hướng đi
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Vi đã trải qua cuộc sống nhiều thiếu thốn, nên chị thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân nông thôn. Chị đã nỗ lực học hết trung cấp sư phạm mầm non, tốt nghiệp năm 2013 rồi về quê dạy học. Sau đó, chị tiếp tục học đại học. Năm 2016, chị Vi lập gia đình. Sinh được 2 con thì vợ chồng chị ly hôn. Một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ. Lương giáo viên mầm non không đủ trang trải cuộc sống, nên chị tranh thủ lúc ngoài giờ, ngày nghỉ đi hái ớt thuê để kiếm thêm thu nhập.
Chị Đỗ Thị Tường Vi (bên phải), ở thôn An Long, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), hướng dẫn lao động đóng gói ớt để đưa đi xuất khẩu. |
Đi sớm về tối, chị hiểu rõ nỗi khổ của người nông dân trồng ớt. Nhất là thời điểm ớt được mùa, chín đỏ ở các cánh đồng dọc ven sông Vệ mà không có người thu mua. Thương người trồng ớt, thương hoàn cảnh của mình, chị tập tành đi buôn ớt. “Cứ có đồng nào là tôi đầu tư mua ớt, đem bán cho các đại lý hoặc đưa ra chợ đầu mối tiêu thụ”, chị Vi nhớ lại.
Lâu dần thành quen, các thương lái đặt hàng chị để thu mua ớt chín, ớt xanh. Để có tiền gom ớt, chị Vi phải vay mượn bà con trong xóm mỗi người một ít. Ngày hôm trước mượn, ngày hôm sau bán được ớt là chị trả tiền ngay cho bà con. Thấy chị làm ăn giữ chữ tín và cũng để đảm bảo nguồn hàng, có thương lái xuất khẩu ớt sang Trung Quốc, Hàn Quốc đặt tiền cọc trước cho chị vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng để chị thu mua ớt. Chị hiểu rằng, muốn nhận tiền cọc lớn thì cần phải liên kết với người dân để có đủ nguồn hàng.
Rồi nghề dạy nghề, mỗi ngày trôi qua, chị Vi hiểu hơn về chuyện kinh doanh. Chị sớm nhận ra nhu cầu thị trường xuất khẩu ớt rất dồi dào mà có lúc, đến mùa thu hoạch, ớt chín đỏ ngoài đồng, nhưng người thu mua rất ít, nên chị quyết định rời bục giảng, gắn bó với nghề kinh doanh ớt. Chị Vi chia sẻ, để có sản phẩm tốt tôi phải đặt ra tiêu chuẩn giúp người trồng ớt chú tâm chăm sóc cây ớt. Ban đầu là phục vụ thị trường Quảng Ngãi, sau đó mở rộng ra các tỉnh lân cận.
“Nghề kinh doanh phải chấp nhận rủi ro. Có chuyến hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc không đảm bảo chất lượng, tôi bị phạt 700 triệu đồng. Qua đó, tôi rút ra được bài học là phải thận trọng trong việc kiểm tra chất lượng từ đầu vào đến sơ chế, đóng gói, xuất đi đúng thời hạn”, chị Vi bộc bạch.
Giữ chữ tín
Tôi đến cơ sở sơ chế ớt của chị Vi khi chị vừa trở về từ các tỉnh Tây Nguyên. Chị vào nhà xưởng, rồi phân công một số người đi các tỉnh thu mua ớt. Số lao động lớn tuổi, có con nhỏ thì làm công việc sơ chế, đóng gói, để nhân công chuyển lên xe xuất đi. Chị Vi cho hay, các nước Hàn Quốc, Trung Quốc đang vào mùa lạnh, nên xuất khẩu ớt vào thời điểm này giá cả cao hơn mùa nắng.
Ớt của cơ sở chị Đỗ Thị Tường Vi đã được xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. |
Mỗi năm, chị Đỗ Thị Tường Vi thu mua khoảng 2.000 tấn ớt, sơ chế xuất sang các nước khu vực Đông Á, doanh thu hơn 30 tỷ đồng, cho lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ sở của chị Vi giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. |
Để có ớt xuất khẩu, có năm lên đến 1.000 tấn, chị Vi phải kết nối, thu mua ớt ở nhiều tỉnh. Từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch, chị thu mua ớt trong tỉnh. Khi mùa mưa đến thì chị thu mua ớt ở các tỉnh Tây Nguyên và phía bắc. Năm nay, vùng trồng ớt ở các tỉnh phía bắc hư hại nhiều do mưa lũ nên để gom cho đủ số lượng ớt phục vụ sơ chế xuất khẩu, chị Vi không chỉ đến các đại lý thu gom mà nhiều lúc phải đến tận nhà vườn của người trồng ớt ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai để thu mua.
