(Báo Quảng Ngãi)- Có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, Quảng Ngãi đang phát triển mạnh mẽ và đa dạng các ngành công nghiệp. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua.
Tăng trưởng vượt bậc
Mặc dù năm 2024 tình hình thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp vào Quảng Ngãi có phần chậm lại, song kết quả thu hút đầu tư của tỉnh ở lĩnh vực này trong những năm trước đã đem lại “quả ngọt” cho tỉnh. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, công nghiệp Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong khu vực, là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Từ năm 2018 đến 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực công nghiệp đạt 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP cũng có sự gia tăng, từ 37,5% năm 2018 lên 42,3% năm 2023. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện vai trò chủ lực khi chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 40,2% trong GRDP vào năm 2023.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tạo đột phá cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Bên cạnh đó, lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cũng tăng đáng kể, từ 50,9% năm 2018 lên 67% năm 2023, minh chứng cho sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực và giảm sự phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế khi chiếm đến 98% trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh. Các cơ sở công nghiệp hiện đại như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina… đang đóng vai trò then chốt trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Không chỉ phát triển mạnh mẽ về công nghiệp nặng, Quảng Ngãi cũng chú trọng vào công nghiệp nhẹ và chế biến thực phẩm với những sản phẩm như đường, thủy sản chế biến… Những mặt hàng này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Phát huy thế mạnh
Khai thác lợi thế hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, cũng như vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, miền núi, vừa có biển, hải đảo, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, đưa ngành này trở thành ngành chủ lực, là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Doosan Vina là nhà đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả tại Quảng Ngãi. Trong ảnh: Công nhân Doosan Vina trong ca làm việc. |
Sự thành công trong việc xây dựng và phát triển KKT Dung Quất và các KCN như Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi đã chứng minh chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện của tỉnh. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư và phát triển. Những bước phát triển này không chỉ thúc đẩy sự hội nhập mạnh mẽ của các DN Quảng Ngãi vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện Quảng Ngãi đã quy hoạch 6 KCN trong KKT Dung Quất và 2 KCN ngoài KKT Dung Quất, với tổng diện tích hơn 2.000ha, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 490 dự án công nghiệp, với tổng vốn đầu tư 393 nghìn tỷ đồng, trong đó có 65 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD). Nhiều dự án lớn được triển khai, góp phần lan tỏa sự phát triển như: KCN Đô thị – Dịch vụ VSIP I, II Quảng Ngãi; NMLD Dung Quất; Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất; 2 dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III; dự án Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tân Mahang Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi). |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Ngãi còn đối mặt với không ít khó khăn. Việc định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như năng lượng và dệt may còn hạn chế, do thiếu cơ chế chính sách đột phá. Khó khăn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, rào cản trong tiếp cận đất đai và chi phí đầu vào ngày càng tăng cũng là những thách thức đòi hỏi tỉnh cần sớm có giải pháp khắc phục.
Hướng tới tương lai
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 6/11/2024 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7,25 – 8,25%/năm, trong đó tăng trưởng công nghiệp đạt 8,25 – 9,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 7.700 – 7.900USD. Cơ cấu công nghiệp – xây dựng chiếm 36,5 – 37,5% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 – 2030 là 6,5 – 7,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 75%. Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.
Những con số trên không chỉ đơn thuần là mục tiêu, mà là khát vọng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Quảng Ngãi trong những năm đến. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, tỉnh đã đề ra những giải pháp đầy sáng tạo, cùng các chiến lược rõ ràng, từ đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách, cho tới phát triển KH-CN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.
Với tầm nhìn dài hạn, Quảng Ngãi đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và phát triển công nghiệp bền vững. Các hoạt động hỗ trợ DN, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang được tỉnh triển khai mạnh mẽ, tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp tiên tiến, đưa Quảng Ngãi trở thành trung tâm công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước.
Bài, ảnh: PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202411/dong-luc-tang-truong-kinh-te-f1f22b4/