Theo nghị quyết về giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trên địa bàn vừa được HĐND tỉnh Kon Tum thông qua, HĐND tỉnh này yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và chủ đầu tư trong từng dự án cụ thể để có hành động quyết liệt, bảo đảm cho các dự án đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
Đồng thời, HĐND tỉnh Kon Tum yêu cầu rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng chậm GPMB các công trình trọng điểm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh; kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này nhưng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Giải pháp cụ thể là xem xét nghiêm túc trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan đến việc không hoàn thành đúng tiến độ công tác bồi thường, GPMB theo kế hoạch. Tập trung hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản quy định về bồi thường, GPMB thuộc thẩm quyền của địa phương khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đã bồi thường, GPMB đạt mức 32,4% của 12/37 dự án. Trong đó đã bồi thường được khoảng 55,34 ha cho hai tổ chức và 246 hộ dân của các dự án trọng điểm của tỉnh.
Báo cáo với cử tri tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì công tác bồi thường, GPMB còn chậm, ách tắc gây cản trở lớn đến tiến độ dự án.
Một số dự án hiện nay chưa triển khai được hoặc rất chậm như: Dự án Ðầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; Dự án xây dựng mở rộng doanh tại các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum”…
Ông Sâm cho biết, những nguyên nhân chính chưa tháo gỡ được gồm: Công tác bồi thường, GPMB rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng, cơ quan, chính sách, lợi ích người bị thiệt hại, dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, mất an ninh trật tự,… tồn tại từ lịch sử, xác định nguồn gốc đất, quá trình quản lý, xử lý của cơ quan có thẩm quyền thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo pháp luật.
Quy định pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế đối với từng khu vực, địa phương (chuyển đổi rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, đặc dụng, giá đất, quy hoạch, tài sản của công ty nhà nước…).
Cũng theo phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mất nhiều thời gian như: Thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, GPMB bằng mất từ 3 đến 6 tháng.
Đối với việc góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện các mỏ đất đắp khó khăn, bất cập; Lựa chọn tư vấn thẩm định giá đất cụ thể rất khó khăn do chi phí thấp, trách nhiệm lớn,…
Ngoài các nguyên nhân trên thì còn có sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư và các cơ quan như: chưa quyết liệt, chưa chủ động phối hợp linh hoạt giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc này; chính quyền địa phương, ngoài thực thi nhiệm vụ chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, xác minh nguồn gốc đất,… nhất là sau khi những sai phạm được thanh tra, kiểm tra phát hiện đã ảnh hưởng, chậm tiến độ của công tác bồi thường, GPMB.