“Làm ăn phải có chữ tín, đã cam kết thì khó khăn thế nào vẫn phải có hàng cho đối tác. Sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn. Tôi phải xây dựng 4 kho đông lạnh để trữ hàng trăm tấn ớt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị Vi cho biết.
Bây giờ, thị trường tiêu thụ ớt của chị Vi không chỉ trong nước mà xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hằng năm, chị Vi thu mua hàng nghìn tấn ớt, rồi sơ chế để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phải gom hàng nhiều, nên chị Vi mạnh dạn vay vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đức Hiệp để trả tiền cho nông dân trồng ớt. Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đức Hiệp Lý Ngọc Bình nhận xét, chị Đỗ Thị Tường Vi làm ăn rất có uy tín. Nhiều lúc, chị Vi đến quỹ vay tiền là đơn vị giải ngân tạo điều kiện cho chị hoạt động. Chị luôn trả lãi và gốc đúng hẹn…
Tạo việc làm cho người lao động
Làm ăn khá dần lên, chị Vi luôn nghĩ về những năm tháng khó khăn với sự động viên của bà con hàng xóm. Vậy nên, mặc dù thu mua ớt trong Nam ngoài Bắc, nhưng xưởng chế biến ớt của chị Vi lại đặt ở quê nhà, thôn An Long, xã Đức Hiệp. Mỗi xưởng đều có vài chục lao động, luôn tấp nập người, xe máy, xe tải ra vào.
Tôi gặp chị Đỗ Thị Kim Khuê (43 tuổi), ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), miệng thì nói nhưng tay nhặt ớt thoăn thoắt. Chị bảo, làm khoán nên phải tranh thủ. Tôi có 4 người con. Cùng với việc nuôi thêm con heo, con gà và làm ruộng, tôi đến đây xin lặt, rửa, sơ chế ớt. Mỗi giờ cũng kiếm được 30 nghìn đồng. Tranh thủ làm thêm ban trưa, hay tối thì ngày cũng kiếm được 300 – 400 nghìn đồng. Tôi gắn bó với xưởng ớt của chị Vi đã nhiều năm, thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Lao động phân loại ớt tại cơ sở của chị Đỗ Thị Tường Vi. |
Đối với chị Trần Thị Bích Vân (31 tuổi), ở thôn 2, xã Đức Nhuận, thì xưởng ớt của chị Vi cho chị cơ hội để ở lại quê nhà. Trước đây, chị Vân cùng các bạn vào các KCN để xin việc làm. Ngày ấy, cuộc sống độc thân ở đâu cũng được. Thế nhưng, từ ngày có con nhỏ, chị Vân không đi làm xa nhà được. Vì vậy, hằng ngày, chị Vân tranh thủ chăm con rồi gửi cho ông bà, rồi đến xưởng ớt của chị Vi làm từ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Thu nhập cũng đủ tiền trang trải cho con.
Ở xưởng của chị Vi còn có những người già, họ vừa lặt ớt vừa kể chuyện râm ran. Bà Phạm Thị Tư (80 tuổi), ở xóm 2, thôn An Long, xã Đức Hiệp, đang đảo lại mủng ớt đỏ tươi vừa mới lặt cuống xong bảo, mấy việc này ngày trước tôi làm hoài. Con cháu bảo nghỉ ngơi, nhưng thấy đứa nào cũng khó khăn, tôi ở nhà lại trở thành gánh nặng của nó. Việc tôi đang làm không nặng lắm, trước đến giúp cháu Vi, hơn nữa mình cũng có đồng ra đồng vào để ăn sáng, chi tiêu hằng ngày.
Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, xưởng ớt của chị Vi còn tạo điều kiện cho nhiều người làm việc tại nhà. Theo chị Vi, hằng ngày xưởng ớt của chị còn có khoảng chục lao động đến chở ớt tại xưởng về sơ chế. Quá trình lặt, họ lựa chọn trái nào đạt thì lấy và loại bỏ trái bị hư. Khi lặt cuống xong thì qua công đoạn mổ lấy ruột, rửa rồi đóng gói, cấp đông.
Nhìn nụ cười hạnh phúc của chị Vi khi nhìn mọi người làm việc, tôi biết niềm vui không còn bó hẹp ở cá nhân chị, mà đã lan tỏa đến nông dân trồng ớt và những người làm việc cho cơ sở của chị trong lúc nông nhàn…
Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202411/dua-qua-ot-chinh-phuc-thi-truong-dong-a-13f152f/