Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy chủ trì buổi thảo luận. Tham dự buổi thảo luận có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; các đại biểu Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và Nghệ An.
Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN |
Góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Luật Nhà giáo. Bởi vì, việc ban hành Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt đảm bảo sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN |
Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Nhà giáo là người được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Định nghĩa này còn chung chung, chưa rõ nội hàm nhà giáo gồm những ai, cá nhân nào? Chưa rõ về tiêu chí xác định nhà giáo? Do đó, cần quy định cụ thể hơn, rõ hơn theo hướng mở rộng đối tượng. Để bảo đảm quyền lợi của những người đang làm việc, công tác (không trực tiếp giảng dạy) tại các cơ sở giáo dục như cán bộ quản lý giáo dục và một số nhân viên (thiết bị, kế toán, y tế…) trường học cũng cần được xác định là nhà giáo và hưởng các chính sách của nhà giáo.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng, cần xác định nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là viên chức đặc biệt; nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt. Vì vậy, cần quy định nhà giáo công lập được tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm, hưởng hệ thống thang bảng lương… theo quy định của Luật Viên chức và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.
Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, về tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới, nhất là đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đề nghị nghiên cứu chức năng quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GĐ&ĐT, làm sao cho không trùng lắp quản lý trong hệ thống giáo dục. Bởi, bên dạy nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn hệ thống giáo dục phổ thông, đại học thì Bộ GD&ĐT quản lý.
Liên quan đến tuyển dụng, dự thảo luật quy định giao Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Đề nghị phải được cơ quan cấp có thẩm quyền về quản lý biên chế ở trung ương và địa phương quyết định để bảo đảm thống nhất quản lý biên chế, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm biên chế.
Góp ý đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đó là đề nghị bỏ quy định đối với người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng – hưởng”.
PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/thoi-su/202411/doan-dbqh-tinh-quang-ngai-thao-luan-ve-luat-nha-giao-va-luat-viec-lam-sua-doi-6953fba/