(Báo Quảng Ngãi)- Bình minh vừa xuất hiện phía chân trời cũng là lúc chợ cá ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) họp chợ. Cảnh mua bán cá ngay mép sóng trở nên nhộn nhịp, khi hàng chục chiếc tàu khai thác hải sản trong đêm mang theo đầy ắp cá, mực cập bờ.
Những mẻ cá đánh bắt trong đêm được đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. |
Vừa cân xong mẻ cá của tàu anh Đi, các thương lái đã lập tức chạy về phía thúng của ông Nguyễn Văn Tùng đang tiến vào bờ để tiếp tục thu mua cá. Trên chiếc thúng, hơn chục khay cá nục suông tươi rói, lấp lánh ánh bạc được các lao động nữ nhanh chóng chuyển lên chiếc xe cộ đẩy lên bờ. Phiên biển này, tàu ông Tùng đánh bắt được hơn tấn cá nục. Cá vừa cập bờ là các thương lái thu mua ngay. Cảnh mua bán tấp nập, tiếng nói cười, gọi nhau í ới vang một góc biển.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, giá cá luôn nằm ở mức cao, ngư dân ai cũng vui mừng vì có nguồn thu nhập khá. Trong đó, cá nục có giá từ 60 – 70 nghìn đồng/kg, cá tín 40 – 50 nghìn đồng/kg, cá ngừ 70 – 80 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, cá đánh bắt gần bờ luôn được thương lái thu mua với giá cao.
Không chỉ có tàu đánh bắt gần bờ mà những ngày biển yên, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Châu cũng cập bến Châu Thuận Biển để bán cá. Vì thế, có những hôm chợ cá Châu Thuận Biển nhộn nhịp từ sáng sớm đến tận giữa trưa. Các xe đông lạnh từ khắp nơi đổ về chở cá đi các nơi trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.
Sự nhộn nhịp của chợ cá Châu Thuận Biển cũng là niềm vui của hàng chục lao động nữ nơi đây. Công việc bưng bê, gánh cá vào bờ giúp mỗi người kiếm được từ 150 – 200 nghìn đồng trong một buổi sáng. “Công việc của các lao động nữ ở chợ cá bắt đầu từ 4 giờ sáng hằng ngày. Mấy hôm nay, cá về nhiều nên những người hành nghề quang gánh, bưng bê có việc làm thường xuyên. Cũng nhờ có nghề này mà chị em làng biển mới có thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”, chị Trần Thị Hải, ở thôn Châu Thuận Biển tâm sự.
Kiên trì bám biển
Người dân ở xã Bình Châu từ bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Trải qua thời gian, nghề này vẫn luôn được giữ gìn và phát huy, trở thành nghề truyền thống của các làng biển. Toàn xã Bình Châu hiện có trên 480 tàu thuyền, với gần 2.000 lao động đi biển. Trong đó, có gần 200 tàu thuyền với khoảng 600 lao động chuyên mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản gần bờ. Đều đặn hằng ngày, sau buổi cơm chiều sớm, mỗi thuyền từ 3 – 4 ngư dân lại bắt đầu xuất phát ra biển đánh bắt hải sản và trở về vào sáng sớm ngày hôm sau. Chính vì đánh bắt ngay trong đêm và trở về vào lúc sáng sớm, nên chất lượng các loại hải sản ở Bình Châu luôn nổi tiếng tươi ngon.
Tàu thuyền ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn). |
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, đối với nghề biển gần bờ thì bà con làm quanh năm. Tùy theo từng mùa, ngư dân sẽ đánh lưới được những loại cá khác nhau. Địa phương cũng luôn tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản. Đầu tư, cải hoán tàu thuyền, trang thiết bị đánh bắt hải sản hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và hoạt động an toàn trên biển.
Lênh đênh trên những con sóng giữa muôn trùng biển khơi không phải là việc dễ dàng và không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, nghề biển cũng có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng, vượt qua những nhọc nhằn, khó khăn, ngư dân Bình Châu luôn kiên cường bám biển vì truyền thống bao đời và khát vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: