Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để dần hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp. Cùng với các chính sách của Nhà nước, tỉnh thực hiện công tác xã hội hóa dồn điền đổi thửa với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đơn vị, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, mang lại hiệu quả cao; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, nhất là đối với diện tích đất công ích ở các địa phương.
Tham gia xã hội hóa dồn điền đổi thửa, các đơn vị, doanh nghiệp cải tạo đồng ruộng, nạo vét sông, hình thành hệ thống thủy lợi nội đồng cho nông dân.
Để đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tháng 7/2023, Quảng Ngãi triển khai chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Song song đó, tỉnh thực hiện phương án xã hội hóa công tác dồn điền đổi thửa trên diện tích vùng đất có tận thu đất sét với sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp. Chính sách này mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp, dần hình thành vùng chuyên canh, liền vùng, liền thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 20-25% so với trước.
Dân biết, dân bàn chuyện dồn điền đổi thửa
Nhìn cánh đồng bắc Cu Ra thẳng tắp với thửa ruộng 6 sào liền mạch, đường lớn đi đến nơi, ông Trương Phi Khanh ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức vui mừng khôn xiết. Thời gian ông Khanh chuẩn bị nước tưới, cày ải vụ mùa mới chỉ mất bốn ngày, nhanh hơn nhiều so với trước. Nhiều năm trước, hơn 6,3 sào ruộng ở bốn vị trí cách xa nhau từ 200-300m khiến ông khó chăm sóc, tưới tiêu, dẫn đến năng suất thấp. Nhờ địa phương vận động, doanh nghiệp hỗ trợ, ông quyết định cùng người dân “gom đất về một mối”. Họp hành cùng xã, các công ty bàn bạc và ông đồng thuận.
Sau khi tính toán trừ đường nội bộ cánh đồng, mương tưới, tiêu 90m2, ruộng ông nhập thành một thửa lớn 6 sào. Đồng ruộng tập trung, có mương tưới, tiêu, đường giao thông rộng, ông Khanh không còn lo thiếu nước, chi phí vụ mùa giảm và năng suất lúa cao hơn trước.
Trước khi dồn điền đổi thửa, gia đình ông Vũ Xuân Sơn ở xã Đức Nhuận có gần 2.000m2 đất lúa nằm rải rác trên các cánh đồng trong xã. Được chính quyền địa phương vận động cùng cam kết của các đơn vị, ông nhập các thửa ruộng nhỏ thành thửa đất lúa lớn cho gia đình. Nhận thửa đất 1.900m2 với đầy đủ hạ tầng đường giao thông nội đồng, nước tưới đầy đủ, vụ mùa đầu ông thu hoạch được gần 11 tạ lúa, lợi nhuận tăng hơn 25% so với trước.
Ông Sơn chia sẻ: Ủy ban nhân dân xã mời người dân họp, bàn cách làm, biện pháp cụ thể cho từng hộ, làm sao ai cũng sản xuất được như nhau. Người dân đồng ý thì doanh nghiệp làm theo phương án đã thống nhất, xã giám sát. Các công ty làm bài bản, trong thời gian san ủi không trồng được lúa thì họ hỗ trợ mỗi sào 3,5 tạ lúa. Nhà tôi có 6,3 sào nhận được 10,3 triệu đồng, không lo thiếu ăn mùa ấy.
Từ năm 2020, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức thực hiện dồn điền đổi thửa 60 ha, với chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nhiều khó khăn, công tác dồn điền bị gián đoạn. Sau đó, chính quyền địa phương chuyển hướng vận động doanh nghiệp đấu thầu, tham gia dồn điền đổi thửa trên diện tích ruộng có tận thu đất sét.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Nhuận Nguyễn Vũ Trung cho biết, để xã hội hóa dồn điền đổi thửa, xã họp lấy ý kiến từ nông dân và doanh nghiệp tham gia bàn thảo, thực hiện theo ý kiến, nguyện vọng của người dân; với mục tiêu nông dân đều làm được ruộng, doanh nghiệp có nguồn thu và đóng góp ngân sách nhà nước. Cùng bàn, cùng thống nhất với người dân và chính quyền giám sát bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Những cánh đồng lớn hình thành thuận lợi cho nông dân canh tác, trồng trọt, mùa vụ đều không còn bấp bênh như trước.
Hiệu quả đi cùng thực tế
Thực hiện chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, Quảng Ngãi hỗ trợ hoàn toàn kinh phí đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; đồng thời, hỗ trợ 18 triệu đồng cho mỗi héc-ta chỉnh trang đồng ruộng và lập hồ sơ thiết kế, dự toán, xây dựng phương án, mức hỗ trợ. Đây là chính sách đối với diện tích dồn điền đổi thửa vùng đất không tận thu đất sét làm vật liệu nung gạch, ngói. Song song đó, tỉnh thực hiện xã hội hóa, vận động doanh nghiệp tham gia cải tạo đồng ruộng đối với vùng ruộng có tận thu đất sét làm nguyên liệu gạch, ngói.
Qua triển khai từ thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm trên địa bàn tỉnh khó thực hiện do kinh phí ít, không đủ chi phí chỉnh trang nội đồng. Vì vậy, nhiều địa phương chọn giải pháp xã hội hóa dồn điền đổi thửa, với sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị trên diện tích vùng đất có tận thu đất sét.
Để bảo đảm công tác xã hội hóa dồn điền đổi thửa, Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương xây dựng phương án, xác định rõ khối lượng, kinh phí; phương án xã hội hóa phải có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương các cấp và vận động người dân đồng thuận tham gia. Tỉnh chủ trương thực hiện xã hội hóa dồn điền đổi thửa trên 11 cánh đồng, với diện tích hơn 260 ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 42 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện dồn điền bảy cánh đồng không sử dụng ngân sách nhà nước trên diện tích gần 180 ha, với kinh phí hơn 27 tỷ đồng.
Ông Hà Thanh Vương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vương Thắng cho biết: Đơn vị dồn điền đổi thửa trên 12,5 ha tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn. Khai thác hơn 10 nghìn khối đất sét trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng, công ty sau xây lắp, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng và hoàn thành các thủ tục pháp lý cho nhân dân. Qua đó doanh nghiệp mua được trữ lượng đất sét làm nguyên liệu nung gạch, ngói trong xây dựng.
Theo Trưởng thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn Đỗ Ngọc Hợi: Xã hội hóa giúp dồn điền đổi thửa hiệu quả hơn, người dân đồng thuận cao vì thời gian làm nhanh, doanh nghiệp làm theo ý nguyện của nông dân. Ở các vùng nông thôn khi không còn lao động trẻ thì chỉnh trang đồng ruộng cơ giới hóa giúp sức rất lớn cho nhà nông.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung khẳng định, xã hội hóa dồn điền đổi thửa làm nhanh, tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí đầu vào cho nông dân, tăng năng suất cây trồng, hiệu quả kinh tế đầu ra cao. Doanh thu trên các cánh đồng đạt 104 triệu đồng/ha, tăng hơn 20% so với trước dồn điền đổi thửa. Sau dồn điền đổi thửa, phần đất Ủy ban nhân dân xã quản lý gom lại một vị trí tập trung, tạo quỹ đất cho xã để kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng, công trình cộng đồng phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: Việc xã hội hóa dồn điền đổi thửa bảo đảm đúng quy định pháp luật, bài bản, minh bạch với sự đồng thuận, tham gia của người dân, giải quyết bài toán kinh phí hiện nay. Hiện các địa phương làm tốt mục đích của dồn điền đổi thửa có lợi cho nông dân, nhưng sau này tỉnh có quỹ đất để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn phát triển nông nghiệp chuyên nghiệp.