(Báo Quảng Ngãi)- Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ tỉnh hiện đang quản lý hơn 106,4 nghìn héc ta rừng và đất quy hoạch phòng hộ tại 5 huyện miền núi, trong đó có trên 977ha chưa đủ điều kiện thành rừng, nhưng chưa được khai thác và thanh lý.
Trong hơn 106,4 nghìn héc ta rừng và đất quy hoạch phòng hộ, thì có hơn 7.500ha rừng trồng phòng hộ được đầu tư từ các chương trình (bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế) và các dự án (327, 661, JiBic, JiCa2) trên lâm phần do BQL rừng phòng hộ tỉnh quản lý. Tuy nhiên, hiện có trên 977ha rừng kém chất lượng, phân bổ tại các huyện Trà Bồng hơn 458ha, Sơn Tây gần 241ha, Sơn Hà gần 257ha và Ba Tơ 121ha.
Theo BQL rừng phòng hộ tỉnh, quy định thiết kế trồng rừng theo các chương trình, dự án trước đây thực hiện theo phương thức “1 năm trồng, 3 năm chăm sóc”, nên khi kết thúc giai đoạn đầu tư thì rừng không được tiếp tục chăm sóc. Vì vậy, mật độ cây trồng chính giảm dần, lượng cây gỗ tái sinh tự nhiên rất ít; còn số lượng cây trồng phụ trợ (chủ yếu là cây keo) đã quá tuổi, hầu hết bị rỗng ruột hoặc xốp gỗ, chết đứng và bị đổ, gãy sau các đợt thiên tai, bão lũ.
Rừng trồng phòng hộ kém chất lượng cần được thanh lý, tạo nguồn lực nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng phòng hộ khu vực núi Cà Đam (Trà Bồng). Ảnh: T.L |
Đại diện lãnh đạo BQL rừng phòng hộ tỉnh cho biết, hơn 977ha rừng kém chất lượng, không phát huy hiệu quả, vừa ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng, vừa lãng phí nguồn lực bảo vệ và chăm sóc. Vì vậy, từ năm 2020, BQL rừng phòng hộ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tham mưu Sở NN&PTNT thanh lý 977ha rừng nói trên. Tuy nhiên, ngày 28/12/2020, Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 18/2013/TT-BTC ngày 20/2/2013 về Hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng.
Sau khi bãi bỏ Thông tư 18, đến nay Bộ Tài chính vẫn không có văn bản thay thế có liên quan về trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng. Trong khi đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó có nội dung thanh lý rừng trồng nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Vì vậy, Sở NN&PTNT đã đề nghị Cục Lâm nghiệp tham mưu Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ; trong đó có việc ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý để làm cơ sở cho các địa phương tổ chức, thực hiện.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, việc khai thác, thanh lý diện tích rừng kém chất lượng, rừng không đảm bảo các tiêu chí thành rừng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ rừng sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng đã được đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước. Đồng thời, tạo nguồn lực để tái đầu tư cho công tác trồng, phục hồi, phát triển và bảo vệ rừng. Trong thời gian đợi cấp thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc, Sở NN&PTNT chỉ đạo BQL rừng phòng hộ tỉnh quản lý chặt chẽ diện tích rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng để tái sinh tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng.
THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202411/chat-vat-thanh-ly-rung-trong-phong-ho-7391bba